Không có quốc gia nào ngoài Trung Quốc có số người chết vì dịch Covid-19 nhiều hơn Iran.
Iran là nơi có số người chết vì virus corona nhiều nhất thế giới sau Trung Quốc, thậm chí tỷ lệ tử vong cao nhất toàn cầu là 9%, so với 3,5% ở Trung Quốc.
7 quan chức cấp cao khác cũng bị nhiễm bệnh trong đó có Phó tổng thống Masoumeh Ebtekar. Bà có cuộc họp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 26/2, trước khi được xét nghiệm dương tính.
Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi hôm 24/2 thể hiện sự mệt mỏi, toát mồ hôi trong cuộc họp báo về dịch COVID-19 và nói rằng tình hình đang trong tầm kiểm soát. Chỉ một ngày sau, người ta thông báo ông bị ốm và dương tính với virus corona.
Ngoài Trung Quốc, Iran là nước ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 54 người nhưng tỷ lệ tử vong là cao nhất thế giới ở mức 9%, thậm chí là 16% trong tuần trước, so với 3,5% của Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, trong số 4.335 ca nhiễm bệnh, 26 người chết, tức dưới 1%, và tại Italy, 1.694 người mắc bệnh, 34 người thiệt mạng, tức khoảng 2%.
Ngoại trừ một số hạn chế tại các Thánh đường và hủy một lễ cầu nguyện hôm 28/2, tổng thống Iran cho biết chưa có kế hoạch phong tỏa thành phố có người nhiễm virus.
Trong bối cảnh thiếu khẩu trang và nước rửa tay, các chuyên gia về y tế công cộng nói rằng Iran có thể trở thành một ổ dịch lớn ở Trung Đông, đặc biệt dễ dàng lây lan ra toàn khu vực bởi đường biên giới lỏng lẻo của các quốc gia bất ổn hoặc hỗn loạn vì chiến tranh.
Nhà chức trách Iran công bố ca nhiễm virus đầu tiên ở thành phố Qom trong tuần trước và virus nhanh chóng lan ra 7 tỉnh khác. Những nước khác trong khu vực gồm Iraq, Kuwait, Oman và Afghanistan cũng ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên với các bệnh nhân từng tới Iran.
Nhiều người trong và ngoài Iran đặt ra câu hỏi liệu nhà chức trách đã công bố bức tranh toàn cảnh về bệnh dịch hay chưa. Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 27/2 nói với các phóng viên rằng virus đến một cách âm thầm, "không bị phát hiện" ở Iran, vì thế mức độ lây nhiễm có thể còn rộng hơn những gì chúng ta nhìn thấy. Tuy nhiên, các quan chức Iran bác bỏ mọi thông tin cho rằng họ che giấu dịch.
Khi được hỏi có bao nhiêu người đã được cách ly, Giám đốc Đại học Y khoa Qom, Mohammad Reza Ghadir, nói rằng ông không được phép phát ngôn trong khi Bộ Y tế nói rằng không có số liệu mới. Ông cũng cho hay "phần lớn các xét nghiệm được thực hiện ở Tehran nên Tehran sẽ công bố".
Các chuyên gia y tế bên ngoài cho biết lý do khiến tỷ lệ tử vong tại quốc gia này ở mức cao có thể do báo cáo về số người nhiễm bệnh của Iran có thể đi sau báo cáo số người chết.
Có thể, nhà chức trách Iran đã bỏ qua các trường hợp mắc bệnh nhưng ít nghiêm trọng trên cả nước, hoặc bởi trình độ và quy mô xét nghiệm hạn chế, hoặc bởi cách thống kê và thông tin.
"Đây dường như là vấn đề về báo cáo. Báo cáo các ca nhiễm virus có thể đã không theo kịp báo cáo về số ca tử vong", Yanzhong Huang, chuyên gia của Đại học Seton Hall của Mỹ, nói.
"Không rõ liệu Iran có đủ năng lực để thống kê số người bị nhiễm virus hay không vì việc này đòi hỏi phải đi xuống từng thị trấn, từng ngôi làng để rà soát và xét nghiệm chứ không chỉ dựa trên số người chủ động đến các bệnh viện lớn với triệu chứng nghiêm trọng", giáo sư, bác sĩ William Schaffner của Trung tâm Y - Đại học Vanderbilt nói.
"Tôi không rõ họ có khả năng đó không. Nhiều quốc gia không có truyền thống đó trong nền y tế dự phòng của họ", ông nói thêm.
"Một khả năng khác là các bệnh nhân là người cao tuổi, bộ phận dễ bị tổn thương trong dân số, ông Schaffner nói. Nếu virus tấn công vào những người già với nhiều bệnh tiềm ẩn thì nguy cơ không qua khỏi là rất cao và giải thích được tỷ lệ tử vong cao này", vị bác sĩ nói thêm.
Một khả năng khác là các bệnh viện đã không đủ chuyên môn để cứu chữa cho các nạn nhân, nhưng khả năng này không xảy ra trong trường hợp này vì hệ thống y tế của Iran tương đối tiên tiến, ông Schaffner nói.
Tiến sĩ John Torres, phóng viên y tế của NBC, cho biết không có bằng chứng về sự biến đổi gene của virus khi đến Iran, do đó lời giải thích cho việc Iran có tỷ lệ tử vong cao dường như có thể liên quan đến cách nước này thống kê số người nhiễm bệnh. "Virus không hề biến đổi", ông Torres khẳng định.
