7 ngày với PV DRILLING VI

Giàn khoan tự nâng PV DRILLING VI là giàn khoan thế hệ mới nhất do PV Drilling đặt Keppel (Singapore) chế tạo, nhưng PV Drilling giám sát toàn bộ từ khâu thiết kế đến mua sắm vật liệu, thiết bị và thi công, lắp đặt.

Tôi bừng tỉnh giấc ngủ bởi thấy giàn khoan chao lắc mạnh, bên ngoài có những tiếng rầm rầm như ai đó vác giàn trống

Định thần lại, tôi lắng nghe thì nhận thấy đó là tiếng sóng biển đổ vào mạn giàn khoan. Tôi sực nhớ ra, buổi chiều hôm trước, giàn trưởng Anthony thông báo rằng, hôm nay giàn khoan sẽ đi vào vùng biển động, gió cấp 5, cấp 6, sóng biển cao 2,5m… Với mức này thì chưa có gì là nguy hiểm, nhưng với một giàn khoan đang kéo đi trên biển, cũng không thể coi thường.

Thấy có những tia chớp lóe lên ngoài cửa sổ, tôi thầm nghĩ chẳng lẽ lại có mưa giông? Tôi mở cửa, bước ra ngoài và qua ô cửa kính, thấy dưới sàn giàn khoan có những ánh lửa hàn lóe lên. Thì ra là ca đêm vẫn đang làm việc.

7 ngay voi pv drilling vi

Cả buổi chiều tôi ngồi xem anh em chế tạo bộ sàn cho thiết bị đối áp - một thiết bị quan trọng bậc nhất giàn khoan, nhằm khống chế dòng khí hoặc dầu phụt lên dưới áp suất cực mạnh. Anh em thợ cơ khí của Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) phải hoàn thành bộ sàn này, để đến khi tới mỏ Kình Ngư Trắng Nam -4X, nằm gần mỏ Rạng Đông, cách Vũng Tàu hơn trăm cây số thì mới có thể bắt tay vào khoan ngay được. Tôi có hỏi anh Hà Ngọc Sơn, chuyên viên giám sát kết cấu - người tham gia Dự án chế tạo giàn PV DRILLING VI ngay từ lúc còn thiết kế - Tại sao lại phải "thêm" loại thiết bị này? Anh giải thích rằng, các giàn khoan khi chế tạo thì theo những tiêu chuẩn cơ bản nhất. Còn khi sử dụng, để cho phù hợp với điều kiện riêng thì có thể chế tạo thêm các thiết bị phụ trợ, nhưng với điều kiện là không được làm thay đổi kết cấu của giàn.

Sóng biển vỗ mỗi lúc thêm mạnh, tràn lên cả mặt sàn giàn khoan. Phần nổi của giàn khoan trên mặt biển cao gần 5m, vậy mà có con sóng đánh tràn lên mặt sàn, rồi tung bọt lên tận tầng 3 của giàn khoan.

Nhìn ánh lửa hàn lóe trong trời đêm mịt mùng, tôi quay vào phòng lấy máy ảnh ra… Nhưng vừa mang máy ảnh mon men tới gần thì bị một anh ngăn lại và nói: "Chú mặc đồ bảo hộ vào đi và nhớ đội cả mũ và đeo kính".

Không dám cãi nửa lời, tôi quay về mặc bộ đồ bảo hộ đỏ như lửa cháy, đi đôi giày bảo hộ có mũi bằng thép nặng 1,2kg, để nhỡ có cục sắt nào khoảng trên chục kilôgam rơi vào thì bàn chân… vẫn nguyên, rồi đội mũ bảo hộ, đeo chiếc kính bảo bộ có tráng lớp màng siêu cứng và… hiên ngang đi ra. Anh thợ hàn tên là Lê Văn Hiếu, ngừng hàn, nhấc chiếc kính hàn và nở nụ cười tươi rói. Buổi chiều, tôi đã được xem các anh dùng máy hàn tự động để cắt những tấm thép dày tới hơn 2cm, theo bản vẽ thiết kế, mà sai số không được phép quá 1mm. Trên giàn có một nhóm thợ hàn 5 người và tất cả đều là thợ bậc cao. Các anh được điều động đi theo giàn để gia công thêm một số thiết bị phụ trợ. Và từ lúc giàn được kéo đi, tôi thấy các anh hầu như không lúc nào rảnh tay.

