Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 40)

Đại tá Hường nói: Việc này chị cứ yên tâm, giám đốc chúng em chỉ đạo việc chống các băng nhóm tội phạm gắt lắm.

dac biet nguy hiem ky 40 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 39)

Tại phòng làm việc của Phó giám đốc chỉ huy cảnh sát Trần Văn Hường. Có một cuộc họp giữa Hường với Viện phó Viện ...

dac biet nguy hiem ky 40 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 38)

Chung nhìn Bình bằng ánh mắt dịu lại, đầy vẻ bi thương: Anh ạ, dù bất luận thế nào, trong hoàn cảnh nào, thì em ...

Trương bảo:

- Cái này theo chúng em thì cứ đúng luật mà làm. Nói thật với anh là thằng Bình có ơn với em đấy. Vừa rồi nó giúp bọn em lô hàng cũng lớn. Không có nó thì em cũng chết dở. Nhưng mà thằng này bề ngoài nó nhẹ nhàng vô cùng. Nó có vẻ lương thiện, sẵn sàng giúp đỡ người khác nhưng bên trong nó lại thâm hiểm vô cùng. Nó có nhiều chiêu đối với bọn em trước đây để tranh cướp hàng, tranh khách với bọn em. Biết mà không làm gì được.

Phó giám đốc Hường hỏi:

- Cụ thể nó là cái gì? Chú nói anh nghe xem nào.

Trương bảo:

- Nó là thế này. Vốn của nó lớn, nó sẵn sàng bán phá giá thị trường. Ví dụ, một cái máy ủi máy xúc, bọn em chào hàng giá thị trường khoảng hai mươi ngàn đô một cái máy secondhand. Khi khách hàng em tìm đến nó thì nó hạ giá luôn, thậm chí nó bán hàng còn không có lãi nó cũng bán. Nhưng chính vì thế cho nên nó tranh khách được của bọn em. Nhiều lần chúng em bàn bạc với nó là nên thống nhất giá cả chứ nếu bây giờ ở tỉnh có vài ba thằng nhập hàng secondhand mà thằng nọ phá giá thằng kia thì rồi sẽ có ngày chết tất nhưng nó có nghe đâu. Đấy là chuyện đơn giản nhất. Rồi nhiều việc khác nữa cũng phức tạp lắm. Nhưng đâu phải là có chứng cứ để trình bày với các anh.

Hường bảo:

- Tớ không nghĩ là đời nó hiểm hóc như thế.

Trương nói luôn:

- Em nghe nói là ông anh có khoảng hơn hai hécta. Mà cái lô đất đấy hình như ông anh vẫn bỏ không đúng không?

Hường nói:

- Ừ thì có hai hécta thật, nhưng lô đất đấy ngày xưa là ruộng trũng nhưng chẳng có tiền để san nền nên vẫn chưa xây được nhà.

Trương bảo:

- Ông anh lo gì cái chuyện đấy. Nhưng em nói thật nhé, ông anh đang đương chức đương quyền xây nhà to làm gì, người ta lại dị nghị, xì xèo thì cũng rách việc. Theo em thì ông anh cứ để đấy, bao giờ về hưu thì hãy xây. Còn không thì như thế này, để cho nó hợp thức hóa, ông anh ký hợp đồng liên danh với bọn em, thế rồi em sẽ bỏ tiền ra san nền, xây tường rào bao quanh rồi trồng sẵn cây ăn quả để đấy cho ông anh. Còn cái nhà nếu ông anh có tiền thì ông anh xây, còn nếu không thì thằng em giúp.

dac biet nguy hiem ky 40

Hường sáng mắt lên và nói:

- Như thế thì phiền chú quá!

Trương bảo:

- Có cái gì mà phiền, chúng em ăn nên làm ra được nhiều lúc cũng là nhờ bóng nhờ vía ông anh. Chứ còn nếu như không có ở trên đỡ đần làm sao em có được cơ ngơi như thế này.

Đại tá Hường gật gù bảo:

- Ừ, thôi thì cái việc san nền với xây tường rào chú cứ giúp anh. Nhưng mà anh em mình cũng phải sòng phẳng với nhau một chút. Bây giờ thế này, chú cứ làm một cái hợp đồng, coi như chú thuê đất của anh, chú xây nhà xây cửa rồi chú làm văn phòng hay gì đấy thì tùy chú. Thế còn ít năm nữa anh về hưu rồi chúng ta tính sau.