Chuỗi ngày u ám của người Iran
Nhìn con gái chán nản vì bị "nhốt" trong nhà suốt nhiều ngày, mẹ của Parmis Hashemi quyết định đưa em đi mua sắm bất chấp nguy cơ nhiễm nCoV.
Đeo khẩu trang, hai mẹ con Parmis Hashemi, 13 tuổi, đi bộ trên những con phố vắng lặng bất thường ở thủ đô Tehran vào chiều 2/3, khi giới chức địa phương vừa thông báo về đợt bùng phát dịch Covid-19 mới ở quốc gia này.
"Chân tôi bị đau nên việc đi lại thực sự khó khăn, nhưng tôi không thể bắt được chiếc taxi hay xe buýt nào. Parmis chán nản khi phải ở nhà suốt nên tôi đưa con bé ra ngoài để lấy lại tinh thần", Shahpar, mẹ của Parmis, nói.
Trường học khắp cả nước đều đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, dịch do nCoV gây ra khiến hơn 77 người tử vong và hơn 2.300 người nhiễm bệnh ở Iran.
"Những đứa trẻ không được đi học và chúng rất sợ nCoV", Shahpar chia sẻ.
Rất ít ôtô và xe buýt qua lại ở Quảng trường Vanak, một trong những giao lộ lớn nhất của thủ đô Tehran, nơi lẽ ra đã chật ních xe cộ vào thời điểm này trong ngày. Thành phố hơn 8 triệu dân giờ cũng trở nên bớt ô nhiễm hơn, một phần nhờ vào việc giảm tắc nghẽn giao thông.
Tuy nhiên, điều đó không khiến kỹ sư 39 tuổi Pejman cảm thấy thoải mái bởi nỗi sợ nCoV lây lan. "Dịch bệnh đã làm gián đoạn cuộc sống bình thường của chúng tôi. Chúng tôi sợ hãi khi không còn khẩu trang, cồn hay dung dịch sát khuẩn. Ai cũng cần chúng nhưng không thể tìm mua được nữa", anh nói.
Không chỉ riêng người dân, nhiều doanh nghiệp ở Tehran cũng điêu đứng vì Covid-19. Pejman cho biết vài đồng nghiệp của anh bị nghi nhiễm nCoV nên được yêu cầu cách ly ở nhà.
"Nó đang tác động tiêu cực tới công ty của chúng tôi. Họ kiểm tra thân nhiệt của chúng tôi mỗi sáng trước khi bước vào văn phòng", Pejman nói.
Ảnh hưởng của Covid-19 đối với kinh tế có thể thấy rõ trên các con phố. Nhân viên cửa hàng chơi điện tử để giết thời gian, nhân viên vệ sinh tỉ mỉ lau dọn các cánh cửa của nhà hàng vắng bóng người, những chiếc taxi nằm im bên lề đường chờ đợi hành khách.
"Những con phố đều trở nên vắng vẻ. Công việc của tôi là chở mọi người tới nơi họ muốn, nhưng giờ có ai rời khỏi nhà đâu", tài xế taxi Jamshidi nói trong khi đồng nghiệp của anh vừa ăn vừa trêu đùa nhau.
"Nếu tình hình cứ tiếp diễn như vậy, chúng tôi thậm chí không có đủ tiền mà ăn. Hôm qua tôi kiếm được rất ít, còn hôm nay chưa đón được khách nào", anh nói thêm.
Hamid Bayot, chủ một cửa hàng nước ép ở Quảng trường Vanat, cho biết doanh thu của cô đã giảm 80% kể từ khi Covid-19 bùng phát vào tháng trước, dù họ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm trấn an khách hàng.
"Chúng tôi khử trùng mọi thứ ở cửa hàng ba lần mỗi ngày. Nhưng mọi người vẫn lo sợ và không dám mua bất kỳ thứ gì ở đây. Nếu cứ thế này, chúng tôi chắc sẽ sập tiệm thôi", Bayot nói.
Nhằm nỗ lực giúp giới trẻ bớt chán nản, truyền hình nhà nước Iran đã phát sóng những chương trình giải trí nhẹ nhàng thay vì các kênh tin tức khô khan như trước đây. Những đoạn video hài hước về gia đình đã được phát trong vài ngày qua, và có cả phim hoạt hình Pink Panther (Điệp vụ Báo hồng) hôm 2/3, trailer The Revenant (Người về từ cõi chết), bộ phim có sự tham gia của tài tử Leonardo DiCaprio.
"Chúng cháu phải ở trong nhà và không biết làm gì. Chúng cháu không được gặp bạn bè và cảm thấy thật buồn chán", Parmis bực bội nói qua chiếc khẩu trang mẹ bắt đeo.
Phóng viên (t/h)
Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống
Iran: 8% thành viên Quốc hội dương tính với COVID-19 |
Iran thành ổ Covid-19 lớn thứ ba thế giới |
Iran: Nguy cấp với 66 ca tử vong, WHO ra tay ứng cứu |
Thêm người tử vong vì Covid-19 ở Iran và Mỹ |
Ngày đăng: 15:32 | 04/03/2020
/