Hôm nay, ngày 11.10, phiên họp để giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ kiện Công ty Hòa tan Trung Nguyên giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang được Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương thụ lý giải quyết, dự kiến sẽ diễn ra.
Đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương trưng cầu giám định các chứng cứ được cho là giả mạo của Tập đoàn Trung Nguyên.
Trong một tình huống liên quan, bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ) đã kịp gửi đơn đề nghị tòa án, thẩm phán tỉnh Bình Dương trưng cầu giám định các chứng cứ được cho là giả mạo, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong vụ án tranh chấp quyền điều hành tại Công ty cổ phần cà phê Hòa tan Trung Nguyên (“Công ty Hòa tan”) mà tòa án tỉnh này đang thụ lý.
Phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ cần giải trình về nguồn gốc tài liệu
Trước đó bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã nhận được tài liệu mà TAND tỉnh Bình Dương yêu cầu cần xác minh lại có giá trị chứng cứ hay không (tài liệu do người của Tập đoàn Trung Nguyên nộp lên tòa). Nghi ngờ Tập đoàn Trung Nguyên nộp các tài liệu giả mạo, bà Thảo đã có đơn tố cáo đồng thời đề nghị trưng cầu giám định gửi Tòa vào ngày 2.10.2018. Sau đó Tòa án nhận thấy có cơ sở nên đã ra Quyết định số 32 và Văn bản số 63 để thu thập chứng cứ. Trong đơn bà Thảo tố cáo, cho rằng 2 tài liệu này đều có dấu hiệu cắt ghép, về nội dung còn thể hiện sự mâu thuẫn giữa các trang với nhau, cho thấy có dấu hiệu giả mạo.
“Chắc chắn có sự cắt dán, photo chứ không phải chữ ký của tôi trong tài liệu. Tôi chắc chắn người giao nộp các chứng cứ đã lừa dối tòa. Cụ thể, các văn bản này gồm: biên bản họp đại hội đồng cổ đông, quyết định của đại hội đồng cổ đông của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên không đề ngày, chỉ đề tháng 12.2011 do ông Nguyễn Duy Phước (là đại diện theo ủy quyền) nộp cho TAND tỉnh Bình Dương vào ngày 27.3.2018”, bà Thảo thông tin.
Các nhân viên Trung Nguyên vẫn xông vào nhà máy Công ty Hòa Tan của bà Thảo bất chấp sự ngăn cản của bảo vệ, người lao động trong nhà máy... (Ảnh: TNI cung cấp)
Trên cơ sở đó, đơn tố cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo có nói rõ: “Đây là trường hợp giả mạo chứng cứ có dấu hiệu tội phạm...”. Tuy nhiên, bà Thảo cũng khá thận trọng khi thể hiện trong đơn tố cáo này: “... trước khi quý tòa chuyển tài liệu này cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, tôi kính đề nghị quý tòa thu thập bản gốc của hai tài liệu trên và quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 102 và 103 Bộ luật Tố tụng Dân sự”.
Đáng chú ý, sau khi bà Thảo có đơn tố cáo, ông Đặng Lê Nguyên Vũ lại kí tên vào “Bản ý kiến của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” và sử dụng dấu mộc của Công ty Hòa tan để phản bác lại. Bà Thảo lại càng thêm lo lắng về năng lực hành vi dân sự của "vua cafe Việt" Đặng Lê Nguyên Vũ, vì thế bà yêu cầu TAND tỉnh Bình Dương phải lấy lời khai trực tiếp của ông để làm rõ nhiều vấn đề. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng nêu yêu cầu ông Nguyễn Duy Phước (người nộp các tài liệu bị tố cáo là giả mạo) cần phải giải trình về nguồn gốc các tài liệu.
“Tôi nhận thấy trong thời gian chồng tôi (Đặng Lê Nguyên Vũ- PV) ở trên núi suốt mấy năm trời thì nhóm thao túng tại Trung Nguyên đã lợi dụng tình hình, lập mưu tạo ra các giấy tờ giả mạo để chiếm đoạt công ty của tôi và liên tục khởi kiện, tấn công tôi suốt mấy năm qua”, bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định.
Được biết, các luật sư của Tập đoàn Trung Nguyên tham gia trong vụ kiện liên quan Công ty Hòa tan bao gồm: LS Trương Thị Hòa, LS Bùi Quang Nghiêm. Các đại diện theo ủy quyền là: LS Nguyễn Duy Phước, LS Trần Mỹ Loan.
Công nhân, người lao động tụ tập trước cổng nhà máy hồi năm 2016 ((Ảnh: TNI cung cấp)
Cướp” nhà máy như... phim hành động
Liên quan đến vụ việc, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng lần đầu tiên tiết lộ về sự việc bà cùng các nhân viên, công nhân nhà máy Công ty Hòa Tan đã bị phía Tập đoàn Trung Nguyên chiếm nhà máy, thất thủ hoàn toàn tại Bình Dương như phim hành động trong đêm ngày 13.5.2016.