Trương nói:

- Việc đấy cứ để em lo, ông anh không phải động chân động tay vào và anh cũng không phải mất đồng xu cắc bạc nào cả. Nó đáng cái gì đâu. Giúp ông anh có một cơ ngơi sau này ông anh dưỡng già về hưu thì có gì đâu. Bố em cũng nói rồi, trong số cán bộ công an tỉnh ở đây, người mà bố em tin nhất đó là ông anh đấy. Vì trước đây ông anh điều tra mấy vụ tham ô tham nhũng nổi tiếng, rồi mấy vụ buôn gian bán lận nữa nên ông già em quý anh lắm.

Đại tá Hường nói:

- Đúng là ông bác thì cũng có tình cảm với anh, nhưng cũng chính vì thế mà nhiều người trong công an tỉnh cũng khó chịu. Nhất là ông Thiều Giám đốc Công an tỉnh.

Trương nói luôn:

- Hôm nọ, em nghe bố nói, có lẽ tới đây sẽ phải đưa Giám đốc về trên Bộ chứ để dưới này mà nội bộ lục đục thì không ổn. Mà ông Thiều đi rồi thì người thay thế là anh đấy.

Đại tá Hường nói:

- Chuyện đó còn là lâu dài, chẳng biết thế nào. Nói gì thì nói ông Thiều cũng được ở trên Bộ quý lắm. Hơn nữa đợt vừa rồi bỏ phiếu quy hoạch tín nhiệm thì anh được không cao. Được có 52% trong khi ông Tân phụ trách an ninh được hơn 90%.

Trương nhăn mặt bảo:

- Anh ơi! Anh tin gì cái việc bỏ phiếu tín nhiệm ấy. Đó là cái thứ vớ vẩn nhất. Vấn đề là cái người được bầu bán ấy là được tín nhiệm của ai. Chứ được tín nhiệm của anh em mà không được tín nhiệm của lãnh đạo ấy thì cũng vứt. Việc đấy anh đừng băn khoăn. Bố em có ý rồi, hơn nữa nói về mặt tuổi tác thì tới đây anh mà lên Giám đốc được thì anh còn làm được đủ nhiệm kỳ hai năm, chứ còn ông Tân mà có lên thì chỉ được hơn một năm thôi.

Hai người vừa nói đến đấy thì ngoài cổng lại có tiếng còi xe. Nghe tiếng còi Trương nói ngay:

- Xe của mẹ em đến đấy!

Đại tá Hường ngạc nhiên hỏi.

- Sao cậu nghe còi xe mà cậu đã biết?

- Ôi em lạ gì, mẹ em thường xuyên đến đây cho nên em nghe tiếng còi xe là em biết.

Một lát sau, bà Sương vợ ông Sâm vào. Hường đứng dậy chạy ra đón.

Bà Sương đon đả:

- Ôi anh Hường, tôi đang định đi tìm anh thì may quá lại gặp anh ở đây, anh đến chơi với cháu lâu chưa?

- Dạ, thưa chị, em cũng vừa mới đến được một lúc, hai anh em ngồi với nhau bàn chuyện làm ăn.

Bà Sương bảo:

- Trời ạ, đến bây giờ còn ngồi bàn chuyện làm ăn. Tôi đang có việc hỏi anh đây.

Bà Sương ngồi vào và hất hàm bảo Trương.

- Mày bảo chúng nó ép cho mẹ cốc nước bưởi.

Rồi bà quay lại Đại tá Hường.

- Tôi huyết áp cao, lại mỡ máu cho nên phải chịu khó uống nước bưởi. Từ khi uống cái thứ nước này được mấy tháng rồi đấy, cũng thấy đỡ.

