Được nhìn nhận là "nghiêm trọng và tinh vi" với 5 nhân vật liên quan và 6 hành vi sai phạm, nhưng kết quả rà soát điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La lại cho kết quả khá an toàn.
Ông Mai Văn Trinh trả lời báo chí tại cuộc gặp chia sẻ thông tin trưa ngày 23/7. Ảnh: Đoàn bổng
Có trả lại được điểm thật ở Sơn La?
Đối với bài thi trắc nghiệm của tỉnh này, tổ công tác đã xác định có dấu hiệu chỉnh sửa trên bài thi gốc (phiếu trả lời trắc nghiệm). Tuy nhiên, không giống như trường hợp Hà Giang, đáp án trên phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh Sơn La hoàn toàn khớp với file ảnh được xuất ra để gửi về Bộ GD-ĐT để lưu lại. Như vậy, việc chấm thẩm định lại bài thi trắc nghiệm hoàn toàn không có ý nghĩa, vì kết quả cho ra sẽ y nguyên điểm ban đầu.
Sau khi rà soát đến bước này, đại diện Bộ GD-Đ cho biết sự việc đã nằm ngoài khả năng xử lý của tổ công tác. Những công việc còn lại sẽ được giao cho các cơ quan chức năng của Bộ Công an.
Như vậy, mặc dù đã xác định có dấu hiệu chỉnh sửa bài thi nhưng “giấy trắng mực đen” cho thấy đáp án trên giấy trùng khớp với đáp án trong file ảnh đã quét. Đó chính là lý do chưa thể đưa ra con số chính xác bao nhiêu bài thi được chỉnh sửa, và được chỉnh sửa từ bao nhiêu lên bao nhiêu.
Điều này đặt ra vấn đề: Nếu cơ quan điều tra không tìm được hướng đi khác để xác minh thì sự việc liệu có bị “chìm xuống” vì thiếu bằng chứng?
Theo chia sẻ của một số phụ huynh và học sinh ở Sơn La – những người đã mạnh dạn kết nối với các báo chí để phản ánh các trường hợp bất thường ở chính địa phương, trường học của mình - thì kết luận này của tổ công tác "đã phần nào giúp họ lấy lại được niềm tin vào công lý". Tuy nhiên, bài toán lớn hơn của Sơn La – là các bài thi trắc nghiệm – thì vẫn còn là một ẩn số. Hầu hết những bất thường được phản ánh đều rơi vào các môn thi trắc nghiệm giống như các phân tích phổ điểm của Sơn La mà báo chí đã nêu trước đó.
Số lượng điểm 9 môn Toán, Lý ở Sơn La nhiều bất thường nếu so sánh tương quan giữa số lượng thí sinh của địa phương này với cả nước và một số địa phương khác. Đối với môn Toán, Sơn La có 30 thí sinh được điểm từ 9 trở lên chiếm 0,29% trong tổng số 10.252 thí sinh dự thi và vượt trội hơn nhiều địa phương khác.
Chẳng hạn, đối với môn Vật lý, Sơn La có 13 em đạt điểm 9, chiếm 0,97% trên tổng số 1.339 thí sinh dự thi. So với TP.HCM số thí sinh dự môn Lý của Sơn La ít hơn 37,1 lần nhưng số thí đạt điểm từ 9 trở lên kém TP.HCM 3 lần. Theo phân tích của GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia), tuy tính trung bình, điểm của thí sinh Sơn La rất thấp so với trung bình toàn quốc, nhưng ở ngưỡng điểm cao (9 đến 10) thì số thí sinh Sơn La cao gấp 5 đến 12 lần so với số "kì vọng".
Những con số này cho thấy, điểm các môn thi trắc nghiệm mới là vấn đề chính mà học sinh, phụ huynh Sơn La đang chờ đợi ở cơ quan điều tra.
Đồ hoạ: Lê Huyền - Diễm Anh
Tạm thời công nhận kết quả, những thí sinh bị giành mất cơ hội sẽ ra sao?
Để đảm bảo tiến độ, Bộ GD-ĐT cho biết tạm thời vẫn công nhận kết quả thi các môn trắc nghiệm của thí sinh Sơn La đã được công bố ngày 11/7 và kết quả này vẫn được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018. Sau khi có kết quả điều tra, kết quả mới (nếu có) sẽ là kết quả thi chính thức của các thí sinh.
Thu Trang – một học sinh Trường THPT Chuyên Sơn La cho biết: “Lớp em học chuyên Hoá nên gần như cả lớp em thi khối B và có nguyện vọng vào các trường Y. Đến ngày hôm nay, hầu như các bạn vẫn chưa hoàn thành việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trong khi hạn nộp hồ sơ đã sắp hết”.
Trang cho biết, lớp em hầu hết các bạn đều trên 20 điểm, không ít bạn nằm trong ngưỡng 23-25 điểm. Đây là những bạn có nhiều hi vọng trúng tuyển vào trường Y uy tín trên cả nước. “Và nếu như những trường hợp điểm thi cao bất thường kia được trả lại đúng điểm thực thì các bạn còn có nhiều cơ hội hơn. Nếu cơ quan điều tra không tìm ra được bài thi nào đã được chỉnh sửa thì những thí sinh đó sẽ lấy mất cơ hội của những bạn điểm cao đúng thực chất".