Cụ thể, trong bảng tường trình gửi đến Công an Đồn Sóng Thần, Công an thị xã Dĩ An, Ban Quản lý các KCN Dapark (tỉnh Bình Dương), bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã trình bày về sự việc xâm nhập bất hợp pháp và hành vi phá hoại gây ảnh hưởng xấu và nặng nề đến tinh thần làm việc của công nhân từ ngày 11.5.2016 đến 13.5.2016 như sau: Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) đã mua chuộc lực lượng bảo vệ Thắng Lợi Toàn Cầu (theo hợp đồng số 09/2016/HĐDV ngày 22.04.2016) đang chốt chặn tại cửa chính, để mở cửa cho nhân sự TNG vào công ty Hòa Tan của tôi. Lực lượng bảo vệ Thắng Lợi Toàn Cầu đã bỏ chốt kiểm tra, rời vị trí ra về. Các chứng cứ đều được camera đính kèm. Phía TNG cho người ập vào công ty, tự động mở cửa khống chế tổ bảo vệ và chốt chặn các cổng ra vào, xưởng phía sau của Công ty. Và nhân sự TNG mở cửa chính (cửa cuốn) cho xe vào và các nhân sự có tên trong danh sách đính kèm dưới đây đã vào phòng họp công ty, mời các cấp quản lý vào phòng và đọc các giấy tờ pháp lý yêu cầu bàn giao công ty mà không có sự có mặt của tôi.
Công nhân tụ tập trước cổng nhà máy (Ảnh: TNI cung cấp)
Các nhân sự của TNG xâm nhập vào công ty tôi gồm có: ông Nguyễn Văn Đông, Võ Văn Xa, Nguyễn Duy Phước, Trần Anh Sơn, Đỗ Đình Đức, Nguyễn Thanh Tòng, Lý Khánh Huy, Trần Thế Dũng, bà Cao Thị Tường Linh và một số nhân sự trong đội an ninh không biết tên. Khi tôi nhận được các thông tin có nhóm nhân viên TNG xâm nhập công ty của tôi bất hợp pháp thì tôi có cắt cử một tổ nhân viên hành chính pháp lý để xuống làm việc và triển khai các chỉ đạo của tôi đến nhân sự TNG là sẽ chính thức chủ trì cuộc họp với đoàn TNG vào ngày thứ hai (16.05.2016) lúc 10 giờ. Tuy nhiên họ vẫn không đồng ý và vẫn tiếp tục bố trí nhân viên bảo vệ chốt tại các điểm của công ty (có camera từng vị trí) và họ sẽ tiếp tục vào công ty ngày mai để làm việc.”
Bà Thảo cũng chia sẻ, do tình hình lúc đó khẩn cấp, mất an ninh trật tự, làm công nhân hoang mang tinh thần ảnh hưởng đến việc sản xuất nên bà lập tức trình báo với các cơ quan hữu quan gần nhất ổn định tình hình. Tuy nhiên từ ngày 11.5.2016 đến 13.5.2016, nhiều nhân viên tại công ty của bà Diệp Thảo liên tục bị gây cản trở công việc, thậm chí là bị khống chế, bị đe dọa bằng vũ lực bởi nhân viên TNG.
Ông Hưng (nhân viên khối văn phòng nhà máy), nhớ lại: “Đến tầm 23 giờ ngày 13.5.2016 thì bảo vệ và an ninh TNG đã phá cửa Văn phòng nhà máy và ra lệnh tất cả mọi nhân viên trong văn phòng nhà máy phải ra khỏi công ty. Bất cứ ai tỏ ra chống cự thì bị đe dọa, dùng vũ lực uy hiếp. Đến 24 giờ thì tất cả nhân viên đang trực trong nhà máy phải ra về. Tầm 24 giờ 30 ngày 14.5.2016, phía TNG cũng áp tải 15 bảo vệ của Công ty Long Hải của nhà máy phải ra cổng, tiếp đó họ cắt hết hệ thống camera. Hành động của những người này rất manh động, như kiểu dân xã hội đen nên chúng tôi dù cố gắng giữ nhà máy nhưng đành phải ra về, bị thất thủ hoàn toàn.”
Trở lại vụ án dân sự tranh chấp quyền điều hành tại Công ty Cà phê Hòa Tan (có trụ sở tại khu A, KCN Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương), vấn đề xuất phát từ việc cuối năm 2015 ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã bất ngờ miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đối với bà và thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty Hòa Tan từ bà Thảo sang ông Vũ.
Tuy nhiên, trong quá trình Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đang thụ lý giải quyết vụ kiện thì Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương lại bất ngờ cấp giấy phép kinh doanh của Công ty Hòa Tan thay đổi người đứng đầu, đại diện pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Cà phê Việt cần làm gì để đạt chuẩn quốc tế?
Vài năm gần đây, các chuỗi cà phê mang thương hiệu ngoại ồ ạt vào Việt Nam và được đón nhận, trong khi cà phê ... |
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu thi hành án, Trung Nguyên đáp trả mạnh mẽ
Sau khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu cưỡng chế thi hành án, Tập đoàn Trung Nguyên liền khẳng định quyết định miễn nhiệm ... |
Yêu cầu thi hành án có giúp bà Lê Hoàng Diệp Thảo thật sự trở về Trung Nguyên?
Luật sư cho rằng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo hoàn toàn có quyền yêu cầu thi hành án, nhưng sau khi bản án được thực ... |
Bà Diệp Thảo ra "chỉ thị" đầu tiên khi quay về Trung Nguyên
Bà Diệp Thảo đã lên tiếng tố cáo những chây ỳ của Trung Nguyên trong việc thi hành bản án phúc thẩm và tố cáo ... |