Bầu Đức và thế khó của hai ông thầy bóng đá xứ kim chi

Công việc của HLV Park Hang-seo ở đội tuyển Việt Nam có lẽ sẽ đỡ áp lực hơn, nếu GĐKT của HAGL lại không phải là một người Hàn Quốc khác.

Tháng 3/2016, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ký hợp đồng với HLV Nguyễn Hữu Thắng sau khi chia tay ông Toshiya Miura. Giới trong cuộc biết để đi đến quyết định cuối cùng, HLV Hữu Thắng đã tham khảo ý kiến của khá nhiều người.

Tuy nhiên, cuộc gặp quan trọng nhất đưa cựu trung vệ xứ Nghệ lên chiếc ghế do ông Toshiya Miura để lại, là với bầu Đức, tại đâu đó như Pleiku. Ông Miura bị “trảm” sau rất nhiều áp lực do việc không sử dụng hay nói theo cách khác là không phát huy được năng lực của các cầu thủ HAGL.

Những câu chuyện đã xảy ra

bau duc va the kho cua hai ong thay bong da xu kim chi
Ông Park Hang-seo trở thành huấn luyện viên ngoại của ĐT Việt Nam sau Toshiya Miura. Ảnh: Minh Chiến.

Gương mặt “hot” nhất của HAGL thời điểm trên là Công Phượng thì dưới tay ông Miura, chưa bao giờ chắc suất ở đội tuyển Việt Nam. U23 là một câu chuyện khác khi ông thầy người Nhật Bản đặc biệt trọng dụng Công Phượng, và có trao thêm cơ hội cho Tuấn Anh hay Văn Toàn.

Triết lý về lối chơi có lẽ là một vấn đề, nhưng quan trọng hơn như chia sẻ của ông Miura sau vài vòng đầu tiên của V.League 2015, các cầu thủ trẻ HAGL có tiềm năng, nhưng cần thời gian để trưởng thành. Và người ta thấy rằng điều này có vẻ đúng khi tới thời điểm hiện tại, những Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Toàn và phần nào đấy là Công Phượng, Đông Triều đã ít nhiều khẳng định được giá trị bản thân, một số có vị trí tốt ở ĐTQG.

Tuy nhiên đây là câu chuyện của 2 năm về sau, còn tại thời điểm năm 2015 bước qua 2016, ông Miura đã phải ra đi. Thoả lòng bầu Đức cũng như một bộ phận đông đảo CĐV.

Sự thay đổi rõ nét dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng, là quân số HAGL được trọng dụng ở một loạt đội tuyển, từ cấp độ ĐTQG tới các đội U23, U22. SEA Games 29, nếu tính cả Xuân Trường đang khoác áo CLB Gangwon, bầu Đức có tới 7 đứa “con cưng” ở đội tuyển U22, gồm: Văn Thanh, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Hồng Duy, Văn Toàn và Công Phượng. Bốn trong số này thường xuyên chiếm vị trí chính thức ở đội tuyển U22 Việt Nam.

HLV Nguyễn Hữu Thắng có quyền lựa chọn quân theo yêu cầu chuyên môn theo đuổi, nhưng ở chiều ngược lại, công chúng cũng có quyền đặt ra những nghi ngờ. Tuấn Anh được triệu tập vào đội tuyển U22 Việt Nam khi vừa lành chấn thương, nghỉ thi đấu suốt từ AFF Cup 2016 đến cận thời điểm SEA Games 29 chuẩn bị khởi tranh. Đông Triều hay Hồng Duy không thực sự nổi trội so với cầu thủ nhiều CLB khác cùng vị trí. Thực tế là cả ba cầu thủ này đều không phát huy được hiệu quả tại SEA Games 29, trong khi tuyến giữa U22 Việt Nam bộc lộ rõ điểm yếu về sức mạnh. Đấy là ông Thắng đã kịp bổ sung thêm Duy Mạnh (CLB Hà Nội) cho một vị trí ở hàng tiền vệ.

