Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 7)

Minh A đứng thẳng người, ngực tựa vào lưng Quân, khẩu M16 chĩa qua phía trước. Anh bóp cò, chùm đạn bay ra đỏ lừ lao cắm vào khối sáng phía trước, cả hai người đều không rõ, tên ngồi phía sau cúi thấp tránh đạn...

Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 1)

Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 2)

Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 3)

Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 4)

Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 5)

Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 6)

Gió réo ù ù bên tai, Quân mím môi, anh mồi côn cho xe vọt lên. Chiếc xe Honda 67 đã xoáy nòng hết cỡ quả là sung sức, chỉ sau vài cú mồi côn, nó đã bám sát lưng ba tên cướp. Lợi dụng xe chúngchạy trước phải dùng đèn pha nên soi rõ đường. Quân tắt đèn xe mình để khỏi bị lộ mục tiêu. Bọn cướp bắt đầu bắn ngược trở lại. Biết chắc là chúng không thể nhìn thấy rõ xe mình nên anh chỉ lạng xe tránh đạn. Hai xe đuổi nhau được gần 5 cây số, tốc độ lên tới 80km/giờ. Đã gần tới cầu Cái Đăm, khoảng cách hai xe còn chừng 50 mét, Quân quát to:

- Bắn đi, bắn thẳng vào tụi nó!

Minh A đứng thẳng người, ngực tựa vào lưng Quân, khẩu M16 chĩa qua phía trước. Anh bóp cò, chùm đạn bay ra đỏ lừ lao cắm vào khối sáng phía trước, cả hai người đều không rõ, tên ngồi phía sau cúi thấp tránh đạn. Một chớp lửa bùng lên và chiếc xe lại nghiêng qua vệ đường, viên đạn bắn trúng bình xăng. Tên ngồi sau cùng lăn biến vào bóng tối và mất hút. Quân và Minh nhảy xuống. Tên lái xe bị đạn xuyên qua gáy chết ngay, tên thứ hai đang ôm bụng lăn lộn, chiếc xe bốc cháy rần rật. Xăng chảy loang đến đâu, lửa bùng lên đến đó, mùi khói xăng, mùi nhựa đường cháy khét mù. Vừa lúc ấy, chiếc xe Zeép của Năm Sang cùng số anh em các tổ khác cũng lao tới. Quân chỉ xuống mé sông:

- Một thằng to con vừa nhảy xuống đấy.

- Cho vây ngay! – Năm Sang nói rồi cúi xuống tên bị thương. Trong ánh lửa cháy vàng ệch, mặt tên cướp trắng nhợt, hai mắt đờ đẫn. Cái chết đang đến với hắn. Anh vội hỏi:

- Bạch Hải Đường đâu?

Cái miệng thâm xì mấp máy:

- Tôi… ôi… kh… ông biết!

Bùi Hữu Kha nhòm vào mắt tên cướp anh ta thốt lên:

- Thằng Phương, đệ tử thứ ba của Bạch Hải Đường.

- Ai lái xe? – Năm Sang hỏi.

Phú… úc…! Trời, tôi… chết… đau quá!

- Còn ai đi cùng nữa?

- Tư…

- Tư Đen phải không?

- Vâng… xin các ông cứu… Tôi còn con nhỏ.

- Thế Bạch Hải Đường đâu? – Năm Sang hỏi và đắp mảnh vải ướt do một chiến sĩ đem tới lên trán hắn.

- Dạ… Đường đi cướp ở… ấp Cây Trầu… ôi!…

Chỉ nói được đến thế rồi Phương ngoẹo đầu, hắn đã ngất.

- Đưa nó về viện ngay. Còn tổ 2, 3, cùng tôi đến ấp Cây Trầu.

Đoàn xe lao đi vùn vụt. Ánh đèn pha của ba chiếc xe Honda soi sáng rực mặt đường. Mặc dù xe đã chạy gần hết ga mà Năm Sang vẫn thấy chậm. Ấp Cây Trầu ở xã Thạch Phú nằm cách thị xã 18 cây số. Dân ở đó khá giàu, vì họ có vườn cây trái và nghề Thủ công mỹ nghệ. Năm Sang ngồi sau Quân, anh luôn giục Quân chạy nhanh hơn nữa. Thế là keo này chúng lọt lưới rồi – Năm Sang thầm nghĩ. Mình biết tin muộn quá… chà, Bạch Hải Đường, mày quả là cao tay, nhưng rồi thế nào tao cũng tóm được mày. Lưới trời lồng lộng, mày chạy đâu cho thoát.

