Các hãng lữ hành Đài Loan chỉ trích chương trình nới lỏng visa

Các công ty du lịch cho rằng Đài Loan thiếu giám sát chương trình nới lỏng visa và không trừng trị nghiêm các du khách bỏ trốn.

cac hang lu hanh dai loan chi trich chuong trinh noi long visa

Khách du lịch tham quan phố phường ở Đài Loan. Ảnh: Focus Taiwan.

"Các hãng lữ hành địa phương là nạn nhân trong những trường hợp như thế này bởi vì họ không có quyền kiểm soát các khách hàng", Focus Taiwan ngày 26/12 dẫn lời Ringo Lee, lãnh đạo của Hiệp hội các hãng lữ hành Trung Quốc, nhắc đến sự việc 152 trong tổng số 153 du khách từ 4 nhóm du khách Việt Nam biến mất ngày 21-23/12.

Ông Lee cho rằng các cơ quan chức năng Đài Loan cần thắt chặt việc mã hóa để ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp thông qua các đoàn du khách, đồng thời cần đưa ra các biện pháp hiệu quả khi xảy ra các sự việc nghiêm trọng.

Các du khách này đến Đài Loan theo chương trình đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho các đoàn khách từ 5 người trở lên đến từ Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Brunei. Các du khách không phải chứng minh tài chính nếu đi theo tour của các công ty du lịch được Cục Du lịch Đài Loan kiểm chứng chất lượng. Chương trình này hiện còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các du khách thông qua việc cấp visa qua mạng.

Chương trình nới lỏng thị thực này nằm trong chính sách Tân Hướng Nam của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nhằm nỗ lực đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại trong tình hình Đài Loan quá phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, đặc biệt chú trọng đến quan hệ kinh tế với các nước ASEAN và 6 nước Nam Á.

Cục Du lịch Đài Loan ngày 25/12 xác nhận 152 trong tổng số 153 du khách từ 4 nhóm du khách Việt Nam lần lượt bay đến Cao Hùng, Đào Viên, Đài Nam ngày 21-23/12 đã biến mất. ETholiday, công ty chịu trách nhiệm đón khách tại Đài Loan, ban đầu thông báo lạc mất 23 người trên đường di chuyển từ huyện Nam Đầu tới quận Tam Trọng của thành phố Tân Bắc. 130 người còn lại nhập cảnh tại Cao Hùng, Đào Viên và Đài Nam vào 23/12. Và 129 người trong số đó đã tách đoàn trong vòng hai ngày, người duy nhất không biến mất là trưởng đoàn.

Đại diện của ETholidays Aileen Lai cho biết hầu hết du khách Việt Nam bỏ trốn sau khi đoàn về khách sạn nghỉ ngơi vì lúc đó hướng dẫn viên du lịch khó kiểm soát được vị trí chính xác của du khách.

Sau khi một số du khách biến mất, ETholidays đã báo cáo với Cục Du lịch, thậm chí gọi điện cho cảnh sát nhưng các cơ quan chức năng không hành động ngay vì thiếu bằng chứng, cô Lai nói. "Rõ ràng nhóm tội phạm buôn người có liên quan đến sự việc", Roget Hsu, chủ tịch của Hiệp hội giải cứu du khách quốc tế ở Đài Loan, nhận định. Ông Hsu chỉ trích cơ quan chức năng đã không điều tra sự việc ngay khi nhận được thông tin rằng những du khách Việt Nam mất tích chỉ mua vé một chiều đến Đài Loan. Tuy nhiên, hãng thông tấn CNA dẫn lời ông Hsu sau đó đính chính thông tin này và cho biết công ty du lịch Việt Nam đã trình các giấy tờ chứng minh vé máy bay hai chiều. Theo đó, các du khách đến Đài Loan vào ngày 23/12 và quay trở về Việt Nam vào ngày 26/12.

Lãnh đạo Cục Du lịch Chou Yung-hui cam kết cục này sẽ thắt chặt việc xem xét các hồ sơ xin thị thực và bàn bạc với Cục Nhập cư về khả năng kiểm tra ngẫu nhiên các du khách trước khi chuyển giấy tờ sang cho cơ quan ngoại giao phê duyệt.

Tuy nhiên, ông Chou cũng nhấn mạnh rằng 152 du khách Việt Nam mất tích là sự việc cá biệt và kêu gọi công chúng "không đánh giá các hãng lữ hành chất lượng và chương trình của họ một cách tiêu cực".

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 26/12 sau khi nhận được thông tin về việc các du khách Việt Nam biến mất khi nhập cảnh vào cuối tuần trước đã phát đi thông cáo cho biết Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã liên hệ với các cơ quan chức năng của Đài Loan đề nghị cung cấp thông tin, làm rõ vụ việc và phối hợp giải quyết, không để ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và giao lưu của người dân. Phía Việt Nam cũng đã đề nghị Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan trong nước phối hợp xử lý vụ việc.

Trong khi đó, công ty ETholidays có thể sẽ lỗ nặng sau sự việc, đại diện Lai nói. ETholiday vẫn chưa nhận được phí du lịch 10.000 Đài tệ (324 USD) mỗi du khách từ đối tác ở Việt Nam. Công ty này có thể bị phạt 5.000-8.000 Đài tệ (162 - 260 USD) mỗi khách để đưa họ về Việt Nam.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi hợp tác với hãng lữ hành đó ở Việt Nam. Rất đen đủi cho chúng tôi", cô Lai nói về công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ Quốc tế tại TP. HCM.

cac hang lu hanh dai loan chi trich chuong trinh noi long visa Du khách bị phạt vì đem thịt khô vào Đài Loan

Hôm 21/12, một nữ du khách Trung Quốc bị phạt 6.500 USD khi mang những gói thịt khô nhập cảnh Đài Loan (Trung Quốc).

cac hang lu hanh dai loan chi trich chuong trinh noi long visa Giả vờ mắc bệnh, cả gia đình lừa đảo 1 triệu USD

4 người trong một gia đình tại Đài Bắc (Đài Loan) bị buộc tội lừa đảo khi giả vờ mắc các chứng bệnh về thần ...

An Hồng

/ https://vnexpress.net