HLV Hữu Thắng lên thay ông Miura do áp lực (phần không nhỏ từ truyền thông và công chúng) liên quan đến cầu thủ của HAGL, đó là thực tế ít ai dám phủ nhận.

Đến chuyện nay

bau duc va the kho cua hai ong thay bong da xu kim chi
Huấn luyện viên người Hàn Quốc trong buổi ta mắt tại VFF. Ảnh: Minh Chiến.

Cho tới khi HLV Park Hang-seo đặt chân tới Việt Nam, người ta mới biết ông có cùng một điểm nối với tiền vệ Lương Xuân Trường ở Hàn Quốc, đó là người đại diện Lee Dong-jun. Có người đại diện là một xu hướng hiện đại và chuyên nghiệp trong bóng đá, nhưng trong trường hợp này có vẻ như lại không tốt đối với cả ông Park Hang-seo cũng như bầu Đức.

Ông Đức là người cùng tham gia đàm phán với cựu trợ lý của ông Guus Hiddink tại thủ đô Seoul để rồi không lâu sau đó, HAGL đưa thêm “cánh tay” còn lại của nhà cầm quân người Hà Lan về phố núi, ông Chung Hae-Seong. Đã có những ý kiến so sánh về chuyên môn hai nhà cầm quân người Hàn Quốc, với mặc định rằng “có vẻ như” HLV trưởng HAGL giỏi hơn HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.

Nếu có chuyện này, thì bầu Đức chắc chắn cũng không có lỗi. “Lái trưởng” của MU hiện nay, Jose Mourinho, ắt là danh tiếng lừng lẫy hơn nhiều so với đương kim HLV trưởng đội tuyển Anh. Nếu biết rằng bầu Đức đã sẵn lòng hỗ trợ VFF trả lương cho HLV ngoại, thì việc HAGL sở hữu một HLV tốt hơn tuyển Việt Nam là chuyện không khó hiểu.

Tuy nhiên, lần thứ 2, “có vẻ như” bầu Đức lại đang là điểm nối giữa 2 ông thầy người Hàn Quốc. Đây mới là mấu chốt dẫn tới những nghi ngờ của công chúng như đang diễn ra vừa qua, chứ việc hai ông thầy Hàn Quốc “chơi” với nhau ra sao không phải vấn đề.

Câu chuyện có lẽ sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu bầu Đức không phải đang là Phó chủ tịch VFF, trực tiếp tham gia vào việc đàm phán với HLV Park Hang-seo. Không phải ngẫu nhiên, HAGL mới đây đã phải lên tiếng thanh minh việc mời HLV Chung Hae-Seong về tiếp quản chiếc ghế GĐKT, với khẳng định quyết định này không nhằm kiếm ảnh hưởng có lợi đối với cầu thủ HAGL được gọi lên tuyển.

Sự khác biệt giữa thầy nội và thầy ngoại

bau duc va the kho cua hai ong thay bong da xu kim chi
Mức lương và sự độ hiệu quả, thành tích của các HLV ngoại tuyển Việt Nam từ 2005 đến nay. Đồ họa: Phượng Nguyễn

Có một câu chuyện khác mới xảy ra, rất nên được nhắc lại. Trong lần tập trung của đội tuyển Việt Nam hồi cuối tháng 8/2017, HLV Mai Đức Chung đã bị phản ứng rất mạnh khi gọi tiền đạo Mạc Hồng Quân (CLB Quảng Ninh). Lý do bên ngoài là chân sút Việt kiều này sa sút phong độ, không thường xuyên được ra sân ở đội bóng đất mỏ. Tuy nhiên giới trong cuộc biết một lý do khác, đó là mối quan hệ giữa ông Chung với Hồng Quân. Để Mạc Hồng Quân về Việt Nam thi đấu, HLV Mai Đức Chung có vai trò tương đối quan trọng.

