Nếu việc rà soát lại hồ sơ của các ứng viên GS, PGS vừa được công nhận đạt chuẩn năm nay theo quy chế hiện hành, liệu có ai bị “đánh trượt”, khi mà các quy định hiện hành để công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS của nước ta đang rất thấp?
Tiêu chuẩn công nhận giáo sư thấp hơn tiến sĩ
Chiều 9.2, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ - Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) có công văn yêu cầu Thường trực Hội đồng CDGS ngành, liên ngành tổ chức rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn GS, PGS theo quy định hiện hành, Hội đồng CDGSNN sẽ kiên quyết không công nhận.
Chỉ đạo này của Bộ trưởng Bộ GDĐT được đánh giá là kịp thời, tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến lo ngại. Việc bình xét, chấm điểm hồ sơ của ứng viên GS, PGS lâu nay tiến hành theo hình thức bỏ phiếu kín, thiếu sự giám sát từ phía xã hội. Bây giờ liệu có ai dũng cảm “loại” các hồ sơ không đạt chuẩn, bởi như thế chẳng khác nào tự nhận mình đã làm sai.
Hơn nữa, nếu vẫn áp dụng quy định hiện hành để rà soát, rất có thể tất cả sẽ… “đúng quy trình”. Bởi tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS hiện hành còn quá thấp.
Theo tài liệu hướng dẫn xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 do Hội đồng CDGSNN ban hành, ứng viên năm nay được xét duyệt trên cơ sở tiêu chuẩn hợp nhất Quyết định số 174/2008/QĐ–TTg và Quyết định số 20/2012/QĐ–TTg.
Trong các tiêu chuẩn này đều chưa yêu cầu bắt buộc đối với ứng viên GS phải có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế ISI, Scopus.
Tương tự, 3 tiêu chuẩn công nhận chức danh PGS cũng không bao gồm yếu tố bài báo khoa học đăng trên tạp chí ISI/Scopus. Trong khi những ngày qua, điều khiến nhiều người lo ngại nhất về chất lượng đợt phong GS và PGS năm 2017 là nhiều người không có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí danh tiếng thế giới. Tức là GS, PGS Việt Nam chưa tiệm cận chuẩn quốc tế.
Trong khi đó, tiêu chuẩn tiến sĩ theo quy chế do Bộ GDĐT ban hành năm 2017, để được đăng ký đánh giá luận án, nghiên cứu sinh phải công bố tối thiểu hai bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án. Trong đó, một bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus hoặc hai báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.
Như vậy, nếu việc rà soát lại hồ sơ ứng viên đạt chuẩn GS, PGS năm 2017 vẫn tiến hành theo quy chế hiện hành như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GDĐT thì tiêu chuẩn để được công nhận là GS, PGS còn thấp hơn cả tiến sĩ. Đây là một nghịch lý và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo sau đại học, vốn dĩ đã "rất có vấn đề" ở nước ta.
GS, PGS không phải là cái mác gắn suốt đời
Một bất cập nữa trong quy định hiện hành là tiêu chuẩn công nhận PGS có yêu cầu ứng viên phải có ít nhất 6 năm thâm niên làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, điều kiện để được công nhận là GS lại không có quy định này. Vì thế, mới có tình trạng người được phong GS ở nước ta lâu nay có cả doanh nhân, chính trị gia.
Có người sau khi đã được mang hàm GS, PGS thì không làm công tác giảng dạy, nghiên cứu nữa, hoặc “lười” nghiên cứu, sáng tạo nhưng vẫn được mang hàm GS suốt đời.
Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), chỉ ở nước ta mới có chuyện phong GS, PGS suốt đời, còn các nước đều theo nhiệm kỳ. Ông cho rằng, GS, PGS chỉ nên tập trung ở đội ngũ tham gia công tác giảng dạy ở các trường đại học còn những người không giảng dạy thì không nên nhận danh hiệu này.
“Các trường có thể phong hàm GS, PGS theo nhiệm kỳ 3 năm, 5 năm. Hết nhiệm kỳ, nếu người nào không có công trình đóng góp nữa thì trường không công nhận là GS, PGS nữa” – TS Lê Viết Khuyến kiến nghị.
Sát hạch ngoại ngữ: 20% tân PGS, GS không dám tham gia, 30% như "gà mắc tóc"
Sau khi báo chí và dư luận xã hội lên tiếng vì số lượng GS, PGS năm 2017 tăng đột biến, Thủ tướng Nguyễn Xuân ... |
Soi lại chất lượng giáo sư, phó giáo sư: Sao lại vừa đá bóng, vừa thổi còi?
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư (GS) nhà nước Phùng Xuân Nhạ yêu cầu Thường trực Hội ... |