Qua thẩm vấn tại tòa, tất cả bi kịch cuộc đời của gia đình bị cáo hé dần ra từ lúc ở quê nhà Vĩnh Long đến lúc lên TP HCM và trở về quê
Người đàn ông 61 tuổi, từng sa lạc vào đường dữ, trôi lăn trong tù tội từ tuổi trung niên đến bạc mái đầu, nay lại đứng trước vành móng ngựa chờ lãnh một bản án mới...
Bị cáo Trần Văn Mao tóc ngả màu muối tiêu, bị TAND TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) đưa ra xét xử về tội danh "mua bán trái phép chất ma túy".
Phía sau lưng bị cáo không một bóng người thân. Người vợ quá buồn rầu nên lên huyết áp, con gái phải chăm sóc mẹ, con trai đang ngồi trong song sắt trại giam.
Lún vào tù tội
Qua thẩm vấn tại tòa, tất cả bi kịch cuộc đời bị cáo hé dần ra. 20 năm trước, ông Mao là công nhân, vợ bán bánh tiêu. Tuy vất vả, cực nhọc nhưng cả hai vẫn quyết chí nuôi con học hành đến nơi đến chốn.
Tất cả vỡ nát khi ông không kiềm chế bản thân trong cơn cự cãi với bạn làm chung, khiến một mạng người chết.
Lãnh án chung thân nhưng do cải tạo tốt nên sau 16 năm thụ án, ông Mao được ân xá. Ngày trở về, ông không sao xin được việc làm, ở đâu người ta cũng lắc đầu từ chối bởi cái lý lịch giết người.
Túng thế, ông phải rời vợ con để lên Sài Gòn - nơi mọi người không biết quá khứ của mình - để phụ bán quán ăn. Rồi một ngày đang bưng bê dọn dẹp, ông như bị sét đánh khi nghe hung tin: con trai bị bắt do "mua bán trái phép chất ma túy".
Ông Mao hộc tốc về quê. Thấy nhà dột, ông trèo lên sửa, chẳng may trượt chân té ngã. Chấn thương khiến ông không thể đi làm được. Ông muốn đi thăm con đang ở tù cũng không có tiền.
Lời rủ rê mua bán chất ma túy của kẻ xấu rơi đúng vào thời điểm đó, ông nhắm mắt làm liều với suy nghĩ chỉ một lần thôi. Nhưng ma lực của đồng tiền không cho ông dừng lại, bàn tay nhúng chàm khoảng tới lần thứ 7 thì bị bắt...
Tại tòa bị cáo không quanh co chối tội, chỉ xin tòa giảm án bởi: "Giờ bị cáo 61 tuổi, nếu ở tù lâu quá, sợ không còn gặp được con".
Hội đồng xét xử phân tích: "Sao trước khi làm, bị cáo không suy nghĩ kỹ? Việc hút chích đẩy bao người vào con đường nghiện ngập, hủy hoại tương lai.
Đúng ra bị cáo phải hiểu hậu quả khốc liệt ấy mà không gây ra hành vi phạm pháp này. Đằng này bị cáo chỉ vì muốn vượt qua cơn khó khăn mà hại bao người. Nếu ai gặp cơn túng thiếu cũng hành động như bị cáo thì xã hội sẽ ra sao?".
Từ đôi mắt già nua lăn dài những dòng nước mắt hối hận, bị cáo nghèn nghẹn khi nói lời sau cùng:
"Bị cáo mong xã hội đừng kỳ thị những người từng phạm tội. Hãy rộng lòng bao dung để cho họ có cơ hội quay về làm lại cuộc đời. Bị cáo cũng mong đừng ai giống như bị cáo chỉ vì một cơn nóng giận hoặc thiếu suy nghĩ mà lún vào tù tội".
Tòa tuyên 9 năm tù. Bị cáo lảo đảo, bước chân cứ trôi tuột vào trong xe tù...
Kiệt sức với người thân
Khi tôi đến nhà, bà Mao đang chăm sóc người mẹ trên 90 tuổi. Bà gầy sọp, già hơn hẳn so với tuổi 61. Hàng xóm nói bà hiền lành tần tảo mà lại chứa cả một đời đau khổ.
Ngồi tiếp chuyện với tôi, thỉnh thoảng bà đưa tay ôm lấy ngực. Bà nhớ lại, lúc ông bị giam về tội giết người, bà vừa giận vừa thương chồng. Ông vốn hiền lành, chăm lo làm ăn mà không hiểu sao cơn lú lẫn lại cuốn đi, gây ra án mạng tày đình.
Khi ấy một mình bà một nách hai con, đứa lớn mới 7 tuổi, đứa nhỏ mới đầy tháng. Ngoài bán bánh tiêu, bà phải nhận thêm đồ may gia công, lăn lộn ngày đêm để nuôi hai con ăn học.
Thương chồng, nhưng phải chạy gạo ăn từng bữa, nên mỗi năm bà chỉ đi thăm ông được hai lần. Đêm nào bà cũng niệm Phật khấn cầu cho chồng sớm ra tù.
Do lao lực, bà đổ dốc. Bà chỉ còn đủ sức đi bán bánh tiêu, không may gia công được nữa. Đứa con trai đang học lớp 10 phải nghỉ học để đi làm nghề hàn tiện, phụ mẹ mưu sinh.
Hạnh phúc tưởng chừng như hé mở ở buổi tàn niên khi chồng được ân xá, trở về đoàn tụ gia đình. Nhưng hạnh phúc ấy chỉ lóe lên rồi tắt đi khi thấy ông bị kỳ thị, không kiếm được việc làm.
Những tưởng nỗi bất hạnh đến vậy là tận cùng, nào ngờ đứa con trai mà bà đinh ninh đang sống bằng nghề lương thiện lại bị rủ rê, vướng vào con đường nghiện ngập. Để có tiền hút chích, con bà đi bán ma túy và cái gì đến tất nhiên nó phải đến. Chuyện con bị bắt làm bà kiệt sức, gục quỵ.
"Tui giận và tức hai cha con ổng lắm. Tui từng lạy con mà nói dù hoàn cảnh nào vẫn phải giữ tâm thiện lương. Nào ngờ nó ra nông nỗi ấy. Còn ổng, dù không có tiền thăm nuôi con thì cũng không làm chuyện thất đức..." - bà Mao tâm sự, mắt nhìn về xa xăm.
Giờ bà Mao sống trong một thế giới đầy nỗi niềm. Bà sợ, chồng bà già rồi, không biết có cơ hội trở về với gia đình.
Bà sợ nếu mình có mệnh hệ nào, không ai đóng tiền nộp phạt thi hành án, con không được giảm án. Nếu được tha về nó có bị kỳ thị như cha nó, rồi tương lai lại tối tăm, mù mịt...
Phá thai - bi kịch không của riêng người trẻ
Việt Nam lọt vào danh sách top 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước đứng đầu châu Á ... |
Bi kịch cuộc đời của thiên tài âm nhạc bị lịch sử lãng quên
Khả năng thiên bẩm, trí tuệ siêu phàm không phải lúc nào cũng đi liền với một tương lai tươi sáng. Với thần đồng âm ... |
http://nld.com.vn/ky-su-phap-dinh/bi-kich-noi-tiep-o-1-gia-dinh-tai-vinh-long-20171027143234212.htm