Từ một dự án phức tạp từng khiến công ty dầu khí lớn quốc tế phải “bó tay”, từ một dự án quá “xương xẩu” và nhiều rủi ro, những người dầu khí Việt Nam với ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của mình đã biến Biển Đông 01 thành một “mỏ vàng” cho đất nước.
Kể từ sau thành công của Dự án Biển Đông 01, mới đây, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) đã đạt được cột mốc rất đáng tự hào: Khai thác thành công 10 tỉ m3 khí và 17 triệu thùng dầu/condensate sau 5 năm kể từ ngày đưa vào vận hành và khai thác dầu (6/9/2013). Không chỉ đối với BIENDONG POC nói riêng mà đối với cả nền kinh tế, sản lượng dầu, khí khai thác, thu gom và đưa về bờ đó có ý nghĩa vô cùng to lớn, là minh chứng cho hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên dầu khí của đất nước, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Tổng giám đốc BIENDONG POC Ngô Hữu Hải kiểm tra thực tế trên cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh (ảnh: Hiền Anh)
Khỏi phải nói là người lao động BIENDONG POC đã tự hào và xúc động trước mốc son này như thế nào, đặc biệt là những người đã gắn bó với Biển Đông 01 ngay từ những ngày đầu dự án. Trải qua biết bao nhiêu khó khăn và thách thức, con số 10 tỉ m3 khí không chỉ là một kết quả, thành tích cao mà còn là một vinh dự, tự hào to lớn sau bao quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của cả tập thể suốt nhiều năm tháng qua. Còn nhớ, vào đầu năm 2009, BP và Conoco Phillips rút lui khỏi Dự án khí Hải Thạch và Mộc Tinh (Lô 05.2 và 05.3) và chuyển giao quyền lợi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Lúc này, PVN đã quyết định thành lập BIENDONG POC để thực hiện dự án nhằm sớm đưa 2 mỏ vào khai thác, được đặt tên là Biển Đông 01. Thành công của Biển Đông 01 được coi là một kỳ tích của ngành Dầu khí Việt Nam ở Biển Đông, đã khẳng định được sức mạnh nội lực của ngành Dầu khí và con người dầu khí Việt Nam.
Bởi đơn giản, nếu dễ làm thì công ty dầu khí hàng đầu thế giới như BP đã không phải “bỏ của chạy lấy người” sau khi đổ vào dự án cả tỉ USD trong thời gian dài mà không khai thác được gì. Những khó khăn ở Biển Đông 01 có nhiều vô vàn. Anh Lý Văn Dao - Trưởng phòng Vận hành - Khai thác của BIENDONG POC - là người đã chứng kiến, nếm trải hầu hết những khó khăn đó. Anh kể, đó là chuyện bị thế lực không thân thiện liên tiếp quấy phá, gây tâm lý hoang mang cho đội ngũ CBCNV làm việc ngoài khơi, rồi đến chuyện khoan nước sâu với điều kiện mỏ có áp suất cao, nhiệt độ cao thuộc loại hiếm có trên thế giới, hoặc vấn đề thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực con người để thực hiện dự án…
Chúng tôi cũng từng trò chuyện với các anh trực tiếp thực hiện chiến dịch khoan cho Biển Đông 01 ở PV Drilling, nghe các anh kể chi tiết về những cái khó, mức độ nguy hiểm tại dự án này. Mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh thuộc vùng nước sâu 140m, điều kiện địa chất của mỏ phức tạp không chỉ nhất Việt Nam mà còn thuộc “hàng hiếm” trên thế giới. Nhiệt độ dưới giếng khoảng 120-170oC, áp suất khoảng 420-530atm. Thường thì những loại mỏ khí đốt có áp suất cao và nhiệt độ cao như thế hiếm có công ty dầu khí nào dám làm, bởi mức độ rủi ro quá lớn, chỉ cần một sơ suất nhỏ, áp suất trong vỉa có thể gây phụt khí lên phía trên giàn, gây cháy nổ nghiêm trọng. Nói đến khoan ở Biển Đông 01 nhất định phải nói đến giàn PV DRILLING V.
