Bi kịch của người mẹ trẻ ở Sài Gòn sau 9 tháng bị bắt

Trúc bị bắt giam vì làm bạn ngã tử vong, đã được thả nhưng đứng trước cảnh tan nát gia đình và không được nuôi 2 con nhỏ.

Công an huyện Củ Chi (TP HCM) mới ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Thạch Thị Bé Trúc (24 tuổi, dân tộc Kh’mer) về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Động thái này được đưa ra sau khi nhà chức trách đánh giá hành vi của Trúc không còn nguy hiểm cho xã hội. Ngoài ra, gia đình Ngọc (nạn nhân) cũng có đơn bãi nại cho bị cáo, do ông Hoài (người liên quan) đã bồi thường gần 300 triệu đồng.

"Thực sự thiếu công bằng với tôi. Dù chính thức thoát vòng tố tụng nhưng tôi vẫn sống trong sự xa lánh, dị nghị của hàng xóm, bạn bè và cả người thân", Trúc nói bằng giọng buồn rượi. Cuộc hôn nhân giữa cô và người chồng hơn 9 năm qua sắp đổ vỡ.

Cho rằng mình không phạm lỗi trong vụ va chạm xe khiến cô bạn tử vong, Trúc quyết định kêu oan.

bi kich cua nguoi me tre o sai gon sau 9 thang bi bat

Trúc lần đầu gặp lại con sau khi được tại ngoại hồi cuối năm 2017. Ảnh: Trần Duy.

Đêm định mệnh

Theo nội dung vụ án, khoảng 22h ngày 27/3/2015, Trúc chạy xe máy chở bạn là Ngọc đi trên đường nông thôn tại xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi). Đến ngã tư, khi băng qua đường Trần Văn Chẩm, xe của Trúc va chạm với ôtô do ông Hoài điều khiển, khiến Ngọc tử vong.

Cơ quan điều tra xác định Trúc là người gây ra lỗi chính trong tai nạn. Cô không có giấy phép lái xe, lưu thông từ đường nhánh ra đường chính không nhường quyền ưu tiên cho ôtô đang đi trên đường. Còn ông Hoài dù không làm chủ tay lái nhưng chỉ là lỗi phụ.

Tháng 8/2015, Công an huyện Củ Chi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trúc. Cuối tháng 3/2016, cô bị bắt tạm giam dù đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Hai tháng sau, TAND huyện Củ Chi xử sơ thẩm lần một, nhưng tuyên trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra lấy lời khai nhân chứng, giám định tốc độ lưu thông của ôtô, xác minh lời khai của Trúc, rằng: "Khi xảy ra tai nạn có rất đông người dân ra xem, đưa tôi và nạn nhân đi cấp cứu, nhưng người ngồi trong ôtô không mở cửa xe khiến người dân phải đập cửa" và "tài xế là người khác chứ không phải ông Hoài".

Cuối tháng 9/2016, tòa sơ thẩm lại trả hồ sơ, tiếp tục yêu cầu giám định tốc độ lưu thông của ôtô và xem xét hành vi của ông Hoài có vi phạm hình sự hay không. Bởi trước đó cơ quan điều tra xác định lỗi phụ của ông Hoài đã vi phạm khoản 23 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ.

Trong quyết định trả hồ sơ lần 3 hồi cuối tháng 3/2016, tòa sơ thẩm yêu cầu giám định tốc độ ôtô, xác định tốc độ được phép lưu thông đối với ôtô ở đoạn đường xảy ra tai nạn, làm rõ điểm va chạm giữa hai xe. Ngoài ra, tòa còn đề nghị làm rõ người lái ôtô va chạm với xe Trúc có hay không phải là ông Hoài; vì sao cảnh sát không đo nồng độ cồn trong máu của tài xế...