Đến đầu xã Thạch Phú, có ánh đèn pin sáng xanh rọi vào xe và tiếng còi rú lên. Một tốp đến 6 người cả công an, bộ đội và du kích súng ống đầy mình chặn xe lại:

- Ủa, chú Năm – một anh công an trong tốp đó kêu nhỏ khi thấy Năm Sang.

- Chà, bữa nay tuần tra canh gác nghiêm quá – Năm Sang vừa xuống xe vừa nói. Anh công an lắc đầu ngao ngán:

- Lúc nửa đêm, nhà ông Hai Thà ở ấp Cây Trầu bị cướp. Chúng lấy mất chiếc cát-sét chín không chín không (9090) và mười tám ngàn đồng.

- Ta đến muộn mất rồi – năm Sang thốt lên thở dài.

***

cuoc chien dau voi tuong cuop bach hai duong ky 7
Hẻm Ba Lâu, nơi Bạch Hải Đường đánh gục 2 cảnh sát áp giải tại xe để tháo chạy.

Trong khi đó, ở cầu Ông Me, cuộc vây bắt Tư Đen do Võ Thái Quân chỉ huy vẫn đang tiếp tục. Các chiến sĩ quây chặt một khu vực rộng mà có khả năng Tư Đen trốn tại đó. Đêm tối, biết không thể phát hiện được Tư Đen nên Quân cho anh em bí mật phục kích chờ trời sáng. Anh cho trinh sát Thường đi vào xã Tân Thành đề nghị lực lượng dân quân hỗ trợ. Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành vốn là một anh thương binh còn rất trẻ, nên khi nói tới vây bắt đồng bọn của Bạch Hải Đường, anh vội ra gõ kẻng báo động toàn xã. Mới dứt ba hồi kẻng mà suốt bốnxóm, tám ấp của xã Tân Thanh như sôi lên. Tiếng hò hét gọi nhau í ới, tiếng chó sủa ông ổng, ánh đèn pin quét loang loáng, đuốc cháy bập bùng… chỉ sau hơn chục phút, tất cả mọi đường ngang, ngõ tắt ở Tân Thành đã được bịt kín. Đồng chí Bí thư dẫn trinh sát cùng đồng chí Trưởng Công an xã ra nhà văn hóa xã. Các anh dùng loa truyền thanh của xã để thông báo:

- Alô! Toàn thể bà con Tân Thành chú ý! Hiện nay, lực lượng S.B.C của công an hình sự đang vây bắt một tên cướp nguy hiểm trốn tại khu vực cầu Ông Me. Đặc điểm nhận dạng tên cướp: Cao khoảng một mét bảy hai; người to, mập, da ngăm đen, tóc dài. Bà con phải canh chừng cẩn thận, hắn có súng và biết võ. Alô! Alô!

Nghe tiếng loa sang sảng, trinh sát Thường xoa tay hài lòng:

- Thế này hắn có biến thành cá cũng không thoát.

Năm Sang dẫn quân quay lại cầu. Nghe Võ Thái Quân báo cáo lại tình hình, anh thầm khen cách giải quyết đúng của Quân.

- Hắn sẽ chém vè đâu đó – Đồng chí Bí thư nói – Khu vực này tôi biết, toàn cỏ lác, cây ô rô, cóc kèn và dừa nước. Nếu hắn nhủi vô đó, nằm im thì khó mà tìm thấy.

Một đồng chí du kích xen vào.

- Ngày xưa, tôi hoạt động ở đây, bị tụi ngụy vây bắt, tôi ngâm mình dưới sình, thở bằng ống nilon, chúng đi qua sát nách mà không hay đâu.

Vừa lúc đó, Hoàn, trinh sát đội trọng án đến, anh đưa cho Năm Sang chiếc mũ levis.

- Của Tư Đen anh Năm à…

Ánh đèn pin trong tay Hoàn soi cho Năm Sang thấy rõ chữ “Tư Đen – Đại bàng”. Cầm chiếc mũ, bỗng Năm Sang à lên, anh gọi một chiến sĩ lại:

- Đồng chí về báo cáo giám đốc rằng, Năm Sang xin đồng chí giám đốc một hoặc hai con chó nghiệp vụ. Cố gắng tới khi trời sáng.

Trời rạng dần, khi phương đông ửng hồng màu mang cá thì con chó nghiệp vụ “Nốp” được đem tới đồng chí huấn luyện viên tươi cười:

- Báo cáo anh Năm, đây là con chó giỏi nhất của chúng tôi.

