Chính phủ kiến tạo: Khuôn khổ tốt để Việt Nam tiến xa

Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever nhận định, kể từ khi Chính phủ Việt Nam chuyển hướng điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang chính phủ kiến tạo, Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, và Anh mong muốn đồng hành cùng những thành công của Việt Nam trong thời gian tới.

Đại sứ Giles Lever. Ảnh: Sơn Tùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp đầu tiên sau khi nhậm chức ngày 26.7.2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước, đã xác định rõ mục tiêu xây dựng chính phủ mới là: “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”. Đại sứ có quan sát như thế nào về sự chuyển hướng trong cách điều hành của Chính phủ Việt Nam khi chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang chính phủ kiến tạo và phục vụ?

- Tôi nhận thấy chính phủ mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đạt được khá nhiều bước tiến, thể hiện trên một số lĩnh vực. Trước hết, chính phủ mới đặt trọng tâm vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp, giảm thiểu thủ tục hành chính.

Kết quả đáng ghi nhận là trong năm qua, Việt Nam đã tăng thêm 9 bậc trong đánh giá của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh. Chúng tôi cũng nhìn thấy những thành công đầu tiên trong việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nhưng tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực này.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế. Nghị quyết Trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam công bố hồi tháng 6.2017 về tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong thành công của Việt Nam trong thời gian tới.

Một vấn đề nữa liên quan đến cải cách thể chế. Báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới, trong đó có một phần kinh phí do Anh hỗ trợ, có nêu một số khuyến nghị liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, chẳng hạn như giảm thiểu sự chồng chéo trong quá trình ra quyết định của các cơ quan khác nhau, giữa các bộ ngành trung ương và địa phương.

Chúng tôi nhận thấy nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc giảm thủ tục hành chính, tăng cường chính phủ điện tử, từ đó có thể giảm thiểu công việc cho người dân.

Chúng tôi cũng nhận thấy chính phủ mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phản ứng nhanh nhạy với những vấn đề phát sinh do người dân hay báo chí nêu lên, từ đó đưa ra các giải pháp rất nhanh. Điều đó cũng phản ánh vai trò quan trọng của báo chí trong việc nói lên những lo ngại của người dân và ước muốn của người dân muốn chính phủ nhanh chóng vào cuộc.

Đối với những thách thức dài hạn, chính phủ mới cần nhiều thời gian hơn để giải quyết. Nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có tuyên bố rõ ràng về tầm nhìn, đó là chính phủ kiến tạo phát triển, quyết liệt hành động, trong đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội một cách năng động hơn, chứ không phải kiểm soát bằng mệnh lệnh. Tôi cho rằng đây là khuôn khổ tốt để Việt Nam tiến xa hơn nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để gửi đi những thông điệp của mình và đã thực hiện nhiều việc như bãi bỏ giấy phép con, cam kết tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Đại sứ nhận xét thế nào về tác động của những điều đó?

- Từ góc độ của doanh nghiệp Anh, chúng tôi hoan nghênh những cải cách về mặt thủ tục rất đáng ghi nhận. Nhưng một số doanh nghiệp Anh và công ty đa quốc gia vẫn còn gặp một số khó khăn với các cơ quan chức năng như thuế và hải quan, bắt nguồn từ quy định của pháp luật chưa rõ ràng, hoặc chưa có sự rõ ràng trong việc thực thi các quy định đó.

Về kinh tế tư nhân, tôi cho rằng quan trọng nhất là phải tạo sân chơi bình đẳng để họ phát triển, cho họ tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực như đất đai, tín dụng, và để họ có tiếng nói trong tiến trình đưa ra các quyết định có liên quan.

Nhân đây, tôi cũng xin chia sẻ kinh nghiệm của Anh trong việc hoàn thiện hệ thống toà án, áp dụng nguyên tắc pháp quyền trong giải quyết các tranh chấp về thương mại. Một trong những lý do mà Anh thành công trong thu hút đầu tư đó là vì các nhà đầu tư rất tin tưởng vào hệ thống pháp luật của Anh, và họ cũng tin chắc rằng nếu họ có tranh chấp về thương mại thì họ có thể đưa ra hệ thống toà án để giải quyết nhanh chóng, công bằng, minh bạch và khách quan.

