Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 6-12 cho biết chính phủ của ông không tham gia vụ bắt giữ giám đốc tài chính của Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) tại sân bay Vancouver.
Thủ tướng Trudeau cho hay chính quyền Ottawa đã được thông báo trước vài ngày về kế hoạch bắt giữ bà Meng Wanzhou, người đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ. Tuy nhiên, ông Trudeau từ chối cung cấp thông tin chi tiết và cho rằng nữ giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei sẽ ra tòa trong ngày 7-12.
“Các cơ quan chức năng phù hợp đã ra quyết định về vụ việc mà không có động cơ chính trị đằng sau" - ông Trudeau nói với các phóng viên.
Khi được hỏi liệu ông có nói chuyện với thủ tướng hay đại sứ Trung Quốc chưa, ông Trudeau cho hay vẫn chưa có cuộc thảo luận nào với những người đồng cấp quốc tế về vụ việc này.
Thủ tướng Trudeau cho biết chính phủ của ông tham gia trong vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei. Ảnh: Third Sector
Một ngày trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ vụ bắt người mà họ cho là bất hợp pháp. Vụ việc diễn ra trong thời điểm đầy thử thách của chính quyền ông Trudeau khi thủ tướng Canada đang nỗ lực tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc
Ông Charles Burton, chuyên gia tại Trường ĐH Brock, cựu nhà ngoại giao Canada từng làm việc tại Trung Quốc, nhận định Bắc Kinh tin rằng chính quyền Mỹ đã buộc Canada phải tiến hành vụ bắt giữ. "Chúng ta có thể chứng kiến Trung Quốc trả đũa Canada mạnh tay" – chuyên gia này nhấn mạnh.
Bà Meng Wanzhou đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ. Ảnh: Huawei
Chuyện đó từng xảy ra hồi năm 2014. Tháng 6 năm đó, doanh nhân Trung Quốc Su Bin bị Mỹ ra trát bắt giữ tại Canada, nơi ông này muốn định cư. Không lâu sau đó, ông Kevin Garratt, một công dân Canada ở Trung Quốc, bị bắt và bị buộc tội làm gián điệp. Người này đã bị giam hai năm trước khi bị trục xuất.
Còn ông Su nhận tội âm mưu xâm nhập mạng máy tính của các công ty quốc phòng Mỹ và bị kết án gần 4 năm tù giam hồi năm 2016.
Doanh nhân Trung Quốc Su Bin bị Mỹ ra trát bắt giữ tại Canada. Ảnh: FBI
Ông Richard Kurland, một luật sư về di trú ở Vancouver, cho biết có rất ít khả năng bà Meng được thả ra. Theo ông Kurland, hầu hết những đối tượng bị Mỹ ra trát bắt giữ đều bị dẫn độ nhanh chóng.
Huawei hoạt động quy mô nhỏ ở Canada với 1.000 nhân viên. Nhưng tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc này cho hay hồi đầu năm nay họ đã trở thành nhà tài trợ nghiên cứu và phát triển lớn thứ 25 ở Canada nhờ sự hợp tác với các trường đại học địa phương.
Theo thông tin độc quyền của Reuters, bà Meng bị bắt là một phần trong tiến trình điều tra cáo buộc sử dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu để tránh né lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran. Gần đây, cuộc điều tra đang tìm hiểu liệu tập đoàn Huawei có sử dụng hệ thống ngân hàng HSBC để thực hiện những giao dịch bất hợp pháp với Iran hay không. Các chuyên gia cho rằng Mỹ cấm các công ty sử dụng hệ thống tài chính của Mỹ để cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các thực thể bị trừng phạt. Nếu nhà sản xuất thiết bị điện thoại di động và viễn thông này thực hiện các giao dịch như thế và lừa dối HSBC, họ có thể bị buộc tội lừa đảo ngân hàng. |
Nhật cấm cơ quan chính phủ dùng sản phẩm Huawei và ZTE
Quyết định cấm các sản phầm công nghệ Trung Quốc được chính phủ Nhật viện dẫn lý do lo ngại rò rỉ thông tin tình ... |
Hai ái nữ không theo họ bố của ông chủ Huawei
Con gái lớn của Nhậm Chính Phi đã làm việc lâu năm cho Huawei còn con gái nhỏ đang theo học Harvard và không định ... |
CFO Huawei: Từ trâm anh thế phiệt đến quân cờ Mỹ-Trung
Việc bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ mới đây được cho là bước đi phục vụ mục tiêu chính sách của Mỹ với Trung ... |
Xuân Mai (Theo Reuters)