Ai đã tùy tiện phê duyệt thêm trạm thu phí BOT - sao không chịu trách nhiệm?

Không phải tự dưng người dân phản ứng với dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, mới thấy sự phản ứng này có nguyên nhân của nó và người dân phản ứng… đúng.

Căng băngrôn phản đối trạm thu phí BOT Bờ Dậu (ảnh: Laodong.vn).

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới gồm việc cải tạo, nâng cấp 7km trên Quốc lộ 3 cũ vào tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và đặt thêm một trạm thu phí trên nhánh Quốc lộ 3 cũ. Tuy nhiên, việc đặt thêm trạm này khiến không ít người dân phải trả một phần phí cho tuyến đường BOT mà họ không tham gia giao thông.

Cơ quan kiểm toán xác định: Việc đặt thêm trạm nhằm tăng nguồn thu, bảo đảm hoàn vốn cho dự án và cũng nhằm hạn chế phương tiện tránh đi tuyến mới rẽ sang tuyến cũ, đã tạo ra bất cập trong việc thu phí.

Tình trạng này cũng có điểm tương đồng với dự án BOT Cai Lậy, là tuyến đường cũ, được gọi là “đầu tư” nhằm lấy lí do chi phí để đặt thêm trạm, theo đó người dân lưu thông qua cả tuyến cũ và mới đều bị thu phí.

Đây là cách tính chỉ muốn được cho nhà đầu tư BOT mà không nghĩ đến sức chịu đựng của người dân. Đây cũng là một thủ thuật: “Đầu tư” gọi là nâng cấp tuyến cũ để lấy cớ đặt trạm thu phí, nhằm chặn những xe cộ lưu thông tránh tuyến mới. Trong khi về bản chất, tuyến đường mới mới là sự đầu tư chính của dự án.

Bình thường, ở hầu hết các dự án đầu tư tuyến đường mới và dựng trạm thu phí BOT giao thông, nếu dân có phàn nàn cũng chỉ ở yếu tố phí cao mà thôi. Nhưng khi dân phản ứng việc đặt trạm một cách lạm phát, vị trí bất hợp lí, thu phí cả trên tuyến đường cũ không đầu tư mấy (trong nhiều trường hợp chỉ đơn thuần là trải nhựa mới và sơn lại vạch đường)… thì vấn đề đã lộ rõ: Ai cho phép chủ đầu tư đặt trạm như vậy? Việc đầu tư nhỏ nâng cấp tuyến cũ đúng ra chỉ xem là một điều kiện phải thực hiện trong hợp đồng dự án đầu tư BOT thì lại xem như đầu tư mới và cho đặt trạm khiến cho xe cộ lưu thông qua lại chịu cảnh “1 phương tiện, 2 tròng phí”.

Kiểm toán Nhà nước đã điểm đúng huyệt: Kiến nghị Bộ GT-VT kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đối với việc đã phê duyệt đồng ý cho đặt thêm trạm thu phí trên. Thậm chí, dư luận hoàn toàn có thể nghi ngờ rằng, việc gật đầu cho phép đặt thêm trạm thu phí có thể có sự cấu kết của lợi ích quan chức và chủ đầu tư.

Cách đây chưa lâu, nhân vụ ầm ĩ tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Đặng Huy Đông đã phát biểu: “BOT chứa đựng rủi ro tham nhũng lớn nhất”. Là bởi quyết định cho đặt thêm trạm thu phí quá đơn giản, nằm trong tay một số người, nhưng lại mang lại nguồn thu rất lớn cho chủ đầu tư.

Infographic: Bóc mẽ BOT và BT loại nào rút ruột nhà nước nhiều hơn

Trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động đầu ...

Kiến nghị giảm phí hơn 62 năm tại 22 dự án BOT

Sau thời gian kiểm toán 22 dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí hơn 62 năm tại 22 ...

http://laodong.vn/dien-dan/ai-da-tuy-tien-phe-duyet-them-tram-thu-phi-bot-sao-khong-chiu-trach-nhiem-571679.ldo

/ Thế Lâm/Báo Lao động