Việc tạm thời vẫn sử dụng kết quả ban đầu của Sơn La (trừ 29 bài thi Ngữ văn đã phát hiện chênh lệch) để xét tuyển đại học sẽ phát sinh một vấn đề là: thí sinh có nguyện vọng vào trường A có thể bị trượt và đỗ trường B. Nhưng sau khi có kết quả điều tra, một số thí sinh đã trúng tuyển trường A có thể bị loại ra. Và ngay từ đầu nếu không có những thí sinh này thì thí sinh đỗ trường B đã có thể đỗ trường A. Rõ ràng, việc này sẽ dẫn đến việc một số thí sinh đã bị lỡ cơ hội và không trúng tuyển vào những trường có nguyện vọng cao hơn chỉ vì phải cạnh tranh với nhóm thí sinh đang bị nghi vấn nhưng chưa được xác minh.
Đặt câu hỏi này tại buổi chia sẻ thông tin với báo giới trưa ngày 23/7, ông Mai Văn Trinh cho biết, để đảm bảo quyền lợi của tất cả các thí sinh, thì phải tạm thời phải chấp nhận kết quả ban đầu.
Trách nhiệm của lãnh đạo UBND, Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La ở đâu?
Buổi gặp gỡ báo chí để thông tin kết quả rà soát trưa 23/7 đã có một sự "giằng co" trước đó: Tỉnh nói rằng chưa thể họp báo ngay vì chưa tới giờ. Sau đó, buổi cung cấp thông tin vẫn diễn ra chậm 30 phút so với dự kiến.
Qua xác minh ban đầu, 5 người có liên quan tới các sai phạm đã được nêu tên. Tuy nhiên, về việc những người này tham gia trực tiếp hay gián tiếp tới sai phạm thì tổ công tác và đại diện UBND tỉnh vẫn chưa đưa ra được câu trả lời.
Ông Phạm Văn Thuỷ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia - trả lời tại buổi gặp gỡ chia sẻ thông tin với báo chí. Ảnh: Đoàn Bổng
Trong buổi chia sẻ thông tin với báo chí, ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này đã không có mặt, mà theo ông Mai Văn Trinh thông tin là “do có lý do đặc biệt”.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Đức khẳng định: Toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi tại tỉnh được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất cứ tiêu cực nào.
Nói tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí, ông Phạm Văn Thuỷ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tỉnh nhà cho biết "tôn trọng kết quả của tổ công tác" và quan điểm của ban lãnh đạo tỉnh là cầu thị, minh bạch và tuyệt đối không bao che.
Có bao nhiêu phụ huynh ‘chạy điểm’ cho con?
Những nghi vấn "con ông, cháu cha" đang được liệt kê dần dần. Giống như Hà Giang, bức xúc của người dân Sơn La là những đồn đoán về "chạy điểm" của các phụ huynh có chức sắc.
Chị Hoa – một phụ huynh Sơn La có con thi năm nay – chia sẻ: “Chúng tôi đấu tranh không phải chỉ để đưa ra mấy cái tên lãnh đạo sai phạm, mà quan trọng hơn là xử lý những phụ huynh đã chạy điểm cho con để răn đe những người khác cho những năm sau”.
“Năm nay con tôi đạt 23 điểm và có nguyện vọng vào trường Y. Tôi cũng xác định, kể cả không có những trường hợp chạy chọt thì với điểm ấy con mình cũng khó có thể vào được Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội, mà sẽ chọn những trường Y khác thấp điểm hơn. Thế nhưng, tôi không chỉ thấy thương con mình mà còn thương tất cả những cháu khác đã cực kỳ nỗ lực bằng chính sức mình để đạt được những điểm số đó”.
Liên hệ với chị Hoa lúc 9 giờ tối 24/7, chị cho biết chị vừa đi băm cây ngô để bán cho công ty bò sữa và đang trên đường đi bộ về nhà. Nhưng gia đình chị vẫn còn may mắn hơn nhiều gia đình khác ở địa phương.
“Có 2 cháu ở khu vực nhà tôi nhà rất nghèo, thi trầy trật mới được gần 23 điểm. Hai bà mẹ đều suốt ngày lăn lộn bán rau ngoài chợ. Rồi có cháu đang học trường Y để trở thành bác sĩ tương lai nhưng bố mất, còn một mình mẹ nuôi 2 chị em. Mỗi ngày người ta chỉ mong kiếm được 50 nghìn thôi cũng khó. Còn rất nhiều trường hợp khác các cháu học tốt nhưng gia cảnh cực kỳ khó khăn. Tôi thấy thương vô cùng. Thế nên, chúng tôi đấu tranh để đòi lại quyền lợi cho tất cả những đứa trẻ ấy, chứ không riêng gì con nhà mình. Tôi không bao giờ nghĩ nếu không có những trường hợp đấy thì điểm số con mình sẽ vươn lên, mà chỉ muốn sự công bằng cho tất cả thí sinh, cho những đứa trẻ đã giành được điểm số bằng mô hôi, nước mắt của mình" - bà mẹ này chia sẻ.
Nguyễn Thảo
Sai phạm chấm thi ở Sơn La tinh vi, phức tạp hơn Hà Giang thế nào?
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, Tổ trưởng Tổ công tác xác minh nghi vấn điểm thi ở Sơn ... |
Bộ trưởng GD-ĐT: Bộ đã trả lại công bằng cho học sinh với quyết tâm cao nhất
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng trả lại công bằng cho các em học sinh, niềm tin cho xã hội là việc mà Bộ ... |
Bé trai Sơn La tử vong: Bác sĩ trực chỉ đạo miệng, điều dưỡng tự xử lý
Theo báo cáo của Bệnh viện Mường La (Sơn La), bác sĩ của ca trực bận và nhiều lần không nghe máy, điều dưỡng được ... |