Bình nói: Không vay tiền ngân hàng bây giờ cũng không phải là dở. Vấn đề là vay cũng tốt, vay để đầu tư và nếu như mình có mười mà mình vay ba, bốn thì có sợ gì đâu. Sợ nhất là mấy ông ăn sổi, có một mà lại vay bốn, năm. Rồi tự vẽ ra công ty mình thế này, công ty mình thế khác. Chết là cái giá trị ảo.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 32)
Trương hừ một tiếng rồi nói: Thôi đi, chúng bay. Thằng Bình cũng là tù tha về, bây giờ nó mới mọc mũi sủi tăm ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 31)
Ông Sâm đang tưới cây ở trong vườn thì có hai người vào đó là Phó giám đốc Công an tỉnh Đại tá Hường và ... |
Phó tổng giám đốc Hoàn nói:
- Anh Bình bây giờ là khách con cưng của ngân hàng còn gì nữa. Chẳng có doanh nghiệp nào như doanh nghiệp mình bây giờ. Chẳng nợ ngân hàng đồng nào mà còn có tiền bỏ vào trong ngân hàng mấy trăm tỉ.
Bình nói:
- Không vay tiền ngân hàng bây giờ cũng không phải là dở. Vấn đề là vay cũng tốt, vay để đầu tư và nếu như mình có mười mà mình vay ba, bốn thì có sợ gì đâu. Sợ nhất là mấy ông ăn sổi, có một mà lại vay bốn, năm. Rồi tự vẽ ra công ty mình thế này, công ty mình thế khác. Chết là cái giá trị ảo.
Rồi Bình quay sang hỏi Hoàn:
- Nếu như chú thấy rằng việc thành lập công ty vận tải chú quản được thì hãy thành lập. Còn nếu như chú thấy không quản được, chưa chắc chắn thì dứt khoát không. Chúng ta sẽ đi thật chậm. Đi chậm thì sẽ an toàn mà an toàn thì sẽ đi được xa. Chú đã leo núi bao giờ chưa?
Hoàn nói:
- Em ở thành phố, đã bao giờ leo núi. Có đi Sapa thì cũng đi ôtô.
Bình bảo:
- Ngày tôi ở tù tôi đã học được bài học leo núi. Lần ấy, tôi cùng với một nhóm đi lên núi để tìm cây thuốc, khi đi tới chân núi chuẩn bị leo thì thấy tôi cứ đi phăm phăm. Ông bố nuôi tôi có gọi lại và bảo: “Này, mày không thể đi chậm được hơn à”.
Lúc đấy tôi cậy sức khỏe tôi bảo: “Con đi được mà”.
Ông nói: “Được rồi, mày cứ đi đi, rồi xem ai lên được đỉnh núi trước nhé”.
Tôi nhận lời thách đố với ông, thế là tôi hùng hục đi! Nhưng mà chỉ được khoảng ba trăm mét thì chân tay bủn rủn, tim đập như gõ trống và không thở nổi nữa. Trong khi đó ông Can hai tay chắp sau lưng và cúi gập người xuống đi từng bước một bước một như thể ông đếm từng bước vậy. Rồi ông đi vượt qua tôi, sau đó ông cứ thủng thằng đi. Tôi ngồi nghỉ một thôi một hồi rồi đi, cố gắng đi nhanh để cho kịp ông, nhưng mà đi được một đoạn thì mình không đi nổi nữa. Cho nên, phải biết đi chậm.
Phó tổng giám đốc Hoàn nói với Bình:
- Anh ạ! Hiện nay do tình hình kinh tế khó khăn như vậy. Nên em đề nghị anh giãn kế hoạch xây nhà cho các cháu phổ thông trung học nội trú ở Ngã ba biên giới đi.
Bình nhăn mặt và nói:
- Đúng là có khó khăn nhưng không đến nỗi nào. Với lại ta đã hứa với trên đó rồi. Mà đầu tư một tỉ bạc thì có cái gì đâu mà không làm được. Bây giờ tôi giao cho chú, tìm mọi cách trong tháng này phải chuyển tiền lên trên đấy để cho nhà trường xây nhà. Để lâu quá rồi không tiện.
