Nguồn tin từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất xác nhận ngày 31-3, thi thể cơ trưởng Đài Loan đột tử khi chuẩn bị khởi hành chuyến bay AE1858 của hãng hàng không Mandarin (Đài Loan) được người thân đưa về nước.
Cơ trưởng xấu số ra đi vì nhồi máu cơ tim ở tuổi 35, ngay tại thời điểm là lái chính của một chuyến bay vừa rút chèn chờ xin lệnh lăn bánh ra đường băng để cất cánh. Bằng lái và giấy khám sức khỏe của phi công này vẫn còn thời hạn hiệu lực theo quy định của ngành hàng không.
Trong lịch sử hàng không dân dụng Việt Nam, chưa từng xảy ra trường hợp phi công đột tử khi làm nhiệm vụ (đi bay) và cũng rất ít trường hợp gặp sự cố về sức khỏe như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim. Tình huống gay cấn nhất một hãng hàng không Việt Nam từng gặp phải là chuyến bay từ nước ngoài về, khi còn cách điểm hạ cánh khoảng nửa giờ bay thì cơ trưởng đột quỵ vì tăng huyết áp. Khi đó, lái phụ đã điều khiển máy bay, làm đúng quy trình hạ cánh tự động và chuyến bay đã tiếp đất an toàn.
Cách đây khoảng 6 năm, tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng tiếp nhận một tình huống máy bay của một hãng hàng không nước ngoài xin hạ cánh khẩn cấp vì cơ trưởng đột quỵ. Đó là một chuyến bay quá cảnh qua vùng quản lý bay của Việt Nam, trong thời điểm xảy ra sự cố thì Tân Sơn Nhất là sân bay gần nhất. Lái phụ của chuyến bay đó đã cho máy bay hạ cánh an toàn.
Người phụ trách công tác an toàn của Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Theo quy định của ngành hàng không quốc tế, phi công phải định kỳ khám sức khỏe 1 năm/lần đối với người dưới 40 tuổi và 6 tháng/lần đối với người trên 40 tuổi. Nếu đạt tiêu chuẩn sức khỏe loại 1 mới được bay. Các cơ sở được phép làm dịch vụ khám sức khỏe phi công phải do nhà chức trách hàng không phê chuẩn. Việt Nam có 2 cơ sở được phê chuẩn khám sức khỏe phi công là Trung tâm Y tế hàng không (thuộc Cục Hàng không Việt Nam) và Viện Y học Hàng không (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân).
Tuy nhiên, thực tế, một phi công có tiêu chuẩn sức khỏe loại 1, đủ điều kiện công tác, giấy khám sức khỏe còn hiệu lực nhưng vẫn có thể bị đột quỵ, thậm chí tử vong trong quá trình điều khiển máy bay. Tình huống này đã xảy ra ở một số hãng hàng không trên thế giới.
Do đó, trong công tác huấn luyện, đào tạo người lái trên toàn thế giới đã bắt buộc mỗi phi công đều phải trải qua bài huấn luyện với tình huống bản thân mình bất ngờ gặp vấn đề về sức khỏe khi đang lái máy bay và phải tự xử lý theo quy trình để vượt qua thời khắc đó, bảo đảm an toàn cho cả chuyến bay. Tình huống đặt ra đối với cả tổ lái 1 người và 2 người.
Trong trường hợp tổ lái chỉ có 1 phi công, bản thân phi công đó khi thấy sức khỏe có vấn đề phải chuyển sang chế độ lái tự động, thông báo ngay cho tiếp viên. Tiếp viên sẽ đọc loa phát thanh thông báo cho hành khách, tìm kiếm sự trợ giúp và hỏi xem trong số khách bay có ai là phi công hay không...
Nếu tình huống xảy ra ở mặt đất sẽ dễ dàng xử lý hơn. Cùng với việc yêu cầu hỗ trợ y tế, hãng hàng không phải có ngay phương án hỗ trợ cho hành khách trong thời điểm chuyến bay bị chậm giờ, đồng thời bố trí người lái thay thế để chuyến bay có thể được khai thác sớm nhất.
Phi công đột tử, ai "cứu" máy bay?
Nhiều trường hợp phi công đột tử trong khi máy bay đang trên hành trình hoặc lúc máy bay cất và hạ cánh vì một ... |
Phi công đột tử, quy trình xử lý trên không, dưới đất thế nào?
Trong quá trình huấn luyện, mỗi phi công đều phải trải qua bài huấn luyện với tình huống bản thân mình bất ngờ gặp vấn ... |
Vợ như hóa điên khi chồng cặp với người đàn bà hơn cả chục tuổi
Những khi nghĩ đến cảnh chồng cặp kè với người đàn bà hơn mình cả chục tuổi, Hoa khóc nức nở thương con, thương bản ... |
Tô Hà