Anh nâng lãi suất kỷ lục bất chấp dự báo không tăng trưởng

Reuters hôm 3/10 (giờ địa phương) đưa tin, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng mức lãi suất cao kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1989, ngay cả khi nền kinh tế nước này được dự báo có thể không tăng trưởng trong vòng hai năm tới.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hôm 3/10 đã chính thức nâng mức lãi suất thêm 0,75%, từ 2,25% lên 3% dù nước này đang rơi vào tình trạng suy thoái, dự báo kéo dài đến giữa năm 2024. Đây là lần tăng lãi suất thứ tám liên tiếp của BoE.

Bước đi nêu trên nhằm kiềm chế tốc độ tăng lạm phát của Anh, vốn đã vượt quá 10% trong tháng 10 - mức cao nhất trong vòng 40 năm do giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao. 

Anh nâng mức lãi suất kỷ lục bất chấp dự báo không tăng trưởng -0
BoE nâng lãi suất lần thứ tám liên tiếp kể từ tháng 12/2021. Ảnh: AA.

Ngay sau khi BoE ra quyết định, đồng bảng đã giảm mạnh và giảm khoảng 2% so với đồng USD (1 bảng = 1,116 USD), chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10 khi nước Anh rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị do kế hoạch cắt giảm thuế của cựu Thủ tướng Liz Truss.

Tuy vậy, đa số thành viên trong Ủy ban Chính sách Tiền tệ nước này cho rằng lãi suất vẫn cần tăng cao hơn nhưng không quá 5,2%. Hiện tân Thủ tướng Rishi Sunak đang nỗ lực bình ổn thị trường với kế hoạch tăng thuế cho dự thảo ngân sách công bố ngày 17/11.

Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020, BoE đã quyết định cắt giảm và duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,1%, đồng thời, tăng cường thu mua trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những tác động của dịch COVID-19. Tháng 12/2021, BoE mới bắt đầu tăng lãi suất.

Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 2/11 thông báo tăng lãi suất mạnh lần thứ 4 liên tiếp cũng ở mức 0,75% sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của FED. Theo đó, FED nâng biên độ lãi suất cho vay cơ bản lên khoảng 3,75% - 4%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/2008.

Để kiềm chế đà tăng kỷ lục của lạm phát, không chỉ FED hay BoE mà nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đang trong "cuộc đua lãi suất". Theo ước tính của Bloomberg, khoảng 90 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất trong năm nay, và một nửa trong số đó đã tăng ít nhất 0,75% trong mỗi lần ra quyết định.

Giới chuyên gia phân tích, những biến động về tỷ giá hối đoái đã gây bất ổn trên thị trường tài chính, khiến dòng tiền chảy ra khỏi nền kinh tế và thúc đẩy các hành vi đầu cơ. Do đó, cần tăng cường các phản ứng chính sách bằng cách nâng lãi suất.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá việc nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát là điều cần thiết, tuy nhiên các ngân hàng trung ương cần có sự phối hợp chặt chẽ, để đảm bảo vừa kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả, vừa hạn chế những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Được biết, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) hiện vẫn đứng ngoài làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ, khi họ tập trung vào việc tái cấu trúc nền kinh tế với các biện pháp kích thích tích cực.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda lý giải, nền kinh tế Nhật Bản đang hồi phục, song giá cả hàng hóa đội lên cao đang làm tăng áp lực suy thoái. Do đó, việc nới lỏng tiền tệ là cần thiết để hỗ trợ cho nền kinh tế. Mặc dù vậy, ông bỏ ngỏ khả năng điều chỉnh chính sách nếu Nhật Bản nhận thấy khả năng lạm phát ở mức 2% trong tương lai. 

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/anh-nang-lai-suat-ky-luc-bat-chap-du-bao-khong-tang-truong-i673129/

Kim Ngọc / cand.com.vn