Đây là giàn do người Việt Nam, cụ thể là anh em ở BIENDONG POC và PV Drilling đã tham gia đặt bút vẽ những nét đầu tiên về thiết kế giàn khoan hiện đại này. Họ đã tự tìm tòi, rồi đề ra những yêu cầu để nâng cấp các thiết bị sao cho phù hợp với điều kiện khoan khắc nghiệt của dự án. Nếu chúng ta không tự tìm hiểu, không đưa ra những yêu cầu kỹ thuật thì hãng đóng giàn cũng không thể làm được. Bởi có thể đóng một giàn TAD đối với họ không khó, nhưng để đóng được giàn như PV DRILLING V, bắt buộc phải là người Việt vẽ ra nó. Mà để vẽ ra được giàn, anh em đã phải cùng nhau nghiên cứu hàng trăm, hàng nghìn trang tài liệu về Hải Thạch - Mộc Tinh mà BP để lại. Đó là chưa kể có giai đoạn tàu của thế lực không thân thiện liên tiếp quấy phá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngăn cản hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp của chúng ta, điển hình là vụ cắt cáp tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02…
Chính tình hình phức tạp trên Biển Đông giai đoạn đó khiến cho việc tuyển người tham gia vào Dự án Biển Đông 01 trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Anh Dao kể, cái khó lớn nhất là tuyển mới một số lượng lớn, cụ thể là khoảng gần 100 người đi biển và 30 người trong bờ. Với số lượng nhân sự đó, bình thường đã khó tuyển, huống hồ với điều kiện đặc thù của Biển Đông 01. Không chỉ tuyển người, việc xây dựng hệ thống quy trình vận hành mới với hơn 850 quy trình, rồi anh em tự thiết lập hệ thống quản lý bằng điện tử, cũng mất rất nhiều thời gian và công sức…
Nhưng rồi CBCNV BIENDONG POC đã lần lượt vượt qua tất cả những khó khăn đó, đưa Biển Đông 01 đến thành công rực rỡ. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, sản lượng khí và condensate được khai thác đều vượt mức chỉ tiêu sản xuất 5 năm liên tiếp với hệ số làm việc của giàn hầu hết đều đạt trên 99% (kế hoạch là 96%). Tức là, trong 5 năm qua, người dầu khí Việt Nam ta đã làm được dự án này thành công mỹ mãn, đạt được hiệu quả kinh tế rất cao. Bây giờ, nhìn lại giai đoạn đầu của Biển Đông 01, anh Dao cảm thấy rất vui sướng và tự hào khi người dầu khí Việt Nam có thể làm chủ thành công một dự án quy mô và phức tạp như thế.
Anh vẫn nhớ như in thời khắc đầu tiên nhận dòng khí từ bên giàn Mộc Tinh về, cuối tháng 8/2013. Khi ngọn đuốc cháy rực lên, mọi người thở phào nhẹ nhõm như trút được áp lực khủng khiếp từ trên vai xuống. Có thể nói, từ một dự án phức tạp từng khiến công ty dầu khí lớn quốc tế phải “bó tay”, từ một dự án quá “xương xẩu” và nhiều rủi ro, những người Dầu khí Việt Nam với ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của mình đã biến Biển Đông 01 thành một “mỏ vàng” cho đất nước. Không những thế, ngoài hiệu quả kinh tế to lớn mà dự án mang lại trong những năm qua, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Biển Đông 01 còn mang những ý nghĩa đặc thù khác, đó là khẳng định sức mạnh nội lực của người dầu khí Việt Nam và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thật tự hào về BIENDONG POC, tự hào về người dầu khí Việt Nam!
Việc khai thác khí từ mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh của Dự án Biển Đông 01 đã bổ sung một lượng khí đáng kể cho các nhà máy điện tại Đông Nam bộ vốn đang thiếu hụt nguồn nhiên liệu đầu vào do sản lượng khai thác khí từ mỏ Lan Tây - Lan Đỏ (Lô 06.1) và mỏ Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây (Lô 11-2) đang bị suy giảm. Hiện tại, BIENDONG POC là doanh nghiệp cung cấp khí đứng thứ hai sau Rosneft, với sản lượng hằng ngày khoảng 6,5 triệu m3 khí.
Trúc Vân
Lãnh đạo BIENDONG POC và đại diện Gazprom làm việc, chúc Tết tại cụm mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh
Ngày 25/1/2019, đoàn công tác của Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) do đồng chí Ngô Hữu Hải, Ủy viên BCH ... |
BIENDONG POC đón nhận 10 tỷ m3 khí sau 5 năm vận hành khai thác
Ngày 04/01/2019 vừa qua, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) đã chính thức đón nhận 10 tỷ m3 khí, đánh dấu ... |
BIENDONG POC: Mục tiêu trở thành Nhà điều hành dầu khí chuyên nghiệp
Ngày 26/12/2018, tại TP HCM, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) đã tổ chức thành công Hội nghị công tác Đảng, ... |
BIENDONG POC về đích sớm kế hoạch SXKD năm 2018
Vào lúc 18h30 ngày 26/11/2018, đồng hồ đo sản lượng khai thác khí của Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONGPOC) đã cán ... |