Hường nói:

- Đúng rồi đấy chị ạ, em cũng thấy nhiều người uống cái thứ nước này. Chẳng biết bổ béo thế nào, cứ đua nhau uống, người này bảo người kia nhưng mà nó không bổ trên thì nó cũng bổ dưới chị ạ. Hơn nữa nó là thứ không độc hại mà vùng quê này cũng sẵn bưởi chị ạ. Em thấy nhiều nhà có bưởi ngon lắm chị bảo các cháu đi mua cho chứ đừng mua ngoài chợ. Cần gì phải ăn bưởi da xanh, da đỏ làm gì vừa đắt tiền vừa ngâm tẩm thuốc nọ thuốc kia bố ai mà biết được. Chị thấy ngày xưa mình mua hoa quả, một quả cam cùng lắm chỉ để được một tuần. Bây giờ nó đem ngâm thuốc có khi để hàng ba, bốn tháng thế nó không tẩm hóa chất thì là tẩm cái gì.

Bà Sương hỏi Hường.

- Tôi nghe nói là chiều nay các anh họp nghe báo cáo kết quả chỗ thằng Bình nhưng không tìm ra được cái gì của nó có phải không?

Hường nói:

- Dạ vâng ạ. Anh em nó làm cũng rất cẩn trọng nhưng không tìm ra được sơ hở nào của nó ngoài mỗi một chuyện nhỏ.

Bà Liên hỏi:

- Chuyện gì?

Hường:

- Anh em phát hiện ra là nó biếu ông Tấn Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc và Đô thị một đôi lọ lục bình trị giá khoảng một trăm năm mươi triệu.

Bà Liên vỗ đùi:

- Đấy, chứng cứ là đấy chứ còn đâu. Chú xem một tay Giám đốc Sở mà nó dám biếu đến đôi lọ lục bình một trăm năm mươi triệu thế thì với những người khác thì như thế nào. Tôi nghe chừng có khi chúng nó còn đồn là ông Sâm nhà tôi ăn của nó tiền tỉ rồi cũng nên ấy chứ. Giám đốc Sở còn được biếu đôi lọ một trăm năm mươi triệu thế còn Chủ tịch tỉnh với Bí thư thì còn ăn như thế nào nữa.

Đại tá Hường bảo:

- Vâng, cái này anh em cũng đang cho xác minh để làm rõ.

Bà Liên nói:

- Theo tôi việc đấy các chú cũng biết là phải nên làm thế nào. Chú là công an thì tôi cũng chẳng phải cố vấn nữa. Thế nhưng mà tôi thấy thằng này nó nham hiểm lắm. Phải làm cho ra. Nếu mà đúng là nó có quan hệ với bọn Đài Loan thì rất nguy hiểm. Chú thấy đấy, nếu như để những băng nhóm tội phạm nước ngoài nó len chân vào nước mình thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Bây giờ chưa phát hiện được mà tình hình trật tự trị an của tỉnh ta chẳng ra gì, ngày nào cũng có đâm cướp, hiếp giết, rồi trộm cắp các loại. Thành phố lớn càng nhiều tội phạm. May mà ở đây là công an mình quá giỏi cho nên ngăn chặn được. Bây giờ các chú mà buông ra một tý xem, không khéo lãnh đạo tỉnh mình phải chào mấy đại gia xã hội đen từ nước ngoài về.

Đại tá Hường nói:

- Việc này chị cứ yên tâm, giám đốc chúng em chỉ đạo việc chống các băng nhóm tội phạm gắt lắm.

Bà Sương bĩu môi nói:

- Ông Thiều ấy à? Ông ấy thì chỉ đạo được cái gì. Chẳng qua ông ấy cứ nói thế thôi còn tất cả mọi việc ông ấy trút cho cấp phó làm việc. Tôi nghe nói, có doanh nghiệp biếu ông ấy một bộ đồ chơi gôn hơn hai mươi nghìn đô lại mua cho ông ấy thẻ chơi gôn mấy chục nghìn đô một năm. Chú bảo là nếu như ông ấy làm ăn lương thiện tử tế làm sao mà người ta biếu xén đến như vậy.

Đại tá Hường nói:

- Ừ đúng, gần đây em cũng nghe nói giám đốc nhà em cũng thỉnh thoảng đi chơi gôn.

