WHO cho hay thế giới tuần qua ghi nhận 4,1 triệu ca nhiễm, 84.000 ca tử vong mới, giảm lần lượt 14% và 2% so với tuần trước.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 26/5 cho biết khu vực châu Âu ghi nhận số ca nhiễm mới và số ca tử vong giảm nhiều nhất trong 7 ngày qua, tiếp theo là Đông Nam Á. Số ca ghi nhận ở châu Mỹ, phía đông Địa Trung Hải, châu Phi và Tây Thái Bình Dương tương tự tuần trước.
"Dù xu hướng toàn cầu giảm trong 4 tuần qua nhưng tỷ lệ nhiễm và tử vong do Covid-19 vẫn ở mức cao, nhiều quốc gia ghi nhận sự gia tăng đáng kể", WHO thông báo.
WHO cho hay biến chủng B.1.617 chính thức được ghi nhận ở 53 vùng lãnh thổ và theo một số báo cáo không chính thức khác, virus cũng xuất hiện ở 7 vùng lãnh thổ nữa, nâng tổng số lên 60 vùng.
Thế giới ghi nhận 169.055.803 ca nhiễm nCoV và 3.511.520 ca tử vong, tăng lần lượt 575.645 và 13.201, trong khi 150.692.351 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho một phụ nữ ở Bangkok, Thái Lan, hôm 23/5. Ảnh: Reuters. |
Mỹ ghi nhận 33.968.588 ca nhiễm và 606.139 trưởng hợp tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 27.386 và 1.101 ca so với hôm trước. 10 bang của Mỹ đã đạt mục tiêu tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine Covid-19 cho 70% dân số trước 4/7, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 26/5.
Hơn 165 triệu người, tương đương 49,7% dân số Mỹ, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và gần 132 triệu người, khoảng 39,7% dân số, đã được tiêm đầy đủ. Trung bình 7 ngày qua, mỗi ngày Mỹ tiêm chủng được 1,7 triệu liều.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 tại châu Mỹ lên mức báo động. Giám đốc Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ (PAHO), Tiến sĩ Carissa Etienne, hôm 26/5 cho hay tuần trước, khu vực này báo cáo hơn 1,2 triệu ca Covid-19 mới và 31.000 ca tử vong, không thay đổi trong vài tuần qua.
"Các nước Mỹ Latinh cũng nằm trong top 5 nước có tỷ lệ tử vong cao nhất toàn cầu" tuần trước, bà Etienne cho biết.
Trong cuộc họp báo hàng tuần của PAHO, Etienne nhắc tới Cuba sau khi nước này tiếp tục báo cáo số ca nhiễm mới tăng đáng kể. Các nước Trung Mỹ như Costa Rica, Panama và Belize cũng chứng kiến sự gia tăng đột biến như Honduras, nơi "giường ICU đạt hơn 80% công suất".
"Chúng tôi cũng lo ngại về xu hướng gia tăng số ca nhiễm và nhập viện ở Haiti", giám đốc PAHO nói.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận 16.275.440 ca nhiễm và 454.623 ca tử vong, tăng lần lượt 81.231 và2.592. Các nhà dịch tễ học cảnh báo một đợt lây nhiễm mới có thể sắp bùng lên ở quốc gia Nam Mỹ này.
Liên quan tới việc chậm triển khai tiêm chủng ở châu Mỹ, Etienne kêu gọi cộng đồng toàn cầu giúp đỡ, mở rộng phạm vi bao phủ vaccine trong khu vực.
"Trong khu vực gần 700 triệu người của chúng tôi, chỉ có 37 triệu người được tiêm chủng đầy đủ. Tôi hy vọng các bạn đều đồng ý rằng tỷ lệ này hoàn toàn không thể chấp nhận", Etienne nói.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận 27.367.935 ca nhiễm và 315.263 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 211.553 và 3.842 ca.
Y bác sĩ Ấn Độ hôm 26/5 chỉ trích một chương trình phân phát miễn phí thuốc chưa được chứng minh có tác dụng chữa trị Covid-19 của bang Haryana cho bệnh nhân, còn nhà sản xuất loại thuốc này đối mặt phản ứng dữ dội sau khi nói rằng y học hiện đại khiến nhiều người Ấn Độ chết vì Covid-19.
Haryana, bang phía bắc Ấn Độ do đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, trong tuần này thông báo sẽ phát thuốc thảo mộc Coronil cho bệnh nhân Covid-19. Loại thuốc này được công ty của Baba Ramdev tung ra năm ngoái, quảng cáo là phương pháp chữa trị Covid-19.
