Hai tàu cảnh sát biển Nga có kích thước lớn, hỏa lực mạnh và thiết kế hiện đại hơn so với các tàu pháo Ukraine bị bắt trên Biển Đen.
Căng thẳng giữa Moskva và Kiev tại Biển Đen bùng phát vào sáng 25/11, khi cảnh sát biển Nga triển khai lực lượng truy bắt ba tàu chiến của Ukraine đang tìm cách băng qua eo biển Kerch để tiến vào Biển Azov. Tàu cảnh sát biển Nga sau đó nổ súng bắt ba tàu chiến Ukraine, cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải, phớt lờ cảnh báo khi thực hiện các hành động trái phép và nguy hiểm.
Lực lượng đóng vai trò chủ chốt của Nga trong cuộc truy bắt chiến hạm Ukraine là Izumrud và Don, hai tàu tuần tra cỡ lớn được trang bị hỏa lực mạnh của cảnh sát biển nước này, theo Army Regconition.
Trong video được chia sẻ trên Twitter, hai tàu tuần tra Nga phối hợp với nhau thành "gọng kìm" nhằm chặn bắt tàu kéo Yany Kapu của Ukraine. Sau nhiều lần phát cảnh báo dừng lại qua loa phóng thanh, tàu Don tăng tốc lao thẳng vào tàu kéo Ukraine, khiến con tàu nhỏ hơn bị chao đảo dữ dội và hư hỏng mạn phải.
Tàu tuần tra Don trong một chuyến ra biển đầu năm nay. Ảnh: Twitter.
Tàu Don mang số hiệu 353, là một trong 17 tàu tuần tra Đề án 745P "Sorum" đang phục vụ trong biên chế cảnh sát biển Nga. Chúng được phát triển từ nền tảng tàu kéo xa bờ Đề án 745, với nhiều thay đổi như tăng cường hỏa lực và khả năng tuần tra dài ngày. Lớp Sorum cũng có thể thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các vùng đặc quyền kinh tế của Nga.
Tàu tuần tra Don dài 56,5 m, rộng 12,6 m và có lượng giãn nước 1.620 tấn. Động cơ diesel cho phép tàu đạt tốc độ tối đa 24 km/h và tầm hoạt động tới 14.800 km. Dự trữ hành trình lớn cho phép thủy thủ đoàn 47 người hoạt động liên tục ngoài biển trong 40 ngày mà không phải tiếp tế hậu cần.
Vũ khí chính của tàu Don là hai bệ pháo phòng thủ tầm gần AK-306 cỡ nòng 30 mm đặt trước đài chỉ huy. Mỗi pháo có tầm bắn hiệu quả 5 km với mục tiêu trên biển và 4 km với mục tiêu bay. Thiết kế nòng xoay cho phép AK-306 đạt tốc độ bắn tối đa 5.000 phát/phút, mỗi khẩu thường trang bị cơ số đạn 2.000 viên.
Phiên bản AK-306 không có radar dẫn bắn, thay vào đó là tổ hợp điều khiển hỏa lực quang điện tử và thủ công Kolonka-1. Hệ thống điều khiển hỏa lực này không phù hợp cho vai trò đối phó tên lửa diệt hạm, nhưng đáp ứng được yêu cầu trong hoạt động tuần tra, chống cướp biển của cảnh sát biển Nga.
Ngoài tàu Don, tàu tuần tra Izumrud cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truy cản, ngăn nhóm chiến hạm Ukraine tăng tốc vượt qua eo biển Kerch. Đây là chiếc thứ 5 trong loạt 12 tàu tuần tra tốc độ cao Đề án 22460 "Rubin" được cảnh sát biển Nga biên chế từ năm 2009 đến nay.
Lớp Rubin được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới, lãnh hải và các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, cũng như tìm kiếm cứu nạn, chống buôn lậu và cướp biển.