Hoàn cười hì hì và bảo:
- Anh ơi, mới có hai tháng thì đã làm gì mà muộn. Theo em cứ để đến cuối năm mình làm một thể. Cũng còn một cách này. Đó là có một công ty xây dựng trên đấy. Họ hứa là họ sẽ xây nhà cho trường và họ ứng vốn trước cho mình rồi khi nào mình nghiệm thu thì mình sẽ trả tiền cho họ. Tất nhiên là có cộng một phần tiền lãi suất ngân hàng.
Bình lắc đầu và bảo:
- Không, không, tôi không tin được những công ty xây dựng đó. Nó ăn bớt, ăn xén. Nhà mới làm được vài ba năm đã hỏng thì mang tiếng ra. Tốt nhất là anh cứ làm như theo kế hoạch. Mang tiền đến, giao cho xã và xã tự tổ chức đứng ra xây. Làm như vậy thì dân sẽ giám sát được và họ sẽ có cách tiết kiệm. Mình thuê công ty xây dựng nó vẽ ra như là làm nhà thì phải chở xi-măng ở dưới xuôi lên. Mà chú có biết để chở được một bao xi-măng lên đấy giá nó đội lên đến bao nhiêu không? Riêng tiền vận chuyển một bao xi-măng lên đến Ngã ba biên giới là gần bằng giá tiền một bao xi-măng. Nói thế để cho biết rằng, tại sao trên đấy họ làm nhà vách gỗ và xi-măng chỉ mỗi láng nền. Đấy là tôi nói ví dụ như vậy. Cho nên là cứ chuyển tiền lên cho xã cùng với nhà trường họ đứng ra tổ chức xây dựng, làm như vậy vừa rẻ vừa đảm bảo chất lượng mà không thất thoát đi đâu cả.
Hoàn nói:
- Dạ, vâng ạ. Thế thì em sẽ chuyển tiền lên ngay. Thôi bây giờ chúng em xin phép về để anh và chị Thúy tiếp tục đàm đạo.
Nói rồi Hoàn đứng dậy. Bình dặn với thêm:
- Như vậy là có mấy việc là chú nhớ phải làm gấp cho tôi. Việc thứ nhất là thành lập công ty dịch vụ vận tải như chú đã nói. Làm khẩn trương nhưng trước khi làm chú lên kế hoạch và chú phải xây dựng phương án quản lý thật cẩn thận sau đó chú phải trao đổi với các anh bên Phòng Cảnh sát hình sự để các anh ấy giúp đỡ. Chú muốn làm thế nào thì làm nhưng tôi muốn tất cả những người lái xe ôm đã tham gia vào công ty này, thì chú phải nắm được, một là lý lịch của họ, hai là phải quản lý được họ trên các tuyến đường. Nếu như không làm được hai việc đấy thì chưa cần tổ chức công ty. Việc nữa là chuyển tiền ngay để xây nhà cho các cháu trên trường dân tộc nội chú.
Hoàn nói:
- Dạ, vâng ạ! Em sẽ cho triển khai luôn.
Hoàn ra về còn lại Thúy và Bình.
Thúy mở túi đặt cái máy ghi âm lên bàn. Bình nhìn cái máy ghi âm và nói cái vẻ không vui.
- Này, chả nhẽ bây giờ em không ghi chép được hay sao mà phải dùng máy ghi âm như thế này?
Thúy bảo:
- Anh lạc hậu quá, làm báo bây giờ ai phải ghi chép, có máy ghi âm thì phải sử dụng chứ.
Bình bảo:
- Anh thấy không được.
Thúy thắc mắc:
- Anh bảo không được là sao?
Bình nói lại:
- Anh thấy khi anh nói chuyện với em, em ghi chép lại thì trong đầu em đã nhớ một phần rồi. Sau này về em về nhà em giở sổ ra là em nhớ lại hết. Bây giờ em đặt máy ghi âm thế này, về nhà em lại phải mở băng nghe lại như vậy là mất hẳn một quãng thời gian bằng anh em mình nói chuyện. Cái thứ hai là, trong lúc anh kể chuyện với em thì em lại đang nghĩ rằng tối nay em hẹn anh nào anh nào đi chơi thì tập trung làm sao được.
