Văn bản giả thể hiện chữ ký, con dấu được cho là của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ.
Ngày 1/11/2018, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng phát đi thông tin cảnh báo về một văn bản giả mạo với nội dung UBND thành phố phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.
Nơi gửi của văn bản giả này được gửi đến các cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND quận Cẩm Lệ, UBND quận Ngũ Hành Sơn.
Văn bản giả này còn có chữ ký, con dấu được cho là của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ.
Sau khi phát hiện văn bản, ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã cử lực lượng chủ động liên hệ với các cơ quan liên quan để xác minh thật giả.
Văn bản giả mà Sở Thông tin và Truyền thông phát đi cảnh báo người dân.
Phía Phòng Quản lý đô thị thuộc Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng khẳng định: Đây chỉ là văn bản giả mạo, không phải văn bản thật.
"Sau khi xác minh, chúng tôi khẳng định đây là văn bản giả được tung ra nhằm mục đích tạo cơn "sốt đất" trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ” - ông Thanh cho biết.
Vào đầu tháng 10/2018, một cơn sốt đất cũng diễn ra trong khoảng 2 - 3 ngày tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng khiến nhiều nhà đầu tư "cười ra nước mắt".
Trước khi cơn sốt đất diễn ra, có nhiều thông tin lan truyền về việc UBND TP. Đà Nẵng sẽ dời hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc... khiến nhiều nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vùng đất này sẽ thay đổi trong tương lai.
Ngay khi có thông tin này, giá đất trên địa bàn xã Hòa Liên bị đẩy lên chóng mặt kể từ ngày 5/10. Cụ thể đất nền, đất phân lô dọc các trục đường 5,5 m và 7,5 m từ 700 đến 800 triệu đồng/nền bị đẩy lên 1,2 tỷ đến 1,6 tỷ/lô vào ngày 8/10.
Sự ngắn ngủi bất thường của cơn sốt đất tại Hoà Liên vừa qua được nhiều chuyên gia trên thị trường bất động sản cho rằng, đây là tín hiệu “rất lạ”, khác hoàn toàn với các cơn sốt đất thời điểm trước đó.
Lý giải về nguyên nhân của thực trạng này, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản lớn tại TP Đà Nẵng cho rằng sốt đất diễn ra tại Hoà Liên trên thực tế là hoạt động "làm giá" của một nhóm đầu cơ có tổ chức, có kịch bản, có vốn lớn đã được chuẩn bị sân chơi rất kỹ.
Các nhà đầu cơ này đã âm thầm mua đất tại Hoà Liên từ thời gian trước với mức giá rẻ, sau đó lợi dụng thông tin về quy hoạch, bằng mọi cách tung ra thị trường các tin sốt nóng.
Vì vậy, giá đất đã bị đẩy cao trong thời gian ngắn, nhằm tạo hiệu ứng thị trường, khiến cho giới đầu cơ và người dân thấy được một kịch bản rằng bất động sản khu vực này đang giao dịch cực kỳ sôi động.
Thanh Hằng
Cơn sốt đất \'càn quét\' thủ đô 10 năm trước
Nhiều gia đình đổi đời nhưng cũng không ít người mất tương lai bởi những cơn sốt đất ập đến trước và sau khi Hà ... |
Qua cơn sốt đất Phú Quốc, nhà đầu tư \'ẩn mình\', đổi hướng về Hà Tiên
Sau khi huyện Phú Quốc tạm dừng phân lô, tách thửa dưới 500 m2 thì nhà đầu tư phân thành lô từ nửa công trở ... |