Đó là lý do vì sao thời gian qua Anh đã phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam và Toà án Nhân dân Tối cao, giúp hoàn thiện hệ thống và năng lực trong việc áp dụng các án lệ về kinh doanh thương mại, cũng như áp dụng, công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều chỉ đạo để tăng cường năng lực, trách nhiệm, tính minh bạch của từng thành viên chính phủ, bộ máy công quyền, của từng công chức. Đại sứ có quan sát thấy chuyển biến gì trong vấn đề này không? Việc tập trung vào yếu tố con người sẽ tạo ra hiệu quả như thế nào và nên làm gì để thúc đẩy trách nhiệm đó?

- Có thể còn sớm để nói về biến chuyển về nhân tố con người, nhưng tôi thấy có những dấu hiệu rất tích cực trong việc nâng cao trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức.

Tôi xin lấy ví dụ, trong Báo cáo Việt Nam 2035 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải có cơ chế rõ ràng trong việc bổ nhiệm, nâng lương, thăng chức cho các cán bộ, dựa trên trình độ và năng lực của họ.

Tôi thấy chính phủ mới thể hiện rõ quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng cường năng lực cho cán bộ công quyền, nhưng một lần nữa, chính phủ cần có thêm thời gian.

Ở Anh, vai trò của báo chí và xã hội dân sự khá quan trọng. Công chức Anh nếu không làm đúng phận sự của mình sẽ bị báo chí và công luận lôi ra ánh sáng.

Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Ông có nghĩ rằng, với chính phủ kiến tạo thì cuộc chiến này sẽ có chuyển biến tích cực hay không? Việt Nam có thể chờ đợi gì ở Anh trong lĩnh vực hợp tác này?

- Từ sau Đại hội Đảng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam có ý chí và quyết tâm chính trị trong việc phòng chống tham nhũng. Theo chỉ số đánh giá cảm nhận tham nhũng toàn cầu do Tổ chức Minh bạch Quốc tế tiến hành, 4 năm trước Việt Nam giữ nguyên điểm, nhưng năm vừa qua đã tăng 2 điểm, mặc dù con số này còn khiêm tốn nhưng là dấu hiệu đáng khích lệ.

Anh là một trong những nhà tài trợ và quan tâm đến lĩnh vực phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 7.2015, Thủ tướng Anh lúc đó là David Cameron đã cùng ông Nguyễn Xuân Phúc, lúc đó là Phó Thủ tướng, đồng chủ trì một hội thảo lớn về liêm chính trong doanh nghiệp, là lần đầu tiên ở Việt Nam.

Anh đang có rất nhiều dự án hợp tác với phía Việt Nam trong các dự án phòng chống tham nhũng, như với VCCI để triển khai bộ công cụ phòng chống tham nhũng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trên cơ sở kết quả của dự án, VCCI đang gửi bản đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ để thành lập một dự án về liêm chính giữa doanh nghiệp và chính phủ.

Chúng tôi cũng làm việc với Thanh tra Chính phủ hỗ trợ rà soát luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, đặc biệt liên quan đến tham nhũng trong khu vực tư nhân.

So với những năm trước, chúng tôi rất phấn khởi vì có sự tiến triển trong việc phối hợp với nhiều cơ quan khác nhau, của đảng, của chính phủ trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Chống tham nhũng là vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần chú ý đến. Trong các chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh, so với một số nước có thu nhập trung bình tương đương, Việt Nam rõ ràng đã có kết quả tốt hơn rất nhiều. Nhưng riêng chỉ số đánh giá về tham nhũng, mặc dù không quá tệ, nhưng so với các nước có thu nhập trung bình khác thì Việt Nam vẫn có thể cải thiện hơn nữa để có kết quả cao hơn, tăng cường tính cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và giải quyết các vấn đề tham nhũng.

Anh rất quan tâm đến vấn đề này và thực sự mong muốn được nhìn thấy Việt Nam thành công. Trong vòng 30 năm vừa qua, Việt Nam đã phát triển mạnh, hy vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục có sự phát triển bứt phá hơn nữa.

- Xin cảm ơn Đại sứ!

(https://laodong.vn/thoi-su/chinh-phu-kien-tao-khuon-kho-tot-de-viet-nam-tien-xa-562405.ldo)

/ Theo Vân Anh/Báo Lao động