7 ngay voi pv drilling vi

Nụ cười người thợ PV DRILLING VI

Lại thấy trên sàn khoan có những bóng áo đỏ đi lại, tôi trèo lên và thấy kíp trưởng Đỗ Công Chính cùng một kíp trưởng John Edmund Mahony người New Zealand và mấy anh em đang bàn bạc điều gì đó, xem ra có vẻ sôi nổi lắm. Tôi được biết Đỗ Công Chính hồi đi viết phóng sự "Bới cát tìm dầu giữa sa mạc lửa" ở Algeria. Chính đã ở vùng sa mạc Sahara hơn 4 năm. Bây giờ, nhiệm vụ khoan bên đó cơ bản đã hoàn thành, anh lại được rút về để đi theo dự án mới - giàn PV DRILLING VI. Chính và mọi người đang bàn biện pháp gia công, chế tạo một đường ray mới cho máy lắp cần khoan.

Thấy tôi, Chính ngạc nhiên và hỏi: "Sao anh không ngủ?", tôi cười: "Xem các ông làm đêm cũng hay chứ".

John Mahony, một anh chàng rất đẹp trai, xăm trổ vằn vện khắp người. John vui tính và cũng là người rất hay nhắc tôi về chuyện đeo kính, đội mũ. Thấy tôi mặc đồ bảo hộ đúng quy định, John giơ ngón tay cái lên ra ý khen ngợi.

Thật ra, trước khi giàn được rời cảng vào sáng sớm ngày 4-3, tôi đã được chuyên viên giám sát kết cấu Hà Ngọc Sơn trực tiếp dạy cho một "cua" khoảng hơn tiếng đồng hồ về an toàn. Nào là phải loại quần áo nào, đi giày nào khi ở trong nhà, loại nào mặc ra ngoài trời; rồi đi cầu thang thì phải bám lan can ra sao, phải đeo găng chống va đập thế nào… Rồi khi có báo động cháy thì chạy theo lối nào, mũi tên chỉ đường thoát ra sao, rồi khi có lệnh tập trung rời giàn thì tôi phải có mặt ở đâu, lấy thẻ tên ra sao… Nghĩa là đủ các quy tắc, quy định, mà thú thật là không thể nhớ nổi.

Tôi vâng, dạ, gật đầu OK hết, nhưng chỉ xin… không đi găng, vì còn phải quay phim, chụp ảnh. Anh suy nghĩ một lát rồi cũng OK.

7 ngay voi pv drilling vi

Tháp khoan trên giàn PV DRILLING VI

Ngày thứ nhất, ngày thứ hai, thú thật là tôi chưa nhớ những quy định về an toàn nên nhiều lúc cứ đầu trần bước ra ngoài. Và vậy là trên loa lại réo gọi: "Đề nghị nhà báo đi đội mũ…".

Đêm. Cả giàn khoan vẫn sáng rực ánh đèn như một thành phố nổi nặng nhọc trườn đi trên những đụn sóng đang gồ ghề, lồi lõm. Và trong cái thành phố "mini" nhưng ngồn ngộn sắt thép, chằng chịt các loại dây cáp này, vẫn có bóng áo đỏ của những người thợ làm việc cần mẫn.

Bạn đọc hãy thử tưởng tượng trên mặt biển nổi sóng, sức mạnh của một khối sắt thép nặng gần 15 ngàn tấn với chiều dài vẫn 70m, chiều ngang hơn 60m và có bộ chân giàn cao gần bằng một ngôi nhà 40 tầng di chuyển với tốc độ 4,6 hải lý mỗi giờ là như thế nào?