Cơ quan điều tra sau đó xác định ông Hoài là người điều khiển ôtô nhưng không đủ cơ sở giám định tốc độ xe vì không để lại vết phanh trên mặt đường. Giải thích lý do không đo nồng độ cồn trong máu của tài xế, cảnh sát cho rằng khi đến hiện trường chỉ còn 2 xe liên quan mà không thấy ông Hoài hay nạn nhân.

Từng tự tử vì nhớ con

"Hơn 9 tháng tôi bị tạm giam, không người nào trong gia đình chồng, kể cả chồng, đến thăm. Tôi muốn gặp con họ cũng không chấp nhận. Nhớ các con tôi chỉ biết khóc. Quá tuyệt vọng, tôi 3 lần đập đầu vào tường để tìm cái chết nhưng không được", Trúc kể, giọng nghẹn ngào.

Ngừng một lúc, cô cho biết, hiện hai con ở nhà nội, mỗi tháng chỉ được gặp mẹ một lần. "Tôi đang làm thủ tục ly hôn và xin được nuôi hai bé. Nhưng nếu nhà chồng cương quyết giành con thì tôi sẽ giao cả hai đứa cho họ. Tôi không muốn anh em chúng nó mỗi người một nơi, lớn lên như người lạ", Trúc khóc.

bi kich cua nguoi me tre o sai gon sau 9 thang bi bat

Trúc và các luật sư. Ảnh: Cộng tác viên.

Về lý do làm đơn khiếu nại Công an huyện Củ Chi, Trúc nói: "Tôi rất đau lòng khi con bị bạn bè trêu chọc \'mẹ mày đi tù\' nên muốn minh oan cho mình cũng như không để ảnh hưởng đến người thân. Còn nếu bản thân thật sự có tội, tôi đi tù bao nhiêu năm cũng không sợ".

Hiện, cô theo học lớp làm tóc, mong muốn có thu nhập ổn định để nuôi hai con và cả con của Ngọc.

Là một trong 3 luật sư bảo vệ miễn phí cho Trúc, ông Trịnh Kim Ron Tha (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết đã làm đơn khiếu nại quyết định và bản kết luận điều tra của Công an huyện Củ Chi, đồng thời hướng dẫn Trúc thực hiện thủ tục ly hôn với chồng.

Theo luật sư, trong quyết định đình chỉ điều tra bị can, cơ quan điều tra áp dụng điểm a khoản 2 Điều 29 BLTTHS 2015 là không phù hợp. Bởi theo điều khoản này, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự vì khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì sẽ không được xin lỗi, bồi thường theo luật định.

Thay vào đó, luật sư Tha cho rằng, cơ quan điều tra cần áp dụng lý do "quá thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm" theo điểm b khoản 1 Điều 230 BLTTHS 2015 hoặc "hành vi không cấu thành tội phạm" theo khoản 2 Điều 157 BLTTHS 2015 mới phù hợp.

"Trúc bị bắt tạm giam khi vừa mới sảy thai đồng thời đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Ngoài ra, việc cơ quan điều tra lấy lời khai mà không yêu cầu luật sư hỗ trợ tư pháp trong khi Trúc là người dân tộc, học vấn kém lại có hoàn cảnh khó khăn là vi phạm nghiêm trọng tố tụng", luật sư Tha nói.

Kỳ Hoa

bi kich cua nguoi me tre o sai gon sau 9 thang bi bat Những bà mẹ Do Thái dạy con thành thiên tài bằng cách nào?

Người Do Thái là dân tộc vĩ đại. Sự kiệt xuất của những con người nhỏ bé ấy không phải là thứ ngẫu nhiên. Phương ...

bi kich cua nguoi me tre o sai gon sau 9 thang bi bat Khởi tố, bắt giam nam thanh niên đâm cha ruột bạn gái tử vong

Trong lúc giằng co, Phong đã dùng dao đâm cha ruột của bạn gái cũ gây thương tích nặng dẫn đến tử vong.

/ https://vnexpress.net