Bơm tiền kích cầu kinh tế: Nhiều nỗi lo

Chuyên gia cảnh báo nhiều vấn đề trước khả năng bơm thêm gần 700.000 tỷ đồng vào nền kinh tế để nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 22%.

Lo vốn chảy vào lĩnh vực "mỳ ăn liền"

Liên quan đến khả năng nền kinh tế sẽ được bơm thêm gần 700.000 tỷ đồng để nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 21-22%, từ đó góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay 6,7%, câu hỏi lớn được đặt ra là liệu nền kinh tế có hấp thụ nổi?

Theo TS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, việc tăng lượng cung tiền vào nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến GDP, lạm phát, lãi suất và tỷ giá, vì thế việc tăng này cần phải được tính toán.

Ông chỉ ra một số vấn đề cần cảnh giác nếu bơm thêm tiền vào nền kinh tế:

Thứ nhất, khi dòng tiền đổ vào kinh tế phải cho nó thời gian để hấp thụ. Nếu đầu tư vào sản xuất đòi hỏi phải có vòng quay vốn với thời gian trung bình từ 3-6 tháng, nhiều khi chưa hết một vòng quay, phải chạy qua năm sau.

Thứ hai, khi cung tiền tăng mà để nền kinh tế hấp thụ nhanh thì người ta sẽ đổ vốn vào những lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán..., những lĩnh vực được coi như mỳ ăn liền.

Các ngân hàng được yêu cầu hạn chế đổ tiền vào bất động sản, chứng khoán nhưng thực ra rất khó hạn chế bởi ngân hàng rất đam mê theo đuổi món "mỳ ăn liền" này, vừa nhanh thu hồi vốn, lãi suất cao lại thấy được dòng tiền. Nguy cơ trở lại thời kỳ bong bóng bất động sản 2006-2008 phải được tính đến.

Chuyên gia quốc tế khuyến nghị, Việt Nam cần giảm phụ thuộc vào ngành ngân hàng để tăng trưởng kinh tế. Ảnh: VnEconomy

Thứ ba, Nghị quyết 42 của Quốc hội chỉ giải quyết nợ xấu trước thời điểm 15/8/2017, mà một khi đã giải ngân cho bất động sản, chứng khoán chắc chắn nợ xấu sẽ phát sinh không thua gì thời kỳ trước.

Thứ tư, Thông tư 41 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 trong đó quy định chỉ số an toàn vốn đối với ngân hàng khác với Thông tư 36 cũ. Theo đó, Thông tư 41 bổ sung thêm rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động bên cạnh rủi ro tín dụng. Khi ngân hàng cho vay lĩnh vực bất động sản, chứng khoán nhiều thì hệ số rủi ro của nó cao hơn cho vay lĩnh vực sản xuất, lúc đó nó sẽ đẩy chỉ số an toàn vốn xuống thấp hơn nữa.

"Các tổ chức như IMF, WB đã cảnh báo tăng trưởng tín dụng của Việt Nam năm nay có dấu hiệu quá nhanh và có thể gây ra những rủi ro mới cho hệ thống ngân hàng.

Một khi các tổ chức này cảnh báo tức là họ đã có cái nhìn tổng quát và số liệu đánh giá. Có thể nó tăng trưởng tín dụng nhanh sẽ góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra nhưng nhiều khi tác hại của nó còn nhiều hơn lợi ích đạt được. Đó là những nguy cơ về lạm phát, tỷ giá, lãi suất, chi phí doanh nghiệp, tác hại về nợ xấu trong bất động sản...

Chính vì thế, bài toán tiếp tục tăng cung tiền để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21-22% cần phải được nghiên cứu và đánh giá toàn diện hơn nữa", TS Bùi Quang Tín nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) đánh giá, tăng trưởng tín dụng được coi là biện pháp dễ nhất, khả dĩ nhất để kích cầu nền kinh tế, tăng cường đầu tư trong bối cảnh ngân sách nhà nước hay đầu tư công khó mở rộng được.

Tuy nhiên, cầu tiêu dùng tương đối thấp trong thời gian qua, nhu cầu về tái sản xuất, mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp chưa lớn nên phải theo dõi khả năng hấp thụ của nền kinh tế khi tăng lượng cung tiền.

"Nếu sử dụng tốt lượng tiền gần 700 nghìn tỷ đồng thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, phải rất cẩn trọng để việc bơm vốn đi đúng địa điểm, thực sự kích thích sự phát triển của nền kinh tế. Nếu không giám sát chặt chẽ, nó có thể tạo ra cú sốc về mặt tín dụng, tỷ giá, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.

Bài toán khó

Bản thân PGS.TS Đinh Trọng Thịnh không dám khẳng định liệu việc bơm thêm gần 700.000 tỷ đồng có giúp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng hay không.

"Nó sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, còn nếu chỉ trông vào gần 700.000 tỷ đồng thì chưa có gì để nói. Từ lượng tiền này phải có cơ chế tác động vào quá trình sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế và cần có thời gian, sự phối hợp của nhiều nhân tố khác", ông nói.

Vị chuyên gia thừa nhận, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% là bài toán rất khó. Việt Nam đang tìm mọi cách thúc đẩy đầu tư, mở rộng năng lực nền sản xuất và nhu cầu tiêu dùng, từ đó góp phần tạo ra tăng trưởng.

Mặt khác, Việt Nam đã tính đến phương án tăng thêm khai thác dầu khí nhưng nếu giá dầu 50 USD/thùng thì một số mỏ dầu có thể mở rộng công suất đáp ứng việc tăng thêm để có lãi. Còn nếu giá dầu giảm sút về mức 40 USD/thùng lại là vấn đề khó.

"Việc thúc đẩy tăng trưởng rất quan trọng, nhưng việc kiểm tra, giám sát để điều chỉnh tốc độ mở rộng tín dụng, mở rộng cầu của nền kinh tế cũng là vấn đề phải theo dõi, giám sát chặt chẽ đề phòng các cú sốc của nền kinh tế", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý, để kích thích kinh tế phát triển có nhiều cách, trong đó Nhà nước đẩy mạnh giải ngân vốn ngân sách nhà nước và thực hiện chi tiêu công theo đúng kế hoạch đề ra.

Đối với nhu cầu về đầu tư tăng trưởng và phát triển của kinh tế tư nhân Chính phủ đang tìm mọi cách rà soát, chấn chỉnh các điều kiện kinh doanh, giấy phép... đề có thể phục vụ tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

/ Thanh Luân/baodatviet.vn