- Chánh án TAND tối cao phân tích vì sao không được livestream tại phiên tòa
- Nhà báo livestream phiên tòa có thể bị phạt tới 30 triệu đồng
Sử dụng điện thoại trong phiên tòa có thể bị phạt đến 500.000 đồng, không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án bị phạt đến 1 triệu đồng là những quy định tại Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ 1-9.
Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Về mức phạt đối với các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp, Điều 23 Pháp lệnh quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 500.000 đồng đối với hành vi:
Sử dụng điện thoại, tạo tạp âm hoặc có hành vi khác gây mất trật tự tại phiên tòa; Không đứng dậy khi Hội đồng xét xử đi vào phòng xử án, khi Hội đồng xét xử tuyên án;
Hút thuốc hoặc ăn uống trong phòng xử án; Mặc trang phục không nghiêm túc, đội mũ, đeo kính màu trong phòng xử án mà không có lý do chính đáng và không được sự đồng ý của chủ tọa...
Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng với hành vi không chấp hành kiểm tra an ninh; Hỏi, trình bày ý kiến khi chưa được chủ tọa đồng ý; Gây rối tại phòng xử án;
Phạt tiền từ 1-7 triệu đồng đối với hành vi lôi kéo, kích động người khác gây mất trật tự, gây rối phòng xử án…;
Phạt tiền từ 7-15 triệu đồng đối với hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn, mang vũ khí, chất nổ, chất độc...vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án và công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để bảo vệ phiên tòa.
Theo Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15, sử dụng điện thoại, livestream trong phiên tòa có thể bị phạt tiền (ảnh minh họa) |
Về hành vi không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, Bộ Luật TTHS 2015 chỉ quy định người làm chứng, người phiên dịch, người giám định có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, song chưa có chế tài xử phạt với hành vi vi phạm.
Theo Điều 16 Pháp lệnh 02, từ 1-9, người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng của Tòa án thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 1 triệu đồng.
Ngoài ra, Pháp lệnh này còn quy định một số mức phạt khác liên quan đến người làm chứng, người phiên dịch, người giám định có hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ.
Cụ thể, mức phạt từ 1-7 triệu đồng áp dụng với người giám định từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng. Phạt tiền từ 7 -15 triệu đồng với người giám định từ chối kết luận giám định mà không có lý do chính đáng.
Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 15 - 30 triệu đồng với người giám định kết luận sai sự thật; Người phiên dịch cố ý dịch sai sự thật.
Bên cạnh đó, Pháp lệnh 02 cũng quy định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng gồm: Các chức danh có thẩm quyền xử phạt của TAND (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa; Chánh án TAND cấp huyện; Chánh tòa chuyên trách TAND cấp tỉnh…); Các chức danh có thẩm quyền xử phạt của CAND, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư; Chủ tịch UBND các cấp.
Đặc biệt, Pháp lệnh 02 còn quy định rõ việc xác định thẩm quyền xử phạt theo hướng chỉ rõ đến từng điểm, khoản/ hành vi mà từng chủ thể có thẩm quyền xử phạt.