Cổ phiếu Vinasun Công ty CP Ánh Dương Việt Nam, mã chứng khoán VNS liên tục đỏ sàn 4 phiên liên tiếp xoay quanh thông tin hãng taxi truyền thống này dán băng rôn phản đối Grab, Uber những ngày qua...
Vinasun trượt dài từ thị phần vận tải đến chứng khoán |
TP.HCM yêu cầu gỡ băng rôn phản đối Grab, Uber |
Từ vùng giá 21.000 - 22.000 đồng/CP, chỉ sau 3 tháng chính thức “tuyên chiến” với Grab, Uber, giá cổ phiếu VNS giảm mạnh về vùng giá 18.000 đồng/CP. Đặc biệt, trong vài phiên liên tiếp gần đây, có thể xuất phát từ nguyên nhân do hành động khá... “trẻ con” là dán băng rôn phản đối Grab, Uber, cổ phiếu VNS đã liên tục “đỏ sàn”.
Vinasun căng băng rôn phản đối Uber, Grab...
“Bế tắc” trước sự bành trướng của Grab, Uber
Thực tế, nếu xem xét lại quá trình Grab, Uber gia nhập thị trường Việt Nam cách đây 3 năm, có thể thấy kết quả kinh doanh của hãng taxi lớn nhất Việt Nam ngày càng sụt giảm mạnh. Chẳng hạn, nếu năm 2014 tổng lợi nhuận trước thuế của VNS đạt 408 tỷ đồng, trong đó lãi từ hoạt động kinh doanh chiếm 318 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác (bán xe) là 90 tỷ đồng; thì bước sang năm 2015, mặc dù lợi nhuận trước thuế của VNS tăng lên 428 tỷ đồng nhưng khoản lãi từ hoạt động kinh doanh lại giảm xuống chỉ còn 283 tỷ đồng và lãi từ bán xe tăng lên 145 tỷ đồng.
Bước sang năm 2016, lãi từ hoạt động kinh doanh tiếp tục suy giảm và lãi từ bán xe cũng tiếp tục tăng lên tương ứng với con số 225 tỷ đồng và 172 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2016 cũng suy giảm mạnh, chỉ còn 397 tỷ đồng.
Tình hình càng “bế tắc” hơn khi kế hoạch mà VNS đề ra trong năm 2017 với những chỉ tiêu sụt giảm mạnh hơn năm 2016. Cụ thể, VNS đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm tới 35,5%, xuống còn 256 tỷ so với kết quả 397 tỷ đồng của năm 2016. Trong đó, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh giảm hơn một nửa, từ 225 tỷ xuống 105 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động dự kiến mang lại khoản lợi nhuận 151 tỷ đồng chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý xe (dự kiến thanh lý 1.050 xe).
Trước tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, tại Đại hội cổ đông năm 2017 của VNS, lãnh đạo doanh nghiệp này đã buộc phải thừa nhận áp lực đến từ sự cạnh tranh khốc liệt của các công ty nước ngoài là Grab và Uber. Theo chia sẻ của lãnh đạo VNS, Grab, Uber đã xâm nhập vào thị trường taxi TP.HCM với số lượng hơn 18.000 chiếc. Không chỉ có số lượng lớn, những loại hình kinh doanh taxi này áp dụng các chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh như hạ giá một cách phi lý, dùng tiền để hỗ trợ lái xe, bù lỗ cho chủ xe, trì hoãn các nghĩa vụ thuế... nhằm giành giật thị trường của các công ty taxi truyền thống.
Được biết, 6 tháng đầu năm 2017, VNS tiếp tục ghi nhận những kết quả không như mong đợi khi doanh thu chỉ đạt 1.903 tỷ đồng, giảm 16%; lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số lượng nhân sự của Vinasun cũng giảm gần 8.000 người so với đầu năm và một phần không nhỏ các tài xế này đã chuyển sang hoạt động tại Uber, Grab.
“Ôm hận” với cổ phiếu Vinasun
Từ vùng giá 40.000 đồng/CP vào cuối năm 2014 (tính theo giá điều chỉnh) thì cổ phiếu VNS hiện chỉ dao động quanh vùng 18.000 đồng/CP, tương ứng mất tới 55% giá trị. Sự sụt giảm không phanh của cổ phiếu VNS không chỉ khiến các nhà đầu tư “đau đầu” mà cũng khiến cho gia đình ông chủ của hãng taxi truyền thống lớn nhất Việt Nam “xót của” vì mất đi hàng trăm tỷ đồng.
Hiện, cổ phiếu VNS chỉ dao động quanh vùng giá 17.000 đồng - 18.000 đồng/CP, giảm mạnh so với mức giá 32.000 đồng - 33.000 đồng/CP thời điểm đầu năm 2017 (giảm hơn 43%). Đây cũng là mức giá thấp nhất trong 3 năm qua của cổ phiếu VNS...
Cụ thể, theo báo cáo về tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn Vinasun thì người nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu VNS lớn nhất là ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT Vinasun với khoảng gần 17 triệu cổ phiếu (24,92%), tương ứng với khối tài sản trị giá theo giá cổ phiếu tính đến thời điểm hiện tại là 302,7 tỷ đồng. Vợ ông Thành là bà Ngô Thị Thúy Vân cũng sở hữu hơn 1,75 triệu cổ phiếu VNS (2,59%), tương ứng khối tài sản trị giá 31,5 tỷ đồng.
Con trai ông Đặng Phước Thành và bà Ngô Thị Thúy Vân là ông Đặng Thành Duy, Phó Tổng Giám đốc VNS cũng sở hữu hơn 5,4 triệu cổ phiếu (7,97%), tương ứng với khối tài sản trị giá 96,8 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ tính riêng gia đình Chủ tịch Vinasun Đặng Phước Thành đã sở hữu hơn 24,15 triệu cổ phiếu VNS, tương ứng với khối tài sản tính theo cổ phiếu trị giá hơn 431 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính theo mức “đỉnh” của cổ phiếu VNS vào cuối năm 2014 ở mức 40.000 đồng/CP thì gia đình “ông chủ” hãng taxi truyền thống lớn nhất Việt Nam đã mất khoảng hơn 500 tỷ đồng.
Không chỉ có gia đình “ông chủ” hãng Vinasun, các cổ đông lớn là các quỹ ngoại cũng lỗ nặng khi đầu tư vào Vinasun. Cụ thể, Tael Two Partners Ltd (Quỹ đầu tư của Singapore) đã bỏ ra 383 tỷ đồng để sở hữu 18,3% cổ phần Vinasun (hơn 12,4 triệu cổ phiếu). Tuy nhiên, giá trị hiện tại của khoản đầu tư này chỉ là hơn 223 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 năm đầu tư vào VNS thì quỹ ngoại này đã lỗ hơn 160 tỷ đồng.
Tương tự, Quỹ GIC/Government of Singapore đã mua lại 4,5 triệu cổ phiếu VNS (tỷ lệ 7,96%) từ Red River Holdings với mức giá ước tính khoảng 203 tỷ đồng từ hồi tháng 8.2014. Đến thời điểm hiện tại số cổ phiếu VNS mà quỹ này sở hữu là 5,4 triệu cổ phiếu, số cổ phiếu này tính theo giá hiện tại có giá khoảng gần 100 tỷ đồng. Như vậy, sau gần 3 năm đầu tư vào VNS thì quỹ này cũng lỗ khoảng 100 tỷ đồng.
http://danviet.vn/kinh-te/co-phieu-vinasun-lien-tuc-do-san-vi-cuoc-chien-voigrab-uber-812106.html