Giàn khoan tự nâng PV DRILLING VI là giàn khoan thế hệ mới nhất do PV Drilling đặt Keppel (Singapore) chế tạo, nhưng PV Drilling giám sát toàn bộ từ khâu thiết kế đến mua sắm vật liệu, thiết bị và thi công, lắp đặt.

7 ngay voi pv drilling vi

Chuyên viên giám sát kết cấu Hà Ngọc Sơn (trái) và thợ hàn Nguyễn Bá Thới

Nếu như giàn khoan PV DRILLING I, chúng ta mua hoàn toàn thụ động - nghĩa là ta đặt hàng, Keppel làm toàn bộ và ta chỉ việc nhận về thì tới PV DRILLING II là giám sát một phần, PV DRILLING III và IV ta giám sát cơ bản. Nhưng đến PV DRILLING V và VI thì là giám sát toàn bộ. Nghe chữ "giám sát" có vẻ đơn giản, nhưng với những người trong cuộc, đặc biệt là những người làm chế tạo giàn khoan thì đây là một bước tiến rất lớn trong công nghiệp chế tạo giàn khoan của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó, có công lớn của PV Drilling.

Nhân đây, cũng xin mạn phép anh em PV Drilling "phác họa" đôi chút về giàn khoan này, để cho bạn đọc ngoài ngành Dầu khí hiểu thêm một chút về giàn tự nâng.

Thường là trên thế giới có ba loại giàn khoan cơ bản ngoài biển, đó là giàn cố định, giàn nửa nổi nửa chìm và giàn tự nâng. Giàn cố định thì ta đã biết nhiều, giàn nửa nổi nửa chìm thì như loại của Hải Dương 981 mà năm ngoái Trung Quốc ngang nhiên kéo vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam ngoài Hoàng Sa, còn giàn tự nâng thì PV Drilling đã có ba cái.

Giàn tự nâng, nói nôm na là loại giàn khoan mà khi di chuyển trên biển thì giống như một chiếc xà lan khổng lồ, nom như một nửa con tàu biển, chỉ khác là mũi tàu không nhọn mà thẳng theo chiều ngang, với ba chiếc chân cao lênh khênh. Khi được kéo tới vị trí đã định, ba chiếc chân được hạ xuống, cắm vào lòng đất và khối thượng tầng được nâng lên, cách mặt biển chừng 10-15m. Toàn bộ sàn khoan được đẩy lùi về sau khoảng hơn 30m và tiến hành khoan. Khi xong nhiệm vụ, sàn khoan lại được kéo về đuôi xà lan, ba chiếc chân lại được rút lên và tàu kéo lại lôi đi nơi khác.

7 ngay voi pv drilling vi

Bôi mỡ cho bánh răng khi hạ giàn khoan

Vĩ đại nhất ở giàn tự nâng là ba chiếc chân đế. Như giàn tự nâng PV DRILLING VI này, chân đế giàn cao 517ft (khoảng 160m, tương đương với ngôi nhà 40 tầng). Ba chân đế giàn được đặt theo hình tam giác cân trong giàn, còn khung chân đế theo hình tam giác đều, mà mỗi cạnh của tam giác là hơn 11m. Bộ đế của chân là một chiếc hộp hình nón cụt, có đường kính đáy tới hơn 15m và chiều cao gần 6m. Chiếc hộp khổng lồ này là hầm chứa nước biển để tăng thêm sức nặng khi hạ xuống đáy biển. Dưới đáy hộp là một mũi thép nhọn cao hơn 1m để cắm vào lòng biển. Mỗi chân đế giàn khoan nặng khoảng 1.300 tấn. Để nâng hạ chân đế, có hệ thống bánh răng rất ấn tượng, với mỗi răng hình tam giác có cạnh là gần 33cm. Mỗi cột chân đế có 12 bánh răng và có lực nâng khoảng 5.000 tấn. Có hệ thống môtơ điện gồm 4 chiếc cho một chân và mỗi chiếc có công suất 60kW… Khi nâng hạ giàn, cả ba chân đế có thể tiến hành đồng thời hoặc thực hiện riêng lẻ.

Hôm giàn khoan được thu chân đế để kéo đi, ở trên phòng điều khiển, tôi thấy các bánh răng quay rất chậm và êm đến mức không cảm nhận được sự thay đổi độ cao. Khi các bánh răng hoạt động, phải có một công nhân liên tục bôi mỡ vào từng răng…

Giàn PV DRILLING VI có tổng trọng lượng chứa chất tải 12.500 tấn, còn khi đưa lên đủ ống khoan và các loại vật tư, thiết bị khác nó có thể lên tới 15.000 tấn.

7 ngay voi pv drilling vi

Sơ đồ 3 chân giàn khoan (ô tròn)

Giàn có thể khoan sâu hơn 9km, hoạt động ở mực nước sâu hơn trăm mét.

Để cho giàn hoạt động, có 5 máy phát điện với tổng công suất hơn 9.000kW, có hệ thống chưng cất nước biển thành nước ngọt 10m2 mỗi ngày. Nước này dùng để sinh hoạt, còn nước uống và nấu ăn thì hoàn toàn là nước tinh khiết đóng chai. Tại các giàn khoan biển của PV Drilling, việc lấy nước đưa về Viện Pasteur được tiến hành mỗi tháng một lần.

Toàn bộ chất thải công nghiệp được đóng kín, chở về đất liền, còn chất thải của con người thì được xử lý sạch, trước khi thải xuống biển, thức ăn thừa được nghiền nhỏ và cũng đổ xuống biển.

Khu nhà ở và văn phòng của giàn thiết kế sang trọng như một khách sạn, có đủ chỗ ngủ cho 150 người. Phục vụ cơm nước, giặt giũ, vệ sinh khu văn phòng là đội quân "bưng bê, kê dọn" của PETROSETCO khoảng trên chục người. Đội nhà bếp là 6 người và bếp trưởng phải là người có trình độ nấu được các món của nhiều quốc gia. Riêng đội trưởng thì bao giờ cũng phải là người giỏi tiếng Anh và có thâm niên chí ít trên chục năm phục vụ ở các giàn. Tại giàn này, Đội trưởng Lê Ngọc Nhật là người từng làm ở hàng chục giàn khoan, suốt từ năm 1994 cho tới nay. Mỗi bữa chính trên giàn có khoảng 6-8 món và người ăn có thể lựa chọn tùy theo khẩu vị. Để anh em người Việt dễ ăn, các anh còn làm chân giò nấu giả cầy, cá kho, thậm chí có cả khoai lang luộc. Bánh mì và các loại bánh ngọt đều do các đầu bếp chế biến tại chỗ. Tất cả lương thực, thực phẩm đều được kiểm soát nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Không thể đưa lên giàn một con cá, một mớ rau nếu không có nguồn gốc xuất xứ tin cậy. Trong những ngày ở trên giàn, có thể nói anh em PETROSETCO phục vụ hết sức chu đáo, tận tình và rất có trách nhiệm. Đồ ăn anh em nấu khó mà có thể chê, duy nhất có cà phê pha kiểu Tây thì quả thật là chán. Uống cà phê mong cho tỉnh táo, đằng này cà phê nhạt hoen hoét, uống đến no bụng mà mắt vẫn cứ díp lại… Hỏi ra mới biết cà phê ở đây pha theo kiểu cho Tây uống… nên không thể đặc quánh và uống xong, tim đập uỳnh uỵch như của ta.