Bà Sương cười nhạt bảo:

- Đấy, cứ nói quan chức thế nọ thế kia nhưng mà giám đốc công an tỉnh mà còn có tiền đi chơi gôn thì hỏi chú tiền đấy ở đâu ra. Chơi gôn là cái thú của các đại gia thừa tiền thừa của. Còn tỉnh này là địa bàn phức tạp, công việc nhiều thời gia đâu mà đi chơi gôn. Thế nhưng giám đốc thì thứ Bảy, Chủ nhật vẫn đi đấy. Mà bây giờ người ta gọi đi chơi gôn là đi cuốc đất, đi nhổ cỏ. Mỗi một lần đi hết bao nhiêu chú biết không? Riêng tiền thuê cái đứa nó vác cái túi đựng gôn đi theo một ngày đã hết vài trăm đô. Rồi tiền ăn, tiền uống, ấy là chưa kể sân gôn là chốn hẹn hò của các ông ấy với các em chân ngắn chân dài nữa. Nhà tôi cũng nói rồi cái việc của anh tới đây thì nhà tôi sẽ lo, chứ tình hình này cứ để ông Thiều thì càng ngày càng nát. Tình hình trật tự trị an kém nay trộm, mai cướp thì còn thằng nào dám vào làm ăn ở tỉnh mình nữa. Chủ trương trải thảm xanh đón các nhà tri thức, trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư về tỉnh thì đây là một chủ trương chiến lược rất hay của tỉnh mình nhưng nếu như công an không làm trong sạch địa bàn thì ai người ta còn dám tới.

Đại tá Hường nói:

- Ôi giời ơi bà chị sao lại có nhãn quan nhìn xa đến thế. Chị nói cứ như là lãnh đạo Bộ xuống giao nhiệm vụ cho chúng em ấy.

Bà Sương cười và bảo:

- Ấy là tôi ở nhà thôi, nhưng mà cũng nghe hóng chuyện của ông ấy cho nên là nói câu được câu chăng.

Rồi bà hỏi Trương:

- Này thế mày tính xem là chỗ anh Hường đây phải có cách nào giúp đỡ anh ấy chứ. Ai lại chồng là Đại tá, Phó giám đốc Công an tỉnh mà đến giờ vợ vẫn làm nhân viên văn thư quèn ở Sở Tài chính như thế thì kinh tế khó khăn lắm

Trương bảo:

- Con cũng vừa bàn với anh Hường đây rồi. Tới đây con sẽ liên doanh với anh Hường để khai thác mảnh đất của anh ấy ở đồng chiêm trũng ngoài xóm chùa.

Bà Sương gật gù:

- Anh em chú cháu làm thế nào thì làm, nhưng kín kẽ vào.

Rồi bà đứng dậy nói:

- Thôi tôi phải đi có việc đây, nghe chú nói là tìm ra chứng cứ về thằng Bình thế là được rồi. Theo tôi việc này lên làm sớm.

Rồi bỗng bà Sương nhìn vào mắt Trương nói vẻ nghiêm khắc.

- Mà này, mày cũng nên nói với thằng Bình đừng có vì chuyện cái lô đất. Nếu như vận động nó bán cho được là tốt, còn nếu không thì bảo nó liên doanh. Chứ còn ở tỉnh quèn này có mấy tay làm ăn lớn như chúng bay mà sinh chuyện thì mang tiếng cả tỉnh ra.

Trương nói:

- Con cũng nói với nó và phân tích với nó rồi, nhờ đủ mọi người tác động mà nó cứ trơ ra có nghe đâu.

Đại tá Hường nói:

- Chị đừng bận tâm việc này, chị để em lo. Không có cách này thì có cách khác. Các cụ dạy rồi, mềm nắn rắn buông.

Tối hôm đó, Bình đang ngồi ở nhà giở một tệp những bài báo viết bài về Bình ra đọc thì có chuông điện thoại. Bình nhấc máy lên:

- A lô! Tôi Bình xin nghe đây ạ.

Từ đầu dây bên kia tiếng của Trương:

- Anh Bình đấy à! Bọn em đang ngồi ở quán Phố Biển. Ông anh ra đây một tý được không?

Bình nói:

- Tôi hơi mệt lại vừa mới ăn cơm xong.

Tiếng của Trương:

- Thôi ông anh ra đây một tí. Có chuyện gì đâu, ra cho vui uống được thì uống. Em bây giờ cũng có uống được đâu. Chỉ là có mấy người muốn được nhìn mặt anh Bình thôi.

