Bí ẩn giai thoại \'ngôi mộ chôn đứng\' của Tổng đốc khét tiếng Nam bộ

Đi dọc theo bờ sông một đoạn, chúng tôi rẽ trái hướng về nghĩa trang  nằm trong phạm vi đất thánh của nhà thờ thị trấn Cái Bè (Tiền Giang). Lọt thỏm trong khu dân cư nhưng nghĩa trang buồn và hiu quạnh. Bên trong, những ngôi mộ xếp thành hàng dài đầy rêu phong và hương tàn khói lạnh...

Ngôi mộ chôn đứng

Ở giữa những hàng mộ thẳng tắp đó, còn một bãi đất trống có 4 ngôi mộ được chôn liền kề. Hai mộ nằm sát nhau trên nền đất cao có rào sắt xung quanh. Tiếp đến, một ngôi mộ được xây dựng kiên cố có tấm bia bằng đá cẩm thạch. Duy chỉ có ngôi mộ còn lại chôn một cách khác thường, chôn đứng.

Những người dân ở thị trấn Cái Bè kể, theo lời ông bà truyền lại, ở miền Tây sông nước có 2 ngôi mộ chôn đứng. Ngôi mộ thứ nhất của một người con bất hiếu bị "trời trồng" giữa cánh đồng thuộc xã Khánh Hậu, tỉnh Long An.

bi an giai thoai ngoi mo chon dung cua tong doc khet tieng nam bo

Mộ đứng của Trần Bá Lộc.

Ngôi mộ thứ 2 được chôn đứng theo lời trăng trối của người chết "chôn đứng để chống mắt nhìn đời" đang sừng sững trước mắt chúng tôi - ngay trong nghĩa trang này. Đó là mộ ông Trần Bá Lộc.

Sự thật về giai thoại này chưa được làm rõ chỉ có điều bia miệng về sự gian ác của Trần Bá Lộc để lại đến nay vẫn chưa hề mai một.

Trần Bá Lộc mất năm 1899. Thi hài người chết được quàn đúng 100 ngày để hàng ngày có người đến viếng, được đãi tiệc heo bò rôm rả. Lúc động quan có lính bồng súng dàn chào đưa tới huyệt.

Người dân Cái Bè không mặn mà với đám tang này bởi khi còn sống Trần Bá Lộc là tay sai cho Pháp và có quá nhiều tội ác với dân mình.

bi an giai thoai ngoi mo chon dung cua tong doc khet tieng nam bo

Tấm bia chính ở mặt trước ngôi mộ.

Trải qua hàng trăm năm, những ngôi mộ trong nghĩa trang này trong đó đều là những người thuộc dòng tộc của Trần Bá Lộc vẫn còn nguyên vẹn. Đôi mộ trong hàng rào là của vợ chồng ông Trần Bá Phước - thân sinh thân mẫu của Trần Bá Lộc.

Ngôi mộ nằm kế cận là của Trần Bá Thọ, con trai ông. Nhiều người dân xung quanh kể lại, hiện dòng họ tại Việt Nam không còn ai. Có năm vào dịp Tết, có người ở tận Mỹ Tho về thuê người quét dọn. Vì thế, mộ thì còn đó nhưng người dân không ai màng tới bởi những gì mà họ đã gây ra cho người dân nơi này mãi mãi không thể nào quên được.

Mộ Trần Bá Lộc chôn theo hình tháp. Bốn phía có 4 tấm bia đá ghi bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Trên tấm bia chính có dòng chữ: "Emmanuel Trần Bá Lộc, Tổng đốc Thuận Khánh, membre du Conseil Superieur de l\'Indochine, Commandeur de la Legion d\'Honneur. Sinh ở cù lao Giêng, tháng 2 năm 1839, mất ở Cái Bè, ngày 20 tháng 10, 1899".

Ở các tấm bia khác có ghi các chiến dịch ông đã tham gia như Mỹ Tho, Tháp Mười, Vĩnh Long, Cambodge, Sa Đéc, Cần Lố, Rạch Giá, Cai Lậy... Qua các chiến dịch này, Trần Bá Lộc tham gia hầu hết các cuộc đàn áp nghĩa binh ở miền Nam.

Ngoài ra, trên bia còn ghi các chức vụ ông đã trải qua trong đó có cao nhất là Tổng Đốc Thuận Khánh và các huy chương mà Pháp đã trao tặng ông mà nổi bậc nhất là Chevalier de la Legion d\'Honneur (Bắc đẩu bội tinh).

