"Ở Thái Lan, họ liên kết nên chấn chỉnh được tour 0 đồng còn chúng ta thì vừa yếu vừa rời rạc" - ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, nói như thế trong hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp du lịch mới đây.
Nhận xét của người đứng đầu Tỉnh ủy Khánh Hòa xuất phát từ thời sự "nóng" đang diễn ra tại TP Nha Trang. Đó là nhiều công ty lữ hành trong nước đưa khách đoàn đến TP Nha Trang phải hủy tour liên tục vì rất khó, thậm chí không thể kiếm ra phòng nghỉ, do các tour lữ hành Trung Quốc (TQ) đã đặt kín.
Lâu nay, không chỉ Nha Trang mà tất cả điểm du lịch khác đều mất rất nhiều công sức, chi phí để tiếp thị, quảng bá nhằm lôi kéo du khách. Cho nên, nghịch lý là ở chỗ TP Nha Trang đang được lấp đầy du khách một cách ngoạn mục nhưng ngành du lịch của TP này lại "sốc" nặng. "Sốc" là bởi công suất phòng đạt cao nhưng giá phòng lại giảm mạnh. Cụ thể như phòng khách sạn 5 sao, giá của năm 2013 là từ 220 USD thì đến năm 2017 chỉ còn 110 USD; giá phòng khách sạn 4 sao từ 75 USD xuống còn 55 USD...
Giá đi xuống thì chất lượng chắc chắn đi xuống. Chưa kể du khách từ TQ đến quá nhiều, trong khi thị trường truyền thống lại mất nghiêm trọng. Nếu không có giải pháp thì nguy cơ mất hẳn. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Khánh Hòa lo ngại là các tour này đang gây ảnh hưởng đến uy tín ngành du lịch. Doanh thu thực tế địa phương cũng không được hưởng vì tour khép kín.
Chuyện đang xảy ra ở TP Nha Trang gợi lại cảnh một thời ở "vương quốc resort" Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), do thời điểm đó các doanh nghiệp kinh doanh phòng nghỉ chưa có nhiều kinh nghiệm nên chạy theo việc bán sỉ phòng nghỉ cho các doanh nghiệp phục vụ du khách Nga. Chỉ yên ổn "chắc ăn" được một thời gian thì rơi vào cảnh điêu đứng vì số lượng du khách đến từ Nga đột ngột giảm mạnh. Các doanh nghiệp kinh doanh phòng nghỉ và cả ngành du lịch tỉnh Bình Thuận phải mất rất nhiều công sức lẫn chi phí mới phục hồi được sự thăng bằng như bây giờ.
Bài học từ Phan Thiết vẫn còn mới nguyên. Mà không chỉ Phan Thiết, hầu hết các điểm du lịch không ít thì nhiều đều có trải qua những cơn "sốc" như thế mà đơn giản chỉ bởi không thể có một luồng du khách nào suốt đời chỉ trung thành với một điểm đến. Người ta đi du lịch là để thưởng thức các kiểu đúng nghĩa. Muốn thưởng thức mà cứ ăn một kiểu, ngủ một cảnh mãi thì cũng đến lúc phải chán. Đấy là chưa nói đến muốn đi nhiều thì phải nghĩ ra cách để tiết giảm chi phí, chưa nói đến những điều sâu xa hơn đang biến tướng thông qua những tour giá rẻ, tour 0 đồng mà các chuyên gia về kinh tế du lịch đã cảnh báo.
Nhưng nói gì thì nói, không thể trách các doanh nghiệp kinh doanh phòng nghỉ khi nhắm vào những lợi ích trước mắt hơn là lợi ích lâu dài. Vấn đề là cần sự liên kết lợi ích làm sao để "cá lớn", "cá bé" cùng tồn tại được. Mà việc này thì không thể trông chờ vào hành động tự phát của doanh nghiệp, cũng không chờ đến phép thần thông nào cả mà phải từ chính sách của ngành du lịch và những quy định của chính từng địa phương.
Khách sạn 4 sao bán chui căn hộ
Hàng loạt khách hàng mua căn hộ du lịch kêu cứu khi khách sạn Bavico Nha Trang bị "xiết nợ" còn tổng giám đốc bị ... |
Chợ đêm Đà Lạt: Nét duyên còn đâu?
Chợ đêm Đà Lạt là điểm đến được lòng du khách bởi nét duyên riêng không phải nơi đâu cũng có được. Nhưng thời gian ... |
Bài học đắt giá
Có những người trẻ chỉ nghĩ đến bản thân mà quên rằng PHẢI sống để “trả nợ” cha mẹ mình.. |
Lương Duy Cường