- Có phải con đã tìm ra vụ ăn trộm két bạc ở quỹ tiết kiệm số 7 không?

- Dạ, đúng ạ.

Vụ đó, Năm Sang nhớ rất rõ. Bọn trộm đã lợi dụng đêm mưa mò vào cậy khóa cửa quỹ tiết kiệm, rồi bốn tên khênh một két tiền nặng gần hai trăm ký bằng đồng đi ra một khu gò đất bỏ hoang. Tại đó, chúng phá két, lấy hết hai trăm ngàn đồng rồi chia bốn hướng tẩu tán. Một tên trong bọn đã để rơi dép trong nhà, tuy nhiên chúng cũng yên trí là trời mưa to nên chẳng thể nào giữ lại được nguồn hơi. Hai con chó đầu tiên được đưa tới, đều bất lực không tìm ra được dấu vết. Tới lượt Nốp, sau vài phút nhận nguồn hơi, nó đã dắt các chiến sĩ xông thẳng ra gò, tại đây họ chỉ còn thấy được chiếc két rỗng. Nốp lại dẫn anh em truy theo dấu vết một tên vượt qua một con kênh đào nhỏ, băng qua lộ rồi qua một khu vườn rộng và tới một túp lều nhỏ. Họ tới đúng lúc tên trộm còn đang ngồi đếm tiền – hắn được chia bốn chục ngàn.

Biết chắc chắn tên cướp không thể thoát được, Năm Sang chợt nghĩ ra một kế, anh gọi Quân, Kha và Minh A tới và nói kế hoạch của mình. Mười phút sau tiếng loa truyền thanh vang lên:

- Alô! Bà con chú ý, đây là tên cướp đặc biệt nguy hiểm. Hắn là thủ lãnh băng cướp “Hắc Mi”, đã từng gây nhiều tội ác với bà con ở các xã biên giới huyện Tịnh Biên. Bà con phải chú ý cảnh giác không để cho hắn trốn thoát.

Trời đã sáng hẳn, Năm Sang cho tiến hành cuộc vây bắt. Con Nốp quắp đuôi vào tận bụng, hai cánh mũi nở ra, phập phồng, lông gáy dựng lên, nó đi quanh chiếc mũ. Một vòng, hai vòng rồi ba vòng, con Nốp ngẩng lên sủa khe khẽ báo hiệu đã nhận hơi xong. Đồng chí huấn luyện viên nới lỏng dây cho nó mở rộng vùng tìm kiếm. ConNốp cúi rạp mình, cái cổ vươn dài, đánh hơi khìn khịt – bỗng nó sủa vang và giằng dây lao bổ xuống dưới mé kênh. Các trinh sát phải vất vả lắm mới theo kịp con chó. Nhưng chỉ được vài chục mét đường còn dễ đi, từ đó là sình lầy và cây dừa nước mọc lẫn chà là ken dày. Tiếng chó sủa vang và tiếng bà con hò reo quả là có sức tác động rất mạnh đến Tư Đen. Nằm ngâm mình dưới sình, úp mặt vào gốc dừa nước, Tư Đen run cầm cập, hắn biết chắc chắn không thể thoát, nghe thông báo công an nhầm hắn với một tên tướng cướp nào đó, Tư Đen cười thầm. Càng tốt, nếu bị bắt dễ khai láo Tư Đen vẩy bùn nước trong nòng khẩu súng rulô ra và đếm từng viên đạn. Còn ba viên, ít nhất cũng phải có một tên cảnh sát phải tiêu mạng, tất nhiên, hắn cũng sẽ được lãnh hàng chục hòn chì từ các nòng súng khác bắn vào. Không biết cảm giác con người khi bị đạn bắn vào người thế nào nhỉ? Ngót chục năm làm nghề ăn cướp, hắn có quý nhân phù trợ. Thôi, đợt này thì quý nhân nào đó đã theo giúp hắn bao lần thoát hiểm nay đã bỏ mặc hắn. Tiếng chó sủa mỗi lúc một gần, và hắn đã nghe thấy tiếng chân lội nước òm ọp. Tư Đen quay mặt về phía con chó. Hắn nâng súng lên, chờ đợi. Bỗng Tư Đen giật bắn người khi nghe tiếng quát:

- Bỏ súng xuống, không tao bắn!

Tiếng quát như một luồng điện chạy lan khắp các cơ bắp của Tư Đen khiến hắn rã rời, khẩu côn trở nên nặng trịch như một cục sắt. Tư Đen ngây người ra nhìn bộ lông sũng nước đen nhánh của con chó và họng súng AK đen ngòm chĩa vào mình. Hắn run rẩy đứng dậy và bàn tay phải rời ra, thả khẩu súng rơi xuống bùn. Co chân lên, Tư Đen đạp mạnh khẩu súng xuống:

- Các ông đừng bắn, tôi xin hàng.

Không đợi đến các chiến sĩ cảnh sát ập tới, hắn tự giác giơ cao tay rời khỏi chỗ nấp. Một anh công an có vóc người nhỏ thó, bộ mặt vuông và hàm râu quai nón mọc tua tủa nhìn chòng chọc vào mặt hắn, anh ta kêu lên:

- Không phải rồi anh Năm ơi!

III

Tới cửa phòng hỏi cung, nhìn anh cảnh sát đeo quân hàm tập sự còn trẻ măng có khuôn mặt bầu bĩnh nom như con gái, ngồi ở bàn, Tư Đen thấy nhẹ người. Chỉ cần nhìn người hỏi cung cũng có thể đoán được công an hiểu mình đến mức nào và họ coi mình là loại tội phạm cỡ gì. Người dẫn giải mở còng tay và đẩy Tư Đen vào phòng.

- Anh ngồi xuống ghế kia – Anh cảnh sát chỉ cho Tư Đen chiếc ghế đẩu trong góc nhà.

Tư Đen khép nép ngồi xuống, hắn giả vờ ngơ ngác sợ sệt nhìn anh cảnh sát rồi nhìn khắp căn phòng nhỏ chừng 8m3, có một cửa sổ nhỏ. Trong phòng chỉ có một chiếc bàn nhỏ và hai chiếc ghế – một của anh cảnh sát và một dành cho hắn.

Anh cảnh sát giở tập giấy, rút cây viết Bic ra bấm nút đánh tách, gại ngòi bút xuống tờ giấy, anh xẵng giọng:

- Bây giờ tôi hỏi, anh phải trả lời trung thực, trình bày đúng sự việc, không thêm bớt, nhưng cũng không được cố tình che giấu. Anh biết đó, tội lỗi của anh đã rõ, bây giờ xử nặng hay nhẹ là tùy thuộc lơi khai của anh.

Mặc dù anh cảnh sát cố lấy giọng nghiêm trang nhưng Tư Đen nhận rõ anh ta là người mới bước vào nghề công an chỉ vài ba tháng.

- Dạ, thưa anh, em xin khai đúng.

- Ờ, thế thì tốt. Hút thuốc không?

- Dạ, thưa có.

Anh cảnh sát lấy gói thuốc Du lịch trong ngăn bàn, rút một điếu châm lửa rồi đưa cho hắn.

- Xin cảm ơn anh.

Từ phòng bên, có tiếng người nói chuyện lao xao rồi to dần. Nghe loáng thoáng có nói đến cướp… Tư Đen lắng tai nghe:

- Không phải thằng này, thằng kia có vết sẹo… thằng này chắc mới nhập nghề, hắn không có súng, mặt mũi nom còn ngô nghê lắm.

Tiếng cười khác:

- Thì cũng là đi cướp bỏ chạy. Thôi bảo xét hỏi nếu thấy nó thành khẩn thì giam vài tháng rồi thả.

- Tiếc quá, hai thằng kia chết ngoẻo củ tử, nếu không còn khui ra lắm chuyện hay đấy.

Nghe họ nói, Tư Đen mừng thầm trong bụng, vậy là họ chẳng biết gì về Tư Đen cả. Số mình còn có “quý nhân phù trợ”.

- Anh tên gì?

- Dạ, em tên là Nguyễn Văn Tư.

- Tuổi bao nhiêu?

- Thưa, 25 ạ.

- Quê quán?

- Ấp Giồng Bầu, xóm Láng, xã Tân Thịnh, huyện Chợ Mới – Tư Đen bịa ra địa danh.

- Nghề nghiệp?

- Em làm ruộng.

- Đi cướp mấy vụ rồi? – Anh cảnh sát hỏi, mặt nghiêm lại.

- Dạ, thưa! Em đã đi vụ nào đâu! – Tư Đen vờ sợ sệt.

- Thưa anh xét giùm em, em trót dại nghe lời xúi của thằng Hạng và thằng Quýt, hai thằng chết rồi đó. Tụi nó biểu em canh chừng…

- Thôi anh đừng có giả vờ. Hãy khai thật – Anh cảnh sát ra vẻ hoài nghi.

- Dạ, nếu em có nói sai, các anh cứ bắn bỏ. Thiệt tình em dại dột nghe lời chúng nó xui. Xin anh rộng lượng xét đỡ.

Anh cảnh sát tươi nét mặt:

- Tôi trông tướng mạo anh cũng là dân mần ăn chí thú, vậy mà sao nghe lời dụ dỗ của ba cái thằng du đãng đi làm bậy. Có vợ chưa?

- Dạ, thưa em có rồi, được ba đứa nhỏ.

- Đẻ gì mà đẻ lắm thế. Ở xã họ không vận động sinh đẻ có kế hoạch à?

Tư Đen cười khì:

- Thưa anh! Con vợ em, nó thích đông đúc cho ấm cửa, ấm nhà. Nhưng em thấy dại quá. Đẻ nhiều, làm tối mặt mà không đủ ăn.

- Chớ sao nữa. Còn ông bà già không?

Tư Đen rầu rĩ:

- Dạ, cám ơn anh, ông bà già em bị tụi biệt kích xăm hầm thả trái nổ chết từ hồi sáu chín.

Nói xong, Tư Đen rùng mình vì hắn đã bịa chuyện cho ông bà già hắn. Chớ thực ra, ông bài già vẫn sống mạnh khỏe.

- Tội nghiệp, vậy chắc cụ là du kích?

- Vâng, đúng thế – Tư Đen nói ráo hoảnh – Ông bà già em nuôi cán bộ, do chỉ điểm nên mới bị đó chớ anh!

- Thế mà anh không biết xấu hổ khi cùng chúng nó đi ăn cướp à? – Anh cảnh sát quát, mặt anh ta đỏ bừng như mặt con gái. Tư Đen im lặng.

- Thôi, anh hãy kể cho chúng tôi nghe về hai thằng bị chết đi. Nhớ kể cho đúng, không được bịa thêm.

Tư Đen thao thao bất tuyệt kể về hai kẻ xấu số bằng một giọng đầy căm tức. Hắn khéo léo dựng lên những tình tiết hợp lý để cố chứng minh cho anh công an thấy hắn chỉ là kẻ bị “lợi dụng”. Hắn nói tới đâu, anh cảnh sát ghi tới đó. Chỉ một chốc, hai trang giấy đã đầy xít chữ. Buổi hỏi cung kết thúc, anh cảnh sát nói:

- Anh khai báo với Cơ quan Công an thế là tốt đấy! Giờ có nhắn tin cho ai không?

Tư Đen nhíu mày suy nghĩ một lát nói:

- Dạ, thưa anh, em bị bắt thế này còn mặt mũi nào trông thấy vợ con nữa. Thôi anh cứ để em ở tù, khi nào mãn hạn thì báo sau.

- Vớ vẩn – Anh cảnh sát gắt – Làm gì mà phải tù. Chẳng qua chúng tôi chỉ giữ anh ít ngày, đưa đi cải tạo lao động vài tháng rồi thả. Chớ ai cũng bắt tù thì nhà giam đâu giữ cho hết.

- Dạ, em có thằng bạn chí cốt ở Long Xuyên, anh cho em nhắn giùm…

- Giấy đây, viết đi, cần gì thì viết cho họ vào thăm. Ở nơi trại giam, không có người thân thăm nuôi cực lắm.

Tư Đen khúm núm đỡ lấy cây viết và tờ giấy. Hắn kéo ghế lại gần bàn, liếc nhìn anh cảnh sát rồi cắm cúi viết. Người hắn gửi thư cho người tên là Báu, một đệ tử “ruột” ở Long Xuyên.

“Em Báu, Anh chẳng may dại dột nghe theo lời dụ dỗ của hai tên xấu, định đi cướp một gia đình. Hai thằng đã bị bắn chết, còn anh bị bắt. Anh đã khai báo với Cơ quan Công an thành khẩn, vì vậy tội của anh được giảm nhẹ. Em đừng nói cho vợ con anh biết kẻo cô ấy lo. Em gửi cho anh vài gói thuốc lá”.

Ký tên: Nguyễn Văn Tư

Gấp lá thư lại, hắn để trên bàn rồi nhìn anh cảnh sát vẻ chờ đợi.

- Anh đọc lại rồi ký vào bản cung – Anh cảnh sát chìa ra cho hắn mấy tờ giấy ghi lời khai. Không cần xem lại, Tư Đen ký luôn.

- Cho phạm nhân về phòng giam – Anh cảnh sát dõng dạc gọi.

(Xem tiếp kỳ sau)

/ Nguyễn Như Phong / Năng lượng Mới