Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới Tây Nam (1979-2019), Thạc sỹ Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử tại Nghệ An đã có bài viết thể hiện quan điểm cá nhân đầy tâm huyết dưới góc độ giáo dục. Báo Người Đưa Tin xin gửi tới bạn đọc bài viết.
Đưa vào Chương trình sách giáo khoa mới là hoàn toàn cần thiết
Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam (1975-1979) là một quá trình lịch sử hoàn toàn có thật, có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, cũng giống như cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc (1978 – 1988), lịch sử các cuộc chiến tranh này, cho tới nay, còn chưa được nghiên cứu và trình bày đầy đủ trên các diễn đàn công khai ở Việt Nam, đặc biệt là trong nội dung giáo dục lịch sử của trường phổ thông các cấp.
Cũng trong bộ SGK hiện hành, lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc được đề cập đến với dung lượng 4 câu, 11 dòng.
Có thể thấy, việc trình bày về lịch sử cả hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc như trên là quá sơ lược, không tương xứng với vị trí, tầm vóc và ý nghĩa của hai quá trình lịch sử đó trong lịch sử hiện đại Việt Nam; không đáp ứng được nhu cầu nhận thức và càng không đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh Việt Nam. Hơn nữa, dù chỉ trong một số đoạn văn ngắn như vậy cũng đã lộ ra một số lỗi, sai sót cả về nội dung lịch sử và hình thức trình bày, diễn đạt.
Chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang An Giang xây dựng phòng tuyến đánh trả quân Pôn Pốt, bảo vệ biên giới Tây Nam. Ảnh tư liệu
Điều quan trọng hơn nữa là, toàn bộ những kiến thức về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc trong nhiều năm qua đã được bộ GD&ĐT quyết định là nằm trong “chương trình giảm tải”. Nghĩa là giáo viên không phải dạy, học sinh không phải học và đương nhiên, nó cũng không nằm trong giới hạn kiến thức thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, thi chọn học sinh giỏi tỉnh, quốc gia.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Lịch sử được bộ GD&ĐT công bố chiều ngày 17/12/2018, nội dung giáo dục lịch sử này sẽ được đổi mới khá căn bản, toàn diện. Với một cấu trúc nội dung hợp lý, lịch sử các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (bao gồm cả kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc) sẽ được đề cập đến ít nhất là hai lần ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông với mức độ và cách tiếp cận khác nhau.
40 năm đủ để tái khẳng định những sự thật hiển nhiên
Thứ nhất, từ xác định bối cảnh quốc tế, nguyên nhân của cuộc chiến tranh đến rút ra bản chất của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở Biên giới Tây Nam.
Sau thất bại của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, các nước lớn ra sức gây ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á. Hoàn cảnh lịch sử đó đã tạo nên bất ổn ở khu vực. Điển hình là thế lực phản động nước ngoài đã tiếp tay gây dựng nên tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Xary, đi ngược lại tiến trình phát triển của nhân loại. Những người đứng đầu nhà nước Campuchia dân chủ đã thiết lập một chế độ độc tài, phá vỡ mọi quan hệ sản xuất, thiết chế xã hội, ra sức khủng bố, tàn sát, thanh trừng có hệ thống, biến đất nước Chùa Tháp “thành một lò sát sinh khổng lồ. Một địa ngục trần gian chìm trong máu và nước mắt”.
Thầy giáo Trần Trung Hiếu - Giáo viên Lịch sử trường Phan Bội Châu, Nghệ An.
Về đối ngoại, chính quyền Campuchia Dân chủ không ngừng kích động tư tưởng thù hằn dân tộc với các quốc gia láng giềng, phủ nhận trắng trợn lịch sử và truyền thống đoàn kết, hữu nghị của nhân dân Việt Nam - người anh em đã kề vai sát cánh cùng họ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Công khai đòi hoạch định lại biên giới Việt Nam – Campuchia với những yêu sách vô lý. Ngay từ tháng 5/1975, phía Campuchia dân chủ đã tiến hành đánh chiếm một số đảo và nhiều điểm nằm sâu trong nội địa Việt Nam. Với tinh thần hữu nghị, Việt Nam đã chủ động đề xuất các biện pháp nhằm giải quyết những xung đột, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, nhưng đã bị nhà nước Campuchia dân chủ khước từ, đơn phương cắt đứt quan hệ ngoại giao, vu cáo Việt Nam xâm lược, tiến hành các cuộc tiến công vũ trang với quy mô và cường độ ngày càng tăng, gây nên nhiều vụ thảm sát dã man với dân thường vô tội. Đây là một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn vào toàn bộ lãnh thổ vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam, với nhiều tham vọng của tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xary, được các thế lực phản động nước ngoài giúp sức. Trước chiều hướng leo thang chiến tranh của tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Xary, nhân dân và các lực lượng vũ trang Việt Nam buộc phải giáng trả thích đáng, đánh đuổi toàn bộ quân xâm lược ra khỏi lãnh thổ của mình, tạo điều kiện giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Như vậy, cuộc chiến đấu chống lại quân Pôn Pốt xâm lược là hành động tự vệ hoàn toàn chính đáng và cần thiết của nhân dân Việt Nam. Đó là cuộc chiến tranh chống xâm lược do Campuchia dân chủ gây ra có sự tác động của Trung Quốc. Đồng thời, đáp ứng lời kêu gọi của những người cách mạng chân chính Campuchia, Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, cứu dân tộc Chùa Tháp khỏi diệt vong – đó là hành động phù hợp pháp lý, vì nghĩa tình quốc tế cao cả. Tuy vậy, không ít thế lực với cách nhìn thiển cận, phi lịch sử và thái độ hằn học đã xuyên tạc vấn đề này. Nhưng cả thế giới văn minh, cả loài người tiến bộ đã thừa nhận, đã ủng hộ nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam, lên án chế độ diệt chủng tàn bạo ở Campuchia do Pôn Pốt cầm đầu. Diễn trình của phiên tòa xét xử tội ác của những người đứng đầu chế độ Campuchia dân chủ đã khẳng định rõ điều đó.
Hai là, tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở Biên giới Tây Nam, nhân dân Việt Nam đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả. Với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân Campuchia mà đại diện là lực lượng vũ trang Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari, chế độ độc tài tàn bạo nhất trong lịch sử Campuchia cũng như lịch sử nhân loại; từng bước đưa đất nước Campuchia hồi sinh, phát triển và có những đóng góp xứng đáng vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Trách nhiệm của các giáo viên Sử
Khi Chương trình và sách giáo khoa mới chưa ban hành và hiện tại thì giáo viên, học sinh phổ thông vẫn đang dạy học theo chương trình sách giáo khoa hiện hành thì trách nhiệm của giáo viên Sử phổ thông đối với sự kiện cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam càng trở nên quan trọng và cần thiết.
Dù những kiến thức về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã từ lâu nằm trong kiến thức “giảm tải”, nhưng không có nghĩa là giáo viên không hề nhắc đến phần kiến thức này theo phân phối chương trình, đến thời điểm lịch sử kỷ niệm 40 năm.
Với kinh nghiệm và tâm huyết của 25 năm dạy Sử phổ thông, tôi xin khẳng định rằng : Các thầy cô cần phải trau dồi về kiến thức, kỹ năng giảng dạy, về tinh thần trách nhiệm và sự tâm huyết đối với mỗi tiết dạy của mình. Khi Bộ GD&ĐT đã chủ trương “giảm tải” kiến thức này mà giáo viên vẫn bỏ qua sự kiện này thì chính giáo viên Sử đã có tội với lịch sử, có lỗi với học trò và có tội với những người dân đã ngã xuống, những người lính đã hy sinh vì Tổ quốc trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
Theo tôi, khi giảng dạy về kiến thức cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, giáo viên Sử chỉ cần kiến giải mấy vấn đề cơ bản sau :
Thứ nhất, trình bày bối cảnh và nguyên nhân căn bản dẫn đến sự xâm lược của Pôn Pốt .
Thứ hai, bản chất của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đối với cả 2 phía : Pôn Pốt và quân đội nhân dân Việt Nam.
Thứ ba, vai trò của quân đội tình nguyện Việt Nam được thể hiện như thế nào và tác dụng của nó trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế dẫn đến thắng lợi của cách mạng Cam-Pu-Chia và sự sụp đổ của chế độ Pôn Pốt ngày 7.1.1979.
Và cuối cùng, giá trị lớn nhất của lịch sử là rút ra những bài học lịch sử từ cuộc chiến tranh này đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, chủ quyền biển đảo trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp, chằng chéo giữa các cường quốc đã và đang diễn ra trong khu vực và trên thế giới.
Nghẹn ngào tại lễ giỗ tập thể 3.157 người bị thảm sát ở Ba Chúc
Các ngành chức năng ở huyện Tri Tôn chọn 2 ngày 15 và 16-3 âm lịch để tổ chức lễ giỗ tập thể cho các ... |
Chiến tranh Biên giới 1979: Khúc bi tráng trên đỉnh Pò Hèn
Đồn biên phòng Pò Hèn (hay đồn 209, xã Hải Sơn, Móng Cái) một trong những địa danh mang theo khúc bi tráng trong cuộc ... |
Tổng chủ biên Lịch sử VN: Chúng ta muốn cả thế giới biết về chiến tranh Biên giới phía Bắc
Trong cuốn Lịch sử Việt Nam tái bản lần 1, chiến tranh biên giới phía Bắc được gọi đích danh là cuộc chiến tranh xâm ... |