Trần Bá Lộc - công và tội

Những năm đầu khi Pháp chiếm đóng miền Nam, phong trào Cần Vương nổi lên khắp nơi. Một trong những người theo chân giặc Pháp tàn sát dân tộc mình không ai khác hơn là Trần Bá Lộc.

Trần Bá Lộc (1839-1899) sinh tại Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới, An Giang) trong gia đình công giáo. Năm 1859, thời điểm Pháp tấn công Sài Gòn, ông tròn 20 tuổi. Hàng ngày ông chèo ghe từ cù lao Giêng đến Mỹ Tho bán cá cho Pháp.

Trong khoảng thời gian này, ông kết thân với giáo sĩ Marc rồi 2 năm sau ông chính thức làm việc cho Pháp với chức vụ cai mã tà đóng tại Chợ Gạo (Mỹ Tho).

Cuộc đời làm tay sai cho Pháp của Trần Bá Lộc hanh thông. Tháng 7/1865, ông được cử làm Tri huyện Kiến Phong và quận Cái Bè thuộc tỉnh Mỹ Tho. Nhờ đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ, Trần Bá Lộc được thăng các chức: Tri phủ (1867), Đốc phủ sứ (1868), Thuận Khánh tổng đốc (24/7/1886).

Trong Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim biên soạn năm 1919 có đoạn: "Trong khi thống đốc Paul Bert xếp đặt mọi việc ở Bắc Kỳ, thì ở Trung Kỳ quân Cần Vương ở các tỉnh vẫn đánh phá. Quân Pháp phải tìm cách mà đánh dẹp cho yên.

Ở mạn Bình Thuận, Phú Yên thì thiếu tá De Lorme và viên công sứ Aymonier cùng với Trần Bá Lộc đem lính Tây và lính ở Nam Kỳ ra đánh dẹp. Trần Bá Lộc dùng cách dữ dội, chém giết rất nhiều bởi vậy đất Bình Thuận không bao lâu mà yên.

Sau đó, Trần Bá Lộc đem quân ra dẹp đảng Văn Thân ở Phú Yên và Bình Định, bắt được cử nhân Mai Xuân Thưởng, Bùi Điền, Nguyễn Đức Nhuận đem chém.

Từ tháng 6 năm Bính Tuất (1886) đến tháng 6 năm Đinh Hợi (1887), thì những tỉnh ở phía Nam đất Kinh kỳ đã dẹp yên".

bi an giai thoai ngoi mo chon dung cua tong doc khet tieng nam bo

Trần Bá Lộc (ảnh tư liệu).

Ông Durrwell, một quan chức người Pháp, nhận xét về Trần Bá Lộc như sau: "Lộc đàn áp dã man các cuộc khởi nghĩa, và thẳng tay dùng bạo lực để dẹp các cuộc bạo động.

Dưới con mắt của người Pháp, Lộc là một trong những viên chức Việt Nam ra hợp tác đáng tín nhiệm nhất và là một thí dụ điển hình để những người Việt khác noi gương!".

Những năm cuối đời, Trần Bá Lộc mở thêm mấy con đường ở Cái Bè, đào 103 km kênh trong đó có con kênh dài 47 km nay trở thành ranh giới Vĩnh Long - Sa Đéc và nghiễm nhiêm mang tên kênh Tổng đốc Lộc (nay là kênh Dương Văn Dương).

Người Pháp đã thưởng công cấp cho ông 1.000 ha đất ở cù lao Năm Thôn và cù lao Rồng. Ông cũng đã tự khẩn hoang thêm được 750 ha đất và trở thành điền chủ lớn nhất của tỉnh Mỹ Tho.

bi an giai thoai ngoi mo chon dung cua tong doc khet tieng nam bo

Dãy mộ ở giữa nghĩa trang theo thứ tự mộ Trần Bá Lộc, mộ Trần Bá Thọ và vợ chồng Trần Bá Phước (trong hàng rào sắt).

Bên cạnh những tội ác mà Trần Bá Lộc đã gây ra cho người dân Việt Nam, công việc đào kênh và hệ thống kênh đào do ông tạo dựng đã đem lại lợi ích to lớn cho cả vùng Đồng Tháp Mười.

Cũng chính nhờ vào hệ thống kênh đào này gồm con kênh chính giúp cho thuận lợi trong giao thương, 10 con kênh phụ dẫn nước tưới tiêu, xả phèn đã khiến cho người Pháp thay đổi quan điểm với Đồng Tháp Mười.

Từ đó, kênh được tiếp tục đào đem nhiều nguồn lợi đến cho bà con trong vùng.

(http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/bi-an-giai-thoai-ngoi-mo-chon-dung-cua-tong-doc-khet-tieng-nam-bo-395068.html)

Báo VietNamNet