Tạo ra sự thay đổi lớn nhưng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 lại là phép thử, đào thải lao động nhân công giá rẻ, trong đó có dệt may.
Thực tế này được các chuyên gia, và chính những ông chủ doanh nghiệp dệt may tỏ ý lo ngại khi tham dự hội thảo "Cách mạng công nghệ 4.0 tác động tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/8.
Mỗi năm xuất đi hàng trăm container đơn hàng cho đối tác, chủ yếu là châu Âu, Nhật..., song vị Giám đốc một doanh nghiệp dệt may với 5.000 lao động tại một tỉnh phía Bắc đang tỏ ra khá lúng túng trước sự "xâm lấn" của cuộc cách mạng 4.0 vào ngành này. "Tôi hình dung lao động ngành dệt may Việt Nam sẽ biến mất trong chục năm tới nếu mỗi gia đình có máy in 3D, sự xuất hiện của những chú robot khắp các công xưởng... Chính phủ có giải pháp gì để ngành không rơi vào thảm cảnh như cuộc đối đầu giữa taxi truyền thống với Uber, Grab vừa qua?", vị Giám đốc doanh nghiệp dệt may đặt câu hỏi.
Cũng hoạt động trong lĩnh vực dệt may nhưng Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm - ông Phí Ngọc Trịnh tỏ ra lạc quan hơn. Ông cho rằng, cách mạng 4.0 mới chỉ ở góc độ "startup", nghĩa là bắt đầu và đang tiếp cận, vì thế để máy móc thay thế được con người cũng cần thời gian dài.
Chia sẻ với băn khoăn của doanh nghiệp, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường đào tạo nhân lực BIDV dẫn lại số liệu báo cáo về nhân lực, cho biết sẽ có khoảng 86% lao động dệt may Việt Nam chịu tác động lớn trước cuộc cách mạng 4.0. "Dù vậy không có nghĩa số lao động này sẽ ra đường ngay lập tức", ông trấn an.
Lao động ngành dệt may nằm trong số ngành chịu nhiều ảnh hưởng trong cuộc cách mạng 4.0 |
Theo vị chuyên gia này, sẽ có rất nhiều nguồn việc thay thế, và hiện là lúc các ông chủ doanh nghiệp, không chỉ riêng ngành dệt may, nghĩ tới chuyện cơ cấu lại lao động. Trong 5 khâu sản xuất một sản phẩm may mặc thì Việt Nam chủ yếu mới tham gia ở khâu sơ khai nhất là gia công, những khâu còn lại như thiết kế, phân phối... đang bị bỏ trống.
"Tham gia hết được chuỗi sản xuất sản phẩm, lao động không lo thất nghiệp, mà ngược lại. Doanh nghiệp phải tính ngay từ bây giờ, lên kế hoạch đào tạo lại nhân lực, đồng thời phân tích, đánh giá để đưa ra chiến lược kinh doanh cho mình phù hợp với từng giai đoạn", Tiến sĩ Lực nói.
Cũng theo ông Cấn Văn Lực, những điểm đột phá được nhìn thấy rõ nhất của cuộc cách mạng 4.0 là giúp tối ưu hóa quá trình lao động và sản xuất, tiết giảm 30-70% chi phí giao dịch...
Đơn cử từ việc tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung, ông Lực nhấn mạnh, với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. số lượng doanh nghiệp của Việt Nam trong chuỗi cung ứng này sẽ tăng lên nhờ năng suất lao động cao hơn và chất lượng sản phẩm được cải tiến. "10 năm nữa sẽ có khoảng 60% giao dịch xuất nhập khẩu được số hóa, tăng từ 10-12 lần so với hiện nay và đây sẽ là điểm nhấn để giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình", vị chuyên gia dự báo.
Vì thế, doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng chiến lược và kế hoạch áp dụng công nghiệp 4.0 để giải quyết các bài toán kinh doanh, sản xuất. "Chờ đợi công nghệ hoàn thiện là quá muộn để kịp thay đổi", ông lưu ý. Để làm tốt điều này, doanh nghiệp nên tìm kiếm đối tác tin cậy cung cấp các giải pháp công nghệ và tư vấn triển khai. Mặt khác, xây dựng tập hợp các nhà cung cấp công nghệ thứ ba, bởi công nghiệp 4.0 là sự chuyển dịch từ mô hình một nhà cung cấp sang mô hình nhiều nhà cung cấp, công nghệ tích hợp với nhau.
Viện trưởng Kinh tế Việt Nam - Tiến sĩ Trần Đình Thiên thì cho rằng, dệt may sẽ là một trong số ngành chịu sự tác động lớn trước cuộc cách mạng 4.0 tới đây. "Đâu đó người ta đưa ra con số khoảng 2 triệu lao động dệt may mất việc làm, quả là bi thảm nhưng chúng ta phải chấp nhận để thay đổi", ông nói, và kể trong nhiều lần tới thăm một số doanh nghiệp dệt may, nhiều công ty đã nhanh nhạy thay thế những công nhân bốc vác bằng những robot. Cách mạng 4.0 bắt đầu len lỏi vào những nhà máy, công xưởng như vậy.
"Mấu chốt là phải thay đổi, nghĩ khác về kinh doanh", ông Thiên nhấn mạnh.
Trước "sóng" tác động của công nghệ 4.0 tới xuất khẩu trong nước, Tiến sĩ Trần Đình Thiên đề nghị, Bộ Công Thương cần tổng hợp, công bố danh mục hàng hoá xuất khẩu bị tác động bởi công nghệ 4.0 và đối thủ cạnh tranh đang tiếp cận công nghệ này ra sao, trên cơ sở này doanh nghiệp có giải pháp ứng phó.
"Việt Nam lâu nay vẫn đủng đỉnh trong khi nhiều nước họ quyết đấu với cuộc cách mạng này cách đây gần chục năm rồi. Đối thủ đang thắng chúng ta về năng suất, thị trường, chúng ta không thay đổi sẽ tụt lại phía sau. Trung Quốc là bài học cần nghiên cứu", ông Thiên nêu ý kiến.