Việc các dự án BOT, BT chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng tiềm ẩn rủi ro lớn, đặc biệt với số dự án chậm tiến độ.
Đến cuối tháng 12/2016 đã có 20 tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông với tổng hạn mức 163.097 tỷ đồng, tổng số dư tín dụng 84.235 tỷ (chiếm hơn hai phần ba tín dụng cấp cho lĩnh vực giao thông).
Hầu hết các khoản tín dụng đều thuộc nợ nhóm 1; nợ nhóm 2 là 23,44 tỷ đồng; nợ xấu 2,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,003%.
Báo Dân trí dẫn đánh giá của Ngân hàng Nhà nước cho biết, dù tỷ lệ nợ xấu thấp, song việc các dự án BOT, BT chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng lại tiềm ẩn rủi ro lớn, đặc biệt với số dự án chậm tiến độ.
Hiện có 17 dự án bị chậm tiến độ với tổng số tiền cam kết cấp tín dụng là 18.260 tỷ đồng, dư nợ đến cuối tháng 12/2016 hơn 8.600 tỷ đồng.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: VnExpress |
Trước đó, báo cáo của Chính phủ cho biết, phần lớn nguồn đầu tư thực hiện dự án BOT là từ ngân hàng, nhà đầu tư góp 10-15%.
4 ngân hàng cho vay BOT lớn nhất là BIDV, Vietcombank, VietinBank và SHB, chiếm 91% dư nợ, trong đó VietinBank và Vietcombank đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông ở mức rất cao.
Vào giữa tháng 8/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về giám sát thực hiện chính sách pháp luật đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Việc nguồn lực đầu tư dự án BOT chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, tại một số nhà băng cũng là một trong loạt bất cập mà đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trong báo cáo kết quả giám sát.
Theo cơ quan này, hiện quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư (10-15% tổng mức đầu tư dự án) chưa xét tới phương án tài chính, mức độ rủi ro với từng dự án cụ thể, do đó trong những năm đầu đưa vào khai thác, nhà đầu tư khó thu xếp vốn để trả lãi cho các tổ chức tín dụng.
Kết quả giám sát còn cho thấy, đang có sự chênh lệch lãi suất đáng kể giữa lãi vay thực tế của các dự án BOT và mức trần lãi suất vay do Bộ Tài chính quy định với trường hợp chỉ định nhà đầu tư. Đơn cử, trong khi lãi suất vay vốn thực tế của các ngân hàng thương mại bình quân trên 15% một năm trong giai đoạn 2011 - 2013, thì lãi vay với nhà đầu tư chỉ định thấp hơn mức này.
Trưởng đoàn giám sát - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong quá trình giám sát một số ngân hàng, chi nhánh ngân hàng cho vay vượt quá 15% vốn tự có, công tác thẩm định khoản vay chưa đầy đủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thậm chí có nhà băng vi phạm về thẩm định xét duyệt cho vay và vi phạm về hồ sơ vay vốn.
Ngoài ra, theo quy định về tín dụng, các ngân hàng chỉ cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp vay vốn khi dự án có khả năng hoàn vốn. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện các nguyên tắc này, có một số trường hợp ngân hàng lại dựa vào thông tin xác nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án, trong khi đây chỉ là bản xác nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư.
Điểm đáng chú ý nữa là, với đặc thù của các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT thường có vòng đời dự án dài tới 15 đến 20 năm, nhưng vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Sự chênh lệch kỳ hạn này nếu công tác quản trị rủi ro của ngân hàng không tốt hoặc dự án không thu hồi vốn theo kế hoạch thì rủi ro cho ngân hàng là rất lớn.
Từng trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nguồn vốn của ngân hàng hiện nay trên 60% là kỳ hạn dưới 12 tháng. Trong khi cho vay các dự án BOT, BT đa phần đều là những dự án đầu tư dài hạn, có khi lên đến 25 - 30 năm mới được chuyển giao. Như vậy nếu “lấy ngắn nuôi dài” chắc chắn rủi ro sẽ vô cùng lớn.
Chia sẻ thêm, TS Hiếu cũng đặt ra trường hợp trong quá trình triển khai, chi phí vốn phát sinh của dự án có thể đẩy lên sẽ khiến ngân hàng lâm vào tình trạng chẳng đặng đừng. Cho vay tiếp thì vốn đổ vào quá lớn mà dừng thì khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
“Khi không cho vay tiếp, dự án sẽ có nguy cơ trở thành nợ đọng, nợ xấu; còn nếu bơm vốn tiếp vào thì không chừng sẽ càng rủi ro hơn", lãnh đạo một ngân hàng cũng thừa nhận.
Thêm nữa, tài sản đảm bảo cho các dự án BOT, BT chủ yếu hình thành từ vốn vay nên khó định giá. Nếu khi đưa vào khai thác, doanh thu không đạt như kế hoạch thì sẽ rất khó cho ngân hàng trong thu hồi vốn, xử lý tài sản đảm bảo.
(http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/20-ngan-hang-cho-vay-bot-no-xau-thap-nhung-3342119/)
Sai phạm BOT Cai Lậy: Điển hình nhưng...phổ biến
BOT chỉ là "nạn nhân" của nền kinh tế phi thị trường. |
Nguy cơ những con voi trắng BOT
71 dự án BOT góp phần thay đổi bộ mặt giao thông cả nước nhưng nhiều dự án kém hiệu quả tạo nên các “con ... |
BOT Cai Lậy được phê duyệt như thế nào?
Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy trao đổi với VietNamNet về dự án BOT Cai Lậy. |