Thúy xịu mặt và nói:
- Anh có vẻ am hiểu nghề báo nhỉ?
Bình:
- Anh chẳng hiểu gì về báo chí cả, nhưng anh cảm nhận như thế và anh nghĩ như thế.
Thúy nói:
- Em chẳng làm gì có tâm trí muốn hẹn anh nào cả, có mỗi một người muốn hẹn thì chẳng được.
Bình tươi nét mặt và hỏi:
- Làm gì có anh nào hẹn mà không được.
Thúy liếc Bình mỉm cười ý nhị và bảo:
- Em muốn hẹn anh đấy!
Bình thở dài và nói:
- Anh cũng nghĩ như thế, nhưng thôi, số chúng mình có duyên mà không có phận thì biết làm thế nào được.
Nét mặt Thúy chợt dại đi, Thúy bảo:
- Anh biết không, có những lúc em nghĩ thế này.
Bình hỏi:
- Em nghĩ thế nào?
Thúy bật cười khúc khích và bảo:
- Nhưng mà anh cấm được cười nhé!
Bình nói:
- Từ xưa đến nay bao giờ anh cũng nói chuyện nghiêm túc.
Thúy nói:
- Em đã có lúc em nghĩ em bàn với vợ anh là em về làm vợ hai của anh và cưa ba thời gian. Chung sống với anh hai phần, em một phần.
Bình trố mắt và bảo:
- Trời ạ, sao em lại nghĩ ra cái chuyện lạ lùng đến như thế. Em biết Chung với anh là như thế nào chứ. Anh có được đến ngày hôm nay là nhờ cô ấy đấy.
Thúy nói:
- Thế chẳng nhẽ không nhờ em à?
Bình ngẩn mặt rồi nói:
- Ừ đúng thật, nhưng mà thôi. Việc đấy chúng mình để khi khác, mà tốt nhất là anh thấy rằng mọi sự đang yên ổn như thế này thì đừng có làm cái gì xáo trộn cả.
Thúy bật cười rồi bảo:
- Đấy là em nói thế thôi, nghĩ thế thôi, mơ ước thế. Khi em nghĩ như thế thì đó là tiếng nói của trái tim em. Nhưng khi em nói ra thì đấy lại là tiếng nói của lý trí, mà lý trí thì không cho phép em làm như vậy. Nào thôi, chúng ta vào việc. Bây giờ em muốn anh kể cho em nghe là tại sao hồi đấy chẳng nhẽ anh không cảm nhận được những âm mưu của bọn thằng Trương hay sao?
Bình gật gù rồi bảo:
- Đúng là anh không cảm nhận được mặc dù cô Chung và anh Phó tổng giám đốc Trần Vũ cũng có nói với anh nhiều lần và một số người nữa, kể cả giám thị trại giam gặp anh cũng nói. Nhưng anh không tin, anh không nghĩ rằng con của chủ tịch tỉnh lại làm như vậy. Đúng là ở đời nhiều khi không ai học được chữ ngờ.
***
Tại phòng làm việc của Trương. Có Trương, Hoàng và hai gã cô hồn hôm trước xuất hiện. Trương nói với vẻ khó chịu:
- Này Hoàng, bây giờ tao hỏi mày, cái công ty vệ sĩ của mày hình như dạo này không còn làm cái gì nữa phải không?
Hoàng nói:
- Dạ, bọn em vẫn làm đấy chứ ạ.
Trương quắc mắt:
- Thế vậy những cái hợp đồng mà đã ký với người ta đi đòi nợ, tại sao không làm?
Hoàng nói:
- Dạ thưa anh! Bọn em cũng đã tìm mọi cách rồi nhưng mà khó lắm. Bây giờ kinh tế nó kiệt quệ, nhiều tay buôn bán bất động sản anh biết đấy, đang dở sống dở chết. Bây giờ có gí dao vào cổ chúng nó cũng chả thể đòi được tiền. Hôm qua, Công ty Bất động sản An Hưng đấy, nếu như hợp đồng đấy mình đòi được 100 tỉ thì mình cũng kiếm được hơn hai chục tỉ. Thế nhưng bây giờ nó đào đâu ra. Mà cái thằng Tổng giám đốc An Hưng ấy giờ chỉ có thiếu mỗi một điều đó là mua dây thừng treo cổ lên sàn nhà mà thoát thôi. Khách hàng suốt ngày đến đòi nhà đòi cửa rồi đòi tiền vốn. Cảnh sát kinh tế cũng nhảy vào cuộc. Em bảo nó là cấn trừ nợ cho mình bằng hai lô đất và hai khu chung cư của nó thì nó sẵn sàng. Nhưng đến khi kiểm tra giấy tờ của nó thì lại toàn giấy tờ đểu.
