Ngày 25.11, Sóc Trăng tổ chức vinh danh nhóm tác giả gạo ST 25, ST 24 - thương hiệu gạo đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới. Điều khá đặc biệt là vùng đất để làm ra hạt gạo ngon nhất thế giới không mấy xa lạ với người trồng lúa ĐBSCL.

Câu chuyện lúa thơm ST

Sau 25 năm dòng lúa ST ra đời, năm 2017, giống lúa thơm đặc sản ST24, đạt giải Gạo ngon Top 3 thế giới tại Macao (Trung Quốc) do The Rice Trader (Tổ chức thương mại gạo) vinh danh và giải Nhất gạo ST24 hữu cơ tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III - Long An năm 2018.

Năm 2019, gạo ST 24 một lần nữa được vinh danh, nhưng lại trao thưởng cho ST 25. Câu chuyện về ST 24 hay ST 25 là gạo ngon nhất thế được Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua lý giải khá đơn giản: Nhóm tác giả đưa đến ban tổ chức 2 mẫu gạo ST 24 và ST25, khi trao giải Gạo ngon nhất thế giới xướng lên là ST 24, nhưng kết quả công bố chính thức bằng văn bản là ST 25.

ST 24 hay ST 25 đều xứng đáng để được vinh danh cho cuộc thi gạo ngon mà qua 11 lần Việt Nam mới đoạt được ngôi vị này dẫu rằng Việt Nam là một trong 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Thật ra, trên vùng đất ven biển với mô hình lúa - tôm xen canh (một vụ lúa, một vụ tôm), hầu như nông dân nào cũng biết đến dòng lúa thơm ST của ông Hồ Quang Cua. Từ năm 1992, giống lúa ST đầu tiên ra đời, đã thành công vang dội với mô hình luân canh tôm - lúa thông minh ở vùng nước lợ, từng được các chuyên gia nông nghiệp thế giới công nhận độc nhất trên thế giới.

Trong suốt gần 30 năm qua, các giống lúa ST lần lượt ra đời không ngừng được nghiên cứu chọn tạo. Từ thực nghiệm trên đồng ruộng, mở rộng vùng trồng, các giống lúa ST qua đó tích lũy các ưu điểm đã được thị trường người tiêu dùng ưa chuộng về phẩm chất, nâng cao năng suất và tính chống chịu thời tiết, sâu bệnh…

Đánh dấu thành quả đạt được trong bộ giống lúa ST, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) công nhận chính thức các giống lúa ST3, ST5 và ST24 (vào tháng 3.2019) thuộc bộ giống lúa quốc gia.

Phát triển gạo hữu cơ thương hiệu ST24

Ông Hồ Quang Cua cho biết, gạo hữu cơ ST24 đã đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế theo tiêu chuẩn USDA và Châu Âu. Đây là một sản phẩm được xem là điển hình trong quá trình sản xuất và xuất khẩu coi trọng sức khỏe người tiêu dùng cũng như “sức khỏe” môi trường. Hiện tại, lúa hữu cơ đã được trồng tại vùng lúa tôm huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, một số huyện của Kiên Giang, Cà Mau…

Trước nhu cầu của thị trường lúa, tôm và thực tế sản xuất, tỉnh Bạc Liêu đã chuyển dần từ quy trình sản xuất vô cơ sang sản xuất an toàn (sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học) nhằm tạo ra sản phẩm tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ trên vùng tôm - lúa.

Tương tự, Cà Mau, Kiên Giang cũng quy hoạch lại vùng lúa - tôm thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, chọn lúa sạch, lúa chