Không biết đây là lần thứ bao nhiêu một clip bạo hành trẻ mầm non mà đa phần là con của công nhân được đưa lên báo chí, mạng xã hội. Là một người mẹ, có con đi nhà trẻ, mỗi lần như thế tôi lại giật mình thon thót, tim mình quặn thắt bởi có nỗi đau nào hơn khi thấy con mình bị bạo hành ngay chính nơi mình tin tưởng, gửi gắm!
Trẻ vui chơi ở trường mầm non KCX Tân Thuận, đây là trường dành riêng cho con công nhân - Ảnh minh họa: L.T
Con trai tôi năm nay 3 tuổi. Bé rất hiếu động, hay tò mò, tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Tôi luôn ao ước mình có thời gian để có thể bên con, chỉ cho con những điều mới mẻ xung quanh mình. Nhưng với quỹ thời gian hạn hẹp của công nhân, tăng ca thường xuyên, chơi với con là một điều thật xa xỉ. Đôi lúc tôi ghen tỵ với các cô giáo vì các cô có thời gian chơi với những đứa trẻ, trong đó có con tôi. Cách cư xử, thái độ của các cô sẽ phần nào ảnh hưởng đến tính cách của trẻ, tuổi thơ của trẻ sẽ có hình ảnh của các cô chứ không phải là tôi. Cho nên, mỗi buổi sáng, khi trao con cho các cô, những bà mẹ như tôi đã trao đi tình yêu, hy vọng của mình với một niềm tin, các cô sẽ yêu thương con mình.
“Thiếu nhà trẻ cho con công nhân” hay “Con công nhân và nỗi lo bị bạo hành ở các nhà trẻ” hay “Con công nhân bao giờ hết nỗi lo bị bạo hành”… là những dòng tít báo dài sau sự việc các cô bảo mẫu ở trường mầm non Mầm Xanh (quận 12, TPHCM) đánh đập những đứa trẻ được cha mẹ gửi ở đó. Tức giận, căm phẫn là tâm trạng chung của những ai khi xem clip các cô giáo bạo hành con trẻ. Và rồi, sau cơn tức giận, căm phẫn ấy là gì? Những thông tin thời sự ấy qua đi, những người đánh đập trẻ bị xử lý, có ai cam kết rằng những câu chuyện đau lòng như thế sẽ không xảy ra nữa? Những đứa trẻ sẽ không còn là nạn nhân?
Sau sự việc các bảo mẫu ở trường Mầm Xanh bạo hành trẻ mầm non, UBND TPHCM yêu cầu các trường mầm non phải gắn camera để dễ quản lý, ngăn ngừa các cô bạo hành trẻ. Tôi nghĩ, lắp camera có thể giải quyết được phần nào tuy nhiên không triệt để. Con của công nhân không chỉ gửi ở các nhà trẻ có giấy phép, các trường tư thục mà còn được gửi ở các nhóm trẻ gia đình “chui”, nhóm trẻ “không phép” hoặc chưa được cấp giấy phép. Bởi nhu cầu gửi con công nhân quá lớn, trường học đủ tiêu chuẩn mà túi tiền của công nhân cũng hạn hẹp thì chuyện công nhân chấp nhận gửi con ở những nhóm trẻ không đạt tiêu chuẩn, thiếu an toàn là điều không thể tránh khỏi.
Để chấm dứt hoặc hạn chế tình trạng này, không chỉ là lắp camera ở nhà trẻ mà chính quyền TPHCM và các tỉnh, thành có đông công nhân cần có chính sách hỗ trợ các nhóm trẻ gia đình, nhỏ lẻ nơi đang giữ số lượng lớn con công nhân. Tôi nhớ có lần đọc báo, thấy có chương tình hỗ trợ các bảo mẫu ở nhóm trẻ gia đình bằng cách bồi dưỡng, trang bị kiến thức nuôi dạy trẻ, xử lý tình huống khi trẻ khóc, ốm, quấy phá. Cho vay tiền, hỗ trợ lãi suất để họ đầu tư trang thiết bị; Thường xuyên theo sát, kèm cập để các nhóm trẻ cho đến khi các nhóm trẻ ổn định thì việc hỗ trợ kết thúc. Sau đó, họ vẫn thường xuyên giữ liên lạc và hỗ trợ khi cần thiết. Tôi nghĩ đó là một cách làm hay và bền vững, cần nhân rộng và phát triển thêm. Tôi nghĩ ngăn bạo hành trẻ không đơn giản chỉ là lắp camera hoặc đóng cửa những nhà trẻ bạo hành trẻ con mà cần có những chính sách bền vững, lâu dài.
Hiện tượng bạo hành trẻ mầm non do "giáo viên"chọn nhầm nghề?
Đã chọn ngành mầm non thì phải thực sự yêu trẻ mới có thể gắn bó lâu dài, vì đây là một nghề đòi hỏi ... |
Tiến sĩ Giáo dục mầm non: \'Giáo viên bị ức chế dễ bạo hành trẻ\'
Giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm, suy thoái đạo đức, tâm lý ức chế dồn nén lâu ngày... được cho là nguyên nhân dẫn ... |
Báo Tây viết về vụ bạo hành ở trường mẫu giáo Mầm Xanh
Vụ việc gây phẫn nộ dư luận Việt Nam đã được một tờ báo nổi tiếng của Anh đăng tải lại. |