Sau đợt chấm thi THPT năm 2018 - 2019, có một vấn đề đặt ra là sự luẩn quẩn trong cách ra đề của 3 năm trở lại đây của bộ GD&ĐT mà ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy.
Trong khi bộ GD&ĐT luôn cho rằng, việc đề thi năm nay chỉ nằm trong chương trình và nằm trong tầm kiến thức của học sinh, nhưng trên thực tế nó đã thể hiện ngay trên kết quả điểm thi của các em.
Một câu chuyện mãi chưa đến hồi kết về việc đề thi THPT quốc gia khó, dễ rồi lại... khó. Điển hình như năm 2016, mức độ đề thi được đánh giá là khá dài đòi hỏi học sinh phải có kiến thức sâu cũng như những kiến thức xã hội. Bên cạnh đó, các em cần có khả năng phân tích tính toán cao vì đề Toán khá "lạ" so với mọi năm khiến học sinh lao đao và chất lượng điểm thi không cao cùng rất nhiều điểm liệt môn tiếng Anh.
Sang năm 2017, tiếp thu ý kiến cũng như đóng góp từ phản ánh của dư luận, bộ GD&ĐT đã có chuyển biến và thay đổi tích cực hơn. Đề thi cũng được đánh giá chung là vừa sức, bám sát nội dung, riêng đề thi của môn Hóa học đã được đánh giá là dễ nhất nên có tới 1.504 thí sinh đạt điểm 10. Theo số liệu thống kê của bộ GD&ĐT năm 2017, cả nước đã có hơn 4.235 điểm 10 ở tất cả các bài thi THPT quốc gia năm 2017. Con số này cao gấp 60 lần số điểm 10 của năm 2016.
Nhưng cũng chính vì đề thi "dễ thở" hơn, số điểm 10 tăng vọt, việc phân loại học sinh gặp khó khăn và một lần nữa bộ GD&ĐT lại... thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Với lượng kiến thức quá rộng và dài, nhiều học sinh cũng như nhiều chuyên gia đánh giá đề thi năm nay quá khó… Riêng TP.HCM, hơn 80% thí sinh dưới điểm trung bình môn Lịch sử, điểm 10 "nhỏ giọt" ở môn Toán, bất ngờ với những điểm liệt của môn Ngữ văn.
Thử nhìn lại thì sẽ thấy có sự bất ổn trong thi cử của chúng ta. Hơn một thập kỷ thi “3 chung” không được tổng kết, đánh giá, nhưng đùng một cái chuyển sang “2 trong 1”. Đến năm 2017 lại tiếp tục một “cải tiến”, khi gom các môn thi thành bài thi tổ hợp, bài thi trắc nghiệm. Nói là giảm còn 5 môn thi nhưng thực chất vẫn như cũ, thậm chí còn tăng thêm.
Bộ GD&ĐT vẫn đang luẩn quẩn trong cách ra đề thi.
Vậy đối tượng phải "hứng chịu" sự đổi mới này là ai? Cả xã hội lao đao, học sinh hoang mang, không rõ đề sẽ phân hóa đến mức nào, trong khi đó, cái khó đối với các trường hiện nay là mỗi năm, kỳ thi lại có những điều chỉnh, trong khi việc dạy thế nào để thích nghi với những điều chỉnh đó không dễ dàng và cũng gặp khó khăn trong việc định hướng ôn tập.
Nói chung chung thì thầy và trò không hình dung ra, học sinh cũng không "đuổi" kịp những thay đổi của bộ GD&ĐT. Dù định dạng đề thi năm 2018 giống năm 2017 nhưng cấu trúc của đề thi của các năm tới thì không một ai dám khẳng định giống như trước. Và có một thực tế là học sinh không thể nhìn vào đề tham khảo năm ngoái mà biết được những thay đổi về độ khó cũng như kết cấu đề thi.
Trước đó, một đề án đổi mới thi THPT quốc gia với khoản ngân sách khá lớn được đề xuất. Khi dồn nhiều tiền vào việc xây dựng một ngân hàng đề thi nhưng chỉ sau ba năm nữa, khi chương trình giáo dục phổ thông thay đổi thì ngân hàng đề thi này sẽ được sử dụng thế nào lại là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp.
Ngân sách chi ra khá nhiều, nhưng bộ GD&ĐT lại làm chưa có hiệu quả đã và đang khiến dư luận không được an tâm. Ngân sách của quốc gia cũng chính là tiền bạc của nhân dân, cũng để phục vụ dân nhưng Bộ cứ loay hoay như vậy thật khiến dư luận bất bình.
Chúng ta đổi mới thi cử nhưng cái quan trọng nhất lại không làm, đó là khâu đề thi. Thử hỏi trong ngân hàng đề thi của bộ GD&ĐT hiện có bao nhiêu đề thi, cái hiện có lấy từ đâu và liệu có kiểm tra một cách khoa học hay chưa?
Như vậy, bất cứ ai cũng có thể nhận ra rằng, không có sự ổn định trong cách ra đề thi và sự “ngẫu hứng” của bộ GD&ĐT, không có quan điểm rõ ràng trong vấn đề này. Vì chúng ta luôn vội vã muốn đổi mới nhưng lại chưa lường hết được các tình huống sẽ phát sinh, làm một cách vội vã, chắp vá, loay hoay mãi với việc thi cử nên mỗi lần thi đều có sạn và mỗi năm lại tiếp tục… nhặt sạn. Nhưng có lẽ dường như nhặt hoài không bao giờ hết sạn, với cách làm thiếu chiến lược dài hơi như hiện nay.
Đã đến lúc bộ GD&ĐT cần một chiến lược dài hạn, chứ không phải “sai đâu sửa đấy” như thế này và để bộ GD&ĐT không là "Bộ thi".
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Chuyên gia nhận định đề Toán THPT Quốc gia khó và dài: Bộ GD-ĐT phản hồi chính thức
Đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã lên tiếng về đề thi THPT Quốc gia môn Toán năm 2018. |
Đề thi THPT quốc gia \'khó hơn năm 2017 là hiển nhiên\'
Bộ Giáo dục phải sử dụng thống kê, tâm trắc học và học hỏi kinh nghiệm quốc tế khi làm bộ đề thi THPT quốc ... |