Bình bảo:

- Ờ thôi được rồi, chờ tôi chút nhé.

***

Thế rồi Bình mặc quần áo và lấy xe máy đi. Vừa dắt xe ra thì Linh chạy ra hỏi:

- Anh đi đâu đấy?

Bình nói:

- Trương mời ra uống rượu.

Linh bảo:

- Ừ, đúng. Anh phải ra uống với bọn đấy. Có khi thảo luận ở bàn làm việc chả ra được chuyện gì đâu nhưng mà đi ra quán ngồi lại ra khối việc.

Bình phóng xe ra quán thì thấy Trương cùng Hoàng và một nhóm hai tên nữa đang ngồi, bên cạnh cũng có mấy ả chân dài ngồi tiếp rượu. Thấy Bình vào Trương vồn vã:

- Đây rồi, Bình đến đây rồi, thế chứ, cứ tưởng ở nhà phục vụ bà chửa.

Hoàng nói:

- Chào anh Bình, em nghe nói bảo ông anh đang chuẩn bị cho chị ấy sang Sing đẻ có phải không?

Bình chào mọi người rồi bảo:

- Thì cô ấy cũng muốn sang đấy đẻ con để được chăm sóc tốt. Đấy bây giờ chú đọc báo thấy toàn những chuyện sản phụ chết, con chết nghe thấy hãi lắm. Thôi mình con đầu cháu sớm, thì cứ đưa sang đấy sinh đẻ cho nó an toàn.

Trương nói:

- Đúng quá còn gì nữa, làm ra tiền để làm gì, để chất lượng cuộc sống cao hơn để con cháu mình nó sung sướng hơn chứ em thấy như mấy tay ở nước ngoài ấy chết đi để gia sản mang hiến hết cho quỹ nọ quỹ kia, con cháu chả được cái gì. Nào mời anh Bình.

Mọi người nâng cốc chúc nhau vui vẻ.

Bình uống một hơi hết ly rượu rồi bảo:

- Nhưng mà cái cách ở nước ngoài người ta làm như thế là đúng đấy, chứ mình bây giờ ở đây cái kiểu bố mẹ nai lưng ra làm để con cái ngồi khật khưỡng hưởng thụ lười nhác không chịu làm ăn là không được. Nghe nói ở Thụy Điển, tài sản bố mẹ để lại cho con cái là tòa án nó quản lý. Nó chỉ cho hưởng một phần ba thôi còn đâu là xung công quỹ nhà nước hết.

Hoàng nói:

- Ôi, đấy là ở Thụy Điển, anh cứ trông xa làm gì. Mình ở đây là “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

Rồi uống thêm một ly rượu nữa Trương hỏi Bình:

- Em nghe nói bên cảnh sát kinh tế làm xong rồi, không tìm được chứng cứ phải không?

Bình trả lời:

- Ừ, cũng không biết thế nào, chưa thấy họ có kết luận điều tra. Nhưng mà tôi thấy rằng, nếu họ có đủ chứng cứ là tôi quan hệ với bọn xã hội đen Đài Loan, thì có lẽ cũng đã bắt nhốt kho rồi.

Hoàng nói:

- Đúng thế, tin thế nào được mấy ông công an này. Nhưng mà anh cũng phải cảnh giác đấy.

Một gã giang hồ nói:

- Anh Bình đừng có tin vội, mọi việc chưa kết thúc đâu. Làm gì có chuyện công an họ xông vào anh họ làm như thế mà họ lại báo cáo là không tìm ra chuyện gì để giám đốc người ta quốc mặt ra à. Cứ phải giấy trắng mực đen trước thiên hạ thì lúc đây mới tin được.

Bình uống tiếp một ly rượu rồi nói:

- Thôi không nói đến chuyện đấy nữa, mệt mỏi lắm.

Vừa lúc đấy Bình có điện thoại di động, Bình nói với mọi người:

- Tôi xin phép nghe điện thoại.

Từ đầu dây đằng kia tiếng một người nữ gọi điện nói:

- Em chào anh Bình. Em xin lỗi anh em gọi cho anh hơi đường đột. Em xin tự giới thiệu em là Minh Thúy phóng viên của báo Pháp luật ngày nay.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân