Trong mùa mưa năm nay, tại TPHCM đã có hàng chục cây xanh bất ngờ ngã đổ đè vào nhà cửa, xe cộ của người dân, thậm chí có nhiều người còn bị thương tích bởi hiểm họa này.
Cảnh chặt hạ một cây xanh già yếu trên đường Trần Phú. Ảnh: Trường Sơn
Theo người dân, do cây xanh bị xâm hại, già yếu, thậm chí bị bức tử một cách tinh vi nên mới nảy sinh những sự cố đáng tiếc nêu trên.
Chùm ảnh ghi nhận của PV Lao Động trên đường 3/2 - nơi hàng chục cây cổ thụ đang bị xâm hại.
Trong mùa mưa năm nay, tại TPHCM đã xảy ra hàng chục vụ cây xanh, thậm chí là cây cổ thụ ngã đổ khiến nhiều tài sản, xe cộ bị hư hại. Cá biệt có vụ cây ngã đổ đè làm hư hại 4 nhà dân trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú) hoặc cây ngã đè bẹp xe ôtô trên đường Mạc Thị Bưởi (quận1) khiến người dân rất bất an mỗi khi lưu thông trên đường lúc mưa gió. Trong ảnh là cây cổ thụ trên đường Nguyễn Thái Bình ngã đè 1 căn nhà mặt tiền và 1 góc chung cư bên cạnh bị hư hại vào đêm 17, rạng ngày 18.9. Ảnh: Trường Sơn
Còn đây là hiện trường cây cổ thụ hàng chục năm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng bất ngờ ngã đổ đè vào Trường Đại học Sài Gòn khiến một phần cổng, nhà xe của trường bị hư hỏng xảy ra vào ngày 16.10. Quan sát gốc cây có thể thấy phần rễ của cây này đã bị xâm hại nghiêm trọng, không đủ sức gánh được sức nặng của cây khi gặp gió lớn. Ảnh: Trường Sơn
Trên các tuyến đường nội đô TPHCM, hiện còn hàng nghìn cây cổ thụ được trồng cách đây hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Qua thời gian, ngoài việc bị xâm hại bởi các yếu tố con người, nhiều cây cũng đã già cỗi, bị lực lượng chức năng phải đốn hạ để thay vào các cây mới. Trong ảnh là một cây cổ thụ trên đường Trần Phú bị đốn hạ vào ngày 29.8 vừa qua. Ảnh: Trường Sơn
Đường Ba Tháng Hai là con đường hiếm hoi còn giữ lại được nhiều cây cổ thụ. Ảnh: Trường Sơn
Nguyên nhân thì nhiều nhưng phải nói tới tình trạng xâm hại cây xanh. Trong ảnh là một gốc cây dầu cổ thụ bị người bán hàng rong chiếm dụng thành điểm buôn bán, gốc cây chất đầy xà bần, bê tông. Người dân cho biết, mỗi khi vỉa hè được sửa chữa thì rễ cây cũng bị xâm hại, chặt bớt. Ảnh: Trường Sơn
Ngoài việc bị biến thành nơi buôn bán, các gốc cây đại thụ trên tuyến đường còn bị biến thành nơi các tiểu thương bán hàng rong vô tư tưới nước thải. Thực tế, trong nhiều cây ngã đổ có phần rễ đã bị mục bởi yếu tố con người. Ảnh: Trường Sơn
Dù lực lượng chức năng thường xuyên cắt tỉa, phát triển cây mới để thay thế các cây già yếu nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế. Trong ảnh là một cây xanh mới được trồng để thay thế một cây cổ thụ nhưng đã “chết yểu“, trơ cành. Ảnh: Trường Sơn