Các tài liệu được tòa án Mỹ thu thập từ Microsoft và Sở thuế vụ Mỹ cho thấy công ty này, cũng tương tự như nhiều công ty đa quốc gia khác luôn tìm cách tạo ra một cấu trúc phức tạp nhằm tối thiểu hóa số tiền phải nộp thuế.
Microsoft và nhiều công ty khác được cho là đã và đang trốn thuế bằng chiêu “chuyển giá” |
Chính cáo buộc trốn thuế này khiến nhiều người chỉ trích Bill Gates cũng như công việc từ thiện mà ông đang theo đuổi rằng: nguồn tiền bẩn và không minh bạch.
Đường đi lòng vòng
Năm 2015, tờ Seattle Times dẫn tài liệu của tòa án Mỹ cho biết, khi một người mua một bản copy phần mềm Office tại cửa hàng của Microsoft, số tiền mà khách hàng trả sẽ không chuyển ngay tới trụ sở của công ty ở cách đó vài km. Thay vào đó, sau khi trừ đi thuế tiểu bang sẽ được chuyển vào doanh số bán hàng của Microsoft tại Nevada.
Đó chỉ là 1 ví dụ cho thấy, số tiền thu về có một đường đi phức tạp qua nhiều nơi trên khắp thế giới, cuối cùng mới tới “thiên đường thuế” Bermuda. Mô hình nói trên được Microsoft bắt đầu xây dựng vào tháng 9/1994, khi 3 giám đốc điều hành tài chính và thuế của Bill Gates ký tên vào giấy tờ thành lập công ty GraceMac ở Nevada.
Tuy nhiên, không giống các văn phòng kinh doanh khác mà Microsoft lập ra trên khắp thế giới, GraceMac không sản xuất sản phẩm, cũng không tiến hành hoạt động kinh doanh. Thay vào đó, công ty này đóng vai trò như “hộp cát” để Microsoft thực hiện các quyền đối với những phần mềm được sản xuất ở Washington.
Chỉ trong vòng 1 thập kỷ sau đó, 55 công ty con đã được Microsoft thành lập ở Nevada – là bang không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp.
Khi hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn cầu của Microsoft phát triển mạnh mẽ vào đầu những năm 2000, công ty này đã thành lập hàng loạt những trung tâm bán hàng. Điều đáng nói, các trung tâm này chỉ phải trả một khoản tiền ban đầu cho công ty mẹ và chi phí nghiên cứu để đổi lấy quyền sở hữu lợi nhuận từ hoạt động bán phần mềm của Microsoft.
Nói một cách dễ hiểu hơn, đây chính là chiêu “chuyển giá” được nhiều công ty sử dụng nhằm chuyển thu nhập thu được đến những nơi có mức thuế thấp còn ở nơi áp thuế cao hơn thì thường xuyên báo lỗ hoặc lãi ít để tránh phải nộp nhiều thuế.
Tránh được hàng tỉ USD tiền thuế
Microsoft không phải công ty duy nhất làm như vậy. Nhiều công ty đa quốc gia khác cũng xây dựng cấu trúc hoạt động tương tự. Trong một số trường hợp, gánh nặng thuế giảm xuống chỉ còn 0%. Đối với Microsoft, trong suốt hơn 20 năm trời, họ đã xây dựng mạng lưới các công ty con để tối thiểu hóa những khoản thuế mà công ty phải trả cho chính phủ các nước trên thế giới.
Hồ sơ được tòa án Mỹ công bố năm 2013 cho biết, từ năm 1986 – là năm đầu tiên Microsof giao dịch công khai, tới năm 2004, công ty trả tỉ lệ thuế trung bình là 34%, gần bằng mức thuế liên bang 35% mà Chính phủ Mỹ áp dụng với các công ty của nước này.
Tuy nhiên, trong vòng 7 năm sau đó, mức thuế trung bình mà Microsoft chi trả chỉ khoảng 24%. Các thống kê tài chính cho thấy mức thuế trung bình mà công ty phải nộp ở nước ngoài chỉ khoảng 4,5%.
Nguyên nhân của việc này được xác định là do trong khoảng thời gian từ năm 2001 tới 2006, Microsoft đã hoàn tất hàng loạt những thỏa thuận nội bộ để chuyển các tài sản chủ yếu được phát triển ở Mỹ tới các công ty con ở Bermuda, Ireland, Singapore và Puerto Rico.
Những thỏa thuận này đã giúp giảm Microsoft giảm được hàng chục tỉ USD thuế lũy kế trong thời gian sau đó. Con số 108 tỉ USD doanh thu của Microsoft ở nước ngoài trong giai đoạn trên chính là bằng chứng cho thấy công ty này không chỉ thành công trong việc tránh được việc bị đánh thuế cao ở Mỹ mà còn ở các nước như Anh, Đức và các nước khác mà nước này có hoạt động kinh doanh.
Tờ Dailymail cho rằng, bằng việc chuyển lợi nhuận tới các nước đánh thuế thấp như Bermuda, Ireland, Luxembourg, Puerto Rico và Singapore, Microsoft có thể tránh được việc phải trả thuế đến 3 tỉ bảng Anh mỗi năm. Còn báo cáo được công bố tại một cuộc điều trần của Thượng viện Mỹ năm 2012 cho rằng những động tác trốn thuế đã giúp Microsoft thu được 6,5 tỉ USD tiền thuế trong 3 năm.
Một giáo sư ở trường luật Harvard từng phát hiện ra rằng các bộ phận của Microsoft ở 3 nước nhỏ và có mức thuế thấp tuyển mộ chưa đến 2.000 nhân viên nhưng thu về khoản lợi nhuận trước thuế trong năm 2011 lên đến khoảng 10 tỉ bảng Anh. Mức lợi nhuận này cao hơn tổng lợi nhuận mà 88.000 nhân viên khác ở tất cả các chi nhánh còn lại của công ty trên toàn thế giới cộng lại.
Vẫn theo tờ Dailymail, các tính toán cho thấy, trong vòng 5 năm, hơn 8 tỉ bảng mà Microsoft thu được từ việc bán hàng cho người Anh đã được công ty này chuyển sang Ireland, là nơi có mức thuế doanh nghiệp là 12,5%, thấp hơn so với Anh.
Kết quả là Microsoft đã tránh được việc phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp ở Anh đối với doanh thu thu được từ việc bán phần mềm ở nước này. Tổng doanh thu mà Microsoft tránh được phải nộp thuế ở Anh ước tính lên đến khoảng 1,7 tỉ bảng mỗi năm.
Ảnh hưởng xấu đến hình ảnh công ty?
Một số chuyên gia về thuế và các học giả về đạo đức kinh doanh nói rằng việc đóng thuế của Microsoft đi ngược với tuyên bố hình mẫu doanh nghiệp đạo đức mà công ty đưa ra.
Họ cho rằng Microsoft thường xuyên tặng phần mềm cho các tổ chức phi lợi nhuận, khuyến khích nhân công của họ quyên tặng thời gian và tiền bạc cho các hoạt động từ thiện và tài trợ cho các chương trình giáo dục. Những nỗ lực này cùng với các cam kết về một môi trường làm việc đa dạng mang lại cho công ty điểm số cao trong những bảng xếp hạng về đạo đức doanh nghiệp.
Ngoài ra, Microsoft cũng tích cực khuyến khích các nhà hoạch định chính sách tăng ngân sách cho các chương trình giáo dục và đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng, công ty này lại không hoàn thành một thành tố khác của khái niệm bổn phận – tức việc trả thuế để hỗ trợ các chương trình đó – bằng việc tìm mọi cách để hạn chế khoản thuế phải nộp cho các Chính phủ ở các nước mà công ty có hoạt động.
“Một trong những thứ chúng tôi nghĩ đến khi nghe từ bổn phận là đáp ứng những nghĩa vụ cơ bản. Khi nói rằng mình là một công dân tốt, bạn phải đảm bảo đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp”, ông Jeffery Smith, giảng viên về đạo đức kinh doanh tại Trường kinh doanh và kinh tế Albers thuộc Đại học Seattle nói.
Chính phủ các nước trên thế giới thời gian qua đã bắt đầu để mắt đến tình trạng các công ty chuyển lợi nhuận ra nước ngoài vì lý do thuế. Cũng vì lẽ đó mà các thỏa thuận về thuế của Microsoft trong những năm gần đây vấp phải sự giám sát chặt chẽ của các nhà làm luật ở Mỹ, EU, Trung Quốc và Australia.
Cuối tháng 8/2017, cơ quan thuế vụ Pháp cho biết họ đang tìm cách truy thu 600 triệu euro, tương đương khoảng 715 triệu USD tiền thuế mà Microsoft đã trốn ở nước này. Truyền thông Pháp dẫn thông tin từ giới chức thuế cho biết, số tiền nói trên là số tiền thuế mà Microsoft lẽ ra phải nộp cho cơ quan thuế của Pháp nhưng lại trốn bằng cách để một công ty con của công ty tại Ireland giao dịch với khách hàng tại Pháp.
Tờ L\'Express của Pháp cho biết, trong năm 2016, Microsoft đóng tổng cộng 32,2 triệu euro thuế doanh nghiệp tại Pháp. Song, giới chức Paris cho rằng, con số này không tương xứng với quy mô làm ăn của hãng này tại đây. Trước đó, năm 2014, Microsoft cũng được cho là đã phải trả 140 triệu USD tiền truy thu thuế cho giới chức Trung Quốc.
Trong khi đó, các đại diện của Microsoft khẳng định họ đã trả phần thuế phù hợp ở các nước mà họ hoạt động. “Chúng tôi phục vụ khách hàng ở hàng trăm nước trên thế giới và cấu trúc thuế của chúng tôi phản ánh dấu ấn toàn cầu đó”, trong một tuyên bố Microsoft khẳng định.
Người phát ngôn của công ty cũng cho hay trong năm 2014, công ty trả đến 4,4 tỉ USD. Tỉ lệ đóng thuế của Microsoft cũng nằm trong top 3 công ty đóng thuế nhiều nhất.
Dự án BT: Cơ hội cho lợi ích nhóm
Đối với những dự án BT (xây dựng - chuyển giao), do thiếu công khai, minh bạch, cùng những lỗ hổng pháp lý, rất dễ ... |
Cử nhân thất nghiệp nhiều, có lỗi của trường đại học
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các trường CĐ, ĐH trên cả nước cần nhìn lại cách đào tạo của mình, không thể ... |
Bộ Tài chính từ chối nêu tên các doanh nghiệp nghi có vi phạm về chuyển giá
Thanh tra Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, 9 tháng đầu năm đã tiến hành thanh tra tại 217 doanh nghiệp có giao ... |
Lật tẩy thủ đoạn chuyển giá, trốn thuế của DN nước ngoài
Hành vi chuyển giá, trốn thuế của nhiều doanh nghiệp DN nước ngoài hoạt động ở Việt Nam ngày một diễn biến tinh vi, phức ... |
(http://baophapluat.vn/chuyen-llam-an/chao-thua-cach-thuc-chuyen-gia-lach-thue-cua-microsoft-362060.html)