Khi còn đương chức, HLV Nguyễn Hữu Thắng từng trải qua những nghi ngờ tương tự. Đầu tiên là việc triệu tập quá nhiều cầu thủ đồng hương lên tuyển Việt Nam, và sau đó là cầu thủ HAGL. Có một giả thiết đặt ra là nếu không phải Hữu Thắng, ông Mai Đức Chung triệu tập cầu thủ Nghệ An lên tuyển, ắt sẽ chẳng ai đánh giá gì, ngoài vấn đề chuyên môn.

Ở đội tuyển Việt Nam vừa qua, HLV Mai Đức Chung đã triệu tập 5 cầu thủ gốc Nghệ: Trọng Hoàng, Ngô Hoàng Thịnh, Công Phượng, Quế Ngọc Hải và Âu Văn Hoàn. Nếu ở thời điểm của HLV Hữu Thắng có lẽ sẽ phải là 7 hoặc có thể hơn (Công Vinh chưa giải nghệ, Nguyên Mạnh không gặp sự cố). Quân số HAGL cũng có tới 4 cầu thủ, dù Tuấn Anh bị chấn thương không được triệu tập.

HLV Mai Đức Chung may mắn khi Mạc Hồng Quân ghi bàn trên sân Mỹ Đình, nhưng Hữu Thắng thì không được như vậy. Ông Thắng là người Nghệ An, và ông Thắng lên nắm tuyển do áp lực liên quan tới HAGL. Đó là sự mặc định của công chúng khi đánh giá về những vấn đề ở đội tuyển Việt Nam.

Một ông thầy ngoại, ắt có thể tránh được sức ép đối với cả HLV Mai Đức Chung lẫn Nguyễn Hữu Thắng ở trên. Ông Toshiya Miura khi bị nghi ngờ “ghét” cầu thủ HAGL đã phân trần rằng, ông từ Nhật Bản sang và không thấy có lý do gì để dẫn tới điều đó. Ông Miura đơn giản cần những cầu thủ giỏi nhất cho thành tích chuyên môn của đội tuyển Việt Nam và cả chiếc ghế của ông. HLV Park Hang-seo chắc chắn cũng sẽ như thế, cho tới khi đồng nghiệp đồng hương tới HAGL.

Một quan chức VFF hôm qua đã bộc bạch: “HLV nước ngoài chuyên nghiệp, và bóng đá của Hàn Quốc cũng đã lên chuyên nghiệp từ rất lâu. Chúng tôi nghĩ rằng ông Park Hang-seo hay bất kỳ HLV nào trên thế giới, điều đầu tiên họ nghĩ tới là trách nhiệm gắn liền với danh tiếng của mình ở vị trí đang đảm nhiệm”.

Đây có lẽ là kịch bản tốt nhất cho bóng đá Việt Nam. Ông Chung Hae-Seong sẽ làm những gì tốt nhất cho HAGL để xứng với từng đồng lương được nhận, và ông Park Hang-seo cũng có quyền làm những gì cảm thấy tốt nhất cho đội tuyển Việt Nam, cũng như cho chính ông.

bau duc va the kho cua hai ong thay bong da xu kim chi HLV Park Hang-seo được VFF bổ nhiệm như thế nào?

Từ một HLV đội bóng đang đứng nhóm cuối giải hạng ba Hàn Quốc, HLV Park Hang-seo được bổ nhiệm vị trí HLV trưởng ĐTVN ...

bau duc va the kho cua hai ong thay bong da xu kim chi HLV Park Hang-seo nhận lương bằng 1/3 Kiatisak

Thống kê cho thấy mức lương của tân HLV trưởng tuyển Việt Nam Park Hang-seo chỉ bằng khoảng 1/3 so với người đồng nghiệp Kiatisak ...

https://news.zing.vn/bau-duc-va-the-kho-cua-hai-ong-thay-bong-da-xu-kim-chi-post787080.html

/ Tô Dung / Zing