Chính quyền sau đó tuyên bố Ramdev, đồng sáng lập của công ty sản xuất hàng tiêu dùng này, không thể tiếp thị Coronil như thuốc chữa bệnh, chỉ được phép quảng cáo là thuốc tăng cường miễn dịch.
Ảnh Baba Ramdev trong một quầy thuốc của Patanjali ở Ahmedabad, Ấn Độ, hồi tháng 3/2018. Ảnh: Reuters. |
Ajay Khanna, thư ký quốc gia của Hiệp hội Y khoa Ấn Độ (IMA) tại Uttarakhand, nơi đặt trụ sở công ty Patanjali của Ramdev, cho rằng không có cơ sở khoa học về việc sử dụng Coronil trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
"Nếu chính quyền Haryana phân phối thuốc, họ sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng", Khanna cảnh báo.
IMA cũng đệ đơn kiện Ramdev, yêu cầu ông xin lỗi vì tuyên bố các phương pháp điều trị Covid-19 dựa trên khoa học đã khiến hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 tử vong.
"Ông ta chỉ là đồ con buôn. Để bán được hàng, ông ta châm ngòi cuộc chiến giữa thuốc hiện đại và thảo mộc", Khanna nói.
Nhiều người Ấn Độ lựa chọn chữa bệnh bằng ayurveda, hệ thống y học cổ truyền sử dụng thảo mộc, thiền, tập luyện, điều chỉnh chế độ ăn, bởi khó tiếp cận với hệ thống y tế hiện đại.
Sự phản đối kịch liệt của y bác sĩ Ấn Độ với Ramdev diễn ra vài tuần sau khi giới khoa học cảnh báo bôi phân bò lên cơ thể không chữa được Covid-19, đồng thời có nguy cơ lây lan bệnh tật khác.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo 5.621.696 ca nhiễm và 109.023 trường hợp tử vong, tăng lần lượt 12.646 và 144 trong 24 giờ qua. Pháp hôm 26/5 tuyên bố cách ly bắt buộc với người đến từ Anh do e ngại sự dễ lây lan của biến chủng B.1.617 Ấn Độ.
Pháp, theo sau Áo, quốc gia cấm các chuyến bay thẳng và tham quan của khách du lịch đến từ Anh và Đức, quốc gia tuyên bố bất kỳ ai nhập cảnh đến từ Anh đều phải cách ly trong hai tuần.
Clement Beaune, Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, cho biết cách ly sẽ kéo dài 7 ngày, đồng thời nói thêm du khách cũng phải xuất trình xét nghiệm Covid-19 âm tính được lấy mẫu trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành. Quy định này dự kiến có hiệu lực từ 31/5.
Một người đi trong nhà ga sân bay Charles de Gaulle của Paris hôm 5/2. Ảnh: Reuters. |
Tại Đông Nam Á, Thái Lan đang điều chỉnh chiến lược tiêm chủng vaccine, tập trung vào những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và các khu vực có nhiều khả năng bùng dịch nhất, trong bối cảnh Thái Lan phải đối phó với đợt bùng phát nghiêm trọng nhất và tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Thái Lan báo cáo tổng cộng 137.894 ca nhiễm và 873 ca tử vong vì Covid-19, sau khi ghi nhận 2.455 người nhiễm và 41 người chết trong 24 giờ qua.
Chiến lược tiêm chủng mới ưu tiên tiêm chủng vùng tâm chấn của dịch là thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận, các điểm nóng về du lịch, các công trường xây dựng và những người có nguy cơ phát tán tiềm tàng như nhân viên phương tiện vận tải công cộng.
Thái Lan sẽ bắt đầu tiêm chủng hàng loạt trong tháng tới. Trong số hơn 66 triệu dân, chỉ 2,5 triệu người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, chủ yếu là vaccine Sinovac của Trung Quốc. Thái Lan đã dự trữ 61 triệu liều vaccine AstraZeneca sản xuất ở địa phương cho chiến dịch.
Hồng Hạnh (Theo AFP/Reuters/CNN)
Chuyên gia WHO: Tiếp tục điều tra nguồn gốc COVID-19 tại Trung Quốc sẽ hữu ích |
WHO cảnh báo virus chết chóc hơn cả SARS-CoV-2 |
Ngày đăng: 08:17 | 27/05/2021
/ vnexpress.net