Cần bỏ ngay xếp loại “hạnh kiểm yếu”, nhà trường không phải nơi "kết án"

Một học sinh bị nhận xét là hạnh kiểm yếu không có nghĩa là khi lớn lên, em này không trở thành một công dân tốt. Nhưng 3 từ “hạnh kiểm yếu” ghi trong học bạ sẽ là vết đen đi suốt cuộc đời.

can bo ngay xep loai hanh kiem yeu nha truong khong phai noi ket an

Năm 2019 một trường học ở Hải Phòng đã không cho các em xếp loại yếu kém được học lớp dự thi giáo viên dạy giỏi khiến dư luận bức xúc. Ảnh Phạm Đông

Đúng ngày cuối cùng năm học 2016 xảy ra câu chuyện đau lòng: một học sinh nữ 16 tuổi ở xã Bình Tân, huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận đã tìm cách quyên sinh bằng thuốc ngủ sau khi bị xếp loại hạnh kiểm yếu.

Nữ sinh được cho là ngoan hiền này bị xếp loại đạo đức yếu trong năm học do có hành vi quay cóp trong kì thi học kì 2 vừa qua. Cụ thể em đã viết công thức hóa học vào thước kẻ mang vào phòng thi.

Thầy hiệu trưởng sau đó nói với báo chí: "Nhà trường rất đau xót trước cái chết của em. Còn việc xếp loại là theo quy định của ngành giáo dục”.

Đó chỉ là một ví dụ điển hình, còn bao nhiêu học sinh trầm cảm, phụ huynh mất lòng tin vào con cái chỉ vì 3 chữ “hạnh kiểm yếu” ấy.

“Hạnh kiểm yếu” lạnh lùng như một bản án mà hệ luỵ của nó đối với học sinh không thể đong đếm và lường hết được. Hệ luỵ lớn nhất là việc làm tổn thương học sinh. Hạnh kiểm thường được hiểu là “phẩm chất, đạo đức biểu hiện trong việc làm, trong cách đối xử với mọi người”, vì vậy, cách thức đánh giá và xếp loại hạnh kiểm của cá nhân học sinh thành các loại trong đó có hạnh kiểm yếu… sẽ làm cho học sinh cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương.

Nền tảng tồn tại của cá nhân là nhân cách, vì thế, mọi sự can thiệp sâu tác động vào nhân cách của cá nhân theo lối phủ định sạch trơn đơn giản như thế đều có tác dụng xấu. Nó giống như một đòn trừng phạt về tinh thần đối với học sinh hơn là một biện pháp giáo dục. Tư duy trừng phạt này chi phối mạnh mẽ trong phương thức nhận xét và đánh giá hạnh kiểm, vì vậy mà mỗi buổi kiểm điểm lớp hay họp đánh giá hạnh kiểm, người giáo viên vốn nắm trong tay cả quyền lực và quyền uy đã trở thành người giống như quan tòa độc quyền phán xử.

Có những học sinh, nhất là những học sinh bị xếp vào dạng “học sinh cá biệt” với “hạnh kiểm yếu” sẽ suốt đời mang theo vết thương lòng khi phải tham dự những buổi kiểm điểm cuối tuần hay đọc những lời nhận xét, những dòng đánh giá về hạnh kiểm trong học bạ, cho dù sau này các em không ít người trở thành những người có phẩm cách đáng nể trọng.

Rất may mắn, tại dự thảo về Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12.12.2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về việc bỏ từ “yếu” trong “hạnh kiểm yếu” thành “cần rèn luyện thêm” và cũng không mức đánh giá “hạnh kiểm yếu” nữa.

Người lớn còn có lúc sai lầm, tuổi học trò hiếu động không thể tránh khỏi những va vấp, sai sót. Những sai sót ấy hoàn toàn có thể “mở cửa” cho các em sữa chữa lỗi lầm. Xếp loại học sinh không đúng sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời các em.

Cần nhắc lại, nhà trường phải là nơi giáo dục chứ không phải là chỗ kết án. Sẽ thế nào nếu một người khi trưởng thành là một người gương mẫu khi gặp lại bạn cũ cái vết đen “hạnh kiểm yếu” lại nổi lên?

Bằng Linh

can bo ngay xep loai hanh kiem yeu nha truong khong phai noi ket an Cần bỏ ngay xếp loại “hạnh kiểm yếu”, nhà trường không phải nơi "kết án"

Một học sinh bị nhận xét là hạnh kiểm yếu không có nghĩa là khi lớn lên, em này không trở thành một công dân ...

/ laodong.vn