Mỗi chiếc đều có hai lớp vỏ kín nước bên sườn và dưới đáy để tăng khả năng sống sót. Hình dáng bên ngoài của lớp Rubin có nhiều góc cạnh, tăng đáng kể khả năng tàng hình trước radar so với những thế hệ tàu tuần tra cũ của cảnh sát biển Nga.
Tàu Izumrud dài 62,5 m, rộng 11 m và có lượng giãn nước 630 tấn. Thủy thủ đoàn gồm 20 người, tàu cũng có thể chở thêm 14 hành khách. Tàu được trang bị ộng cơ diesel MTU 16V4000M73L, đạt tốc độ tối đa 46 km/h, tầm hoạt động 5.600 km và dự trữ hành trình 30 ngày.
Chiếc Izumrud (ngoài cùng bên phải) cùng hai tàu lớp Rubin tại cảng Sevastopol hồi tháng 9. Ảnh: Igor Terokhin.
Vũ khí chính của lớp Rubin là bệ pháo phòng thủ cực gần AK-630M được điều khiển bởi hệ thống quang - điện tử SP-520M kèm đo xa laser, cho phép nó tìm kiếm, bám bắt và diệt mục tiêu từ khoảng cách 4 km trong điều kiện cả ngày và đêm. Izumrud cũng được lắp hai súng máy Kord cỡ nòng 12,7 mm và có thể mang theo 8 tên lửa phòng không vác vai Igla.
Thiết kế của lớp Rubin cho phép thay pháo AK-630M bằng tổ hợp hải pháo bắn nhanh A-220M cỡ nòng 57 mm. Các tàu như Izumrud cũng có thể mang được 4 tên lửa diệt hạm 3M24UE với tầm bắn 260 km, nhưng giải pháp này chỉ được áp dụng khi nổ ra chiến tranh quy mô lớn.
Đuôi tàu có sàn đáp trực thăng, tiếp nhận được trực thăng vận tải Ka-226 hoặc máy bay không người lái Horizon Air S-100, giúp thủy thủ đoàn xác định mục tiêu kích thước nhỏ từ khoảng cách tới 150 km.
Vụ Nga bắt tàu chiến Ukraine trên Biển Đen được cho là sẽ khiến quan hệ giữa hai nước leo thang, nhưng nhiều khả năng sẽ không châm ngòi cho xung đột quân sự quy mô lớn. Moskva tuyên bố việc tàu cảnh sát biển nổ súng khống chế chiến hạm của Kiev là hoàn toàn hợp pháp. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko lại cảnh báo về "nguy cơ chiến tranh toàn diện" với Nga.
Tổng thống Mỹ Trump Donald Trump cho biết Mỹ không tán thành việc Nga và Ukraine leo thang căng thẳng nhưng cũng không trực tiếp chỉ trích hành động của Moskva. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng dọa hủy cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tháng này.
Quan hệ giữa Moskva và Kiev trở nên căng thẳng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và phong trào đòi ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine từ năm 2014. Chính phủ Ukraine và các nước phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ vũ khí cho phe ly khai, nhưng Điện Kremlin bác bỏ.
Vị trí biển Đen và Biển Azov. Đồ họa:The Economist.
TT Putin nói vụ nổ súng bắt tàu Ukraine là \'hợp pháp\'
Trong phát biểu dài đầu tiên kể từ vụ va chạm trên biển giữa Nga và Ukraine ngoài khơi Crimea, ông Putin nói vụ việc ... |
Xung đột Nga-Ukraine có thể đi đến “chiến tranh toàn diện”
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng ông lo ngại về khả năng chiến tranh toàn diện với Nga sau va chạm giữa 2 nước ... |
Toan tính của Ukraine khi điều tàu chiến \'chọc giận\' Nga
Tổng thống Ukraine dường như muốn thu hút sự ủng hộ trong nước và quốc tế khi cho tàu chiến đi qua eo biển Kerch, ... |