7 ngay voi pv drilling vi

Giàn PV DRILLING VI trên cảng ở Singapore

Việc chế tạo một giàn khoan thường được thực hiện theo những mẫu thiết kế do các hãng thiết kế danh tiếng trên thế giới thực hiện và được cơ quan đăng kiểm ABS của Hoa Kỳ và của Việt Nam kiểm tra, cấp giấy lưu hành. Tuy nhiên, tùy từng quốc gia và tùy theo điều kiện thăm dò, khai thác mà người sử dụng sẽ yêu cầu phải sửa đổi, thêm bớt vào thiết kế cho phù hợp. Đó là việc không hề đơn giản.

Giám sát chế tạo giàn khoan là công việc cực kỳ phức tạp và... nhiêu khê. Với những giàn khoan trước, chúng ta phải thuê kỹ sư nước ngoài giám sát với mức lương có khi tới hàng ngàn đôla cho mỗi giờ làm việc. Nhưng từ giàn PV DRILLING V và bây giờ là giàn PV DRILLING VI, chúng ta đã giám sát toàn bộ. Việc giám sát chế tạo một giàn khoan được thực hiện từ khi thiết kế, lựa chọn vật liệu đến việc thi công.

7 ngay voi pv drilling vi

Kiểm tra hệ thống móc cáp cho cần khoan

Nói một cách giản dị, mỗi bản vẽ thiết kế, mỗi tấm thép, mỗi con vít được lắp đặt trên giàn khoan đều phải được giám sát chặt chẽ, từ nơi sản xuất đến khi chuyên chở, rồi việc lắp đặt.

Những anh em kỹ sư giám sát ở trên giàn kể cho tôi nghe rằng, chỉ đơn giản như việc sơn bất kỳ thiết bị nào trên giàn khoan cũng phải theo các yêu cầu nghiêm ngặt như sơn với nhiệt độ bao nhiêu, trong điều kiện thời tiết thế nào, độ ẩm ra sao. Nếu không giám sát chặt chẽ, công nhân làm ẩu một chút thôi, lúc đầu thì không ai phát hiện ra, nhưng nếu như cứ mỗi thứ thêm, bớt, đơn giản đi một chút thôi là có khi tuổi thọ tổng thể cả giàn khoan sẽ bị rút ngắn nhiều năm. Rồi mỗi mối hàn phải được kiểm tra 2-4 lần, nào là siêu âm, kiểm tra từ tính, rồi chụp phim, chụp cộng hưởng…

Chế tạo một giàn khoan như PV DRILLING VI, phía PV Drilling phải có 5 nhóm giám sát. Đó là nhóm giám sát về kết cấu, nhóm giám sát về cơ khí, nhóm giám sát tin học - điện tử, nhóm giám sát về điện công nghiệp, nhóm giám sát về hàng hải và nhóm giám sát thiết bị khoan, thương mại.

Đằng đẵng gần 2 năm trời, những chuyên viên giám sát của PV Drilling cần mẫn như con thoi, chạy đi chạy lại giữa các xưởng của Keppel, mà có phải xưởng nào cũng đặt ở Singapore đâu. Họ có xưởng đặt tại Indonesia, có xưởng đặt ở Malaysia… Và họ mua thiết bị tại quốc gia nào, chế tạo các thiết bị ở đâu là đội ngũ giám sát của chúng ta phải có mặt để kiểm tra.

(Xem tiếp kỳ sau)

7 ngay voi pv drilling vi Kỳ tích mới ở Biển Đông của PVN (Kỳ 2)

Trở lại một chút lịch sử của dự án. Từ năm 1992, hãng dầu khí nổi tiếng thế giới BP của Anh đã phát hiện ...

7 ngay voi pv drilling vi Kỳ tích mới ở Biển Đông của PVN (Kỳ 1)

Sau gần 5 năm năm đi vào khai thác thương mại, tính đến 31/1/2018, Dự án Biển Đông 01 đã khai thác được hơn 8 ...

Nguyễn Như Phong / Theo Đoạn trường tìm dầu