Trương ngạc nhiên hỏi:
- Giấy tờ đểu là thế nào?
Hoàng nói:
- Vâng, giấy tờ mua bán đất là giấy tờ thật. Khi luật sư kiểm tra thì thấy rằng nó không hợp pháp. Bởi vì nó không nằm trong quy hoạch. Ngày xưa, chúng nó mua đất theo kiểu tù mù. Tức là Sở Quy hoạch kiến trúc của tỉnh nói là, khu này sẽ làm cái này, làm cái kia rồi đưa cho một cái bản đồ vớ vẩn nào đó, thế là bọn này ngập vào. Nếu như mình lấy lại khu đất đấy, tỉnh nó thay đổi quy hoạch, anh tính sao?
Trương nói:
- Bói rẻ hơn ngồi không. Cứ lấy đất về đã, nếu tỉnh có thay đổi quy hoạch thì mình quy hoạch lấy cho tỉnh. Thế chú tưởng rằng ở cái tỉnh này, thằng giám đốc Sở Quy hoạch đô thị là to à? Nó chả là cái đinh gì cả. Còn khi mình có tiền, mình bắt chính quyền ở cái tỉnh này nó làm gì mà nó chẳng phải theo mình.
Một gã cô hồn ngồi bên cạnh cười khúc khích nói:
- Ông anh nói thế hay là ông anh bảo được cả ông già ở nhà à?
Trương nói:
- Tất nhiên, mọi việc thì không thể bảo được ông già ở nhà, nhưng cũng có những việc thì ông già phải nghe mình.
Rồi Trương lại nhìn Hoàng bằng con mắt dò xét, Trương nói:
- Thế còn việc này nữa tao hỏi mày, có phải mày muốn tách Công ty vệ sĩ Bảo An của mày ra làm ăn riêng có phải không?
Hoàng nói:
- Dạ thưa anh cái này trước đây em cũng có lần đã nói với anh, nhưng mà lần đấy thì cũng chưa nói đến đầu đến đũa. Thực ra bọn em muốn tách ra làm thì cũng chỉ là để nhỡ có một điều gì đó không hay xảy ra thì chẳng ảnh hưởng gì đến anh. Bởi nhẽ, công ty của anh là tổng công ty lớn. Hơn nữa, anh là người có thân thế đặc biệt, nhất cử nhất động của anh đều bị thiên hạ soi xét. Mà anh lạ gì nữa, bọn em làm cái trò này, không sớm thì muộn cũng thế nào cũng có ngày ăn đòn. Cho nên là em muốn rằng tách ra ngoài làm thì nếu có bề, em chịu trách nhiệm thì nó sẽ không có liên quan gì đến anh cả.
Trương đứng phắt dậy, chắp tay sau lưng đi lại trong phòng rồi nói:
- Ừm, cái lý của mày thì nghe ra hay lắm. Nhưng tao lại nghe ra có chuyện khác cơ.
Hoàng nói giọng hơi run run:
- Dạ thưa anh! Anh thấy chuyện gì ạ?
Trương gàn giọng:
- Cũng có người nói với tao rằng, mày đủ lông đủ cánh, mày đã huy động được vốn và muốn phát triển công ty, rồi nhảy vào lĩnh vực bất động sản. Có phải rằng mày lại muốn trở thành một thằng Bình thứ hai không?
Hoàng nói:
- Không anh ạ, anh đừng nói thế. Mà thôi chuyện này để lúc khác anh em mình bàn với nhau sau. Bây giờ em xin phép anh, em phải đi. Thế còn việc với công an em đã làm xong rồi và họ cũng sẽ triển khai theo gợi ý của mình.
Hoàng ra về còn lại ba người. Trương vẫn thừ người ra hỏi mấy gã cô hồn:
- Chúng mày nghĩ thế nào về việc này?
Một gã cô hồn cười khẩy và bảo:
- Thằng Hoàng này nó không vừa đâu anh ạ. Trước đây nó phụ thuộc anh về tài chính thì nó gọi dạ bảo vâng, cúc cung tận tụy. Nhưng bây giờ công ty nó làm ăn đã khấm khá, trở thành công ty có máu mặt ở tỉnh thì nó cũng trở thành một thằng khác. Mà có việc này nữa, em nói với anh luôn để anh dè chừng.
Trương hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Hoàng:
- Dạ, nhưng em nói anh đừng nổi nóng, anh phải bình tĩnh nhé!
Trương bảo:
- Có cái việc gì thì chúng mày cứ nói luôn đi, sao mà cứ phải rào đón thế?
Một gã mở cặp ra lấy ra mấy tấm ảnh. Trong đó có ảnh Hoàng đang bá vai bá cổ một cô người mẫu. Gã đặt mấy tấm ảnh lên bàn và nói:
- Anh xem đây, máy tính xách tay của anh bị nó “truy cập” rồi đấy.
Hóa ra mấy tấm ảnh chụp Hoàng với một ả người mẫu mà ả này thì đang là người tình của Trương.
Trương ném mấy cái ảnh và đấm xuống bàn rầm một cái:
- Đúng là thằng chó, hóa ra nó lại dám đụng cả vào “máy tính xách tay” của mình.
Gã cô hồn bảo:
- Thưa ông anh, lẽ ra bọn em chưa nói đâu, bọn em định để thu thập đủ chứng cứ về thằng này rồi bọn xem sẽ xử lý một thể. Nhưng bây giờ việc đã như thế này rồi thì anh phải cảnh giác. Một khi đến “hàng xách tay” của anh mà nó dám động vào thì nó còn coi anh ra cái gì nữa.
Trương quắc mắt hỏi:
- Ảnh này chúng mày chụp ở đâu?
Một gã nói:
- Thưa anh, bọn em đã nghe xì xèo là cái con Xuân này nó đã đi lại với thằng Hoàng từ lâu, trong lúc nó thơn thớt nó nói rằng, nó thế nọ thế kia với anh. Chính vì thế mà chúng em cử người theo dõi thì thấy chúng nó gắn bó với nhau lắm. Vừa rồi thằng Hoàng mua cho con này một xe ôtô một tỉ rưỡi.
Trương ngạc nhiên hỏi:
- Nó lấy đâu ra tiền mà mua xe một tỉ rưỡi. Mà tài chính của nó mình vẫn kiểm soát cơ mà?
Một gã lắc đầu nói:
- Anh ạ, đây mới là cái chuyện đáng ngờ. Chuyện nó mua xe cho con này thì đúng rồi, bọn em còn lấy được cả bản báo giá rồi bản phôtôcóppy hợp đồng con này mua xe ở salon nào nữa. Tiền thì bọn em cũng đã xác minh ra rồi. Đó là tiền chuyển từ tài khoản của thằng Hoàng sang tài khoản của nó.
Trương nghiến răng kèn kẹt và bảo:
- À, con này giỏi thật, mình đối xử với nó như thế, tử tế như thế mà bây giờ nó dám phản bội mình. Thế bây giờ chúng mày tính con Xuân làm sao?
Một gã bảo:
- Bọn em cũng nghĩ rồi. Có lẽ cái thứ đàn bà phản phúc này cũng nên cho nó một bài học. Mấy năm nay, nhờ có anh mà nó giàu có, và cũng nhờ có anh mà nó ngẩng mặt lên được. Nếu như không có thì anh cái thứ người mẫu như nó, người mỏng như tờ giấy “trước sau như một” thì làm cái gì trở thành sao nọ sao kia. Riêng cái tiền anh bỏ ra thuê mướn bọn báo chí để đưa nó lên thành sao rồi mở cá show diễn cho nó hết bao nhiêu tiền. Thế mà nó còn phản bội anh thì đúng là không thể tha thứ được. Cho nên bọn em đang định sẽ cho con này làm người mẫu kiểu khác.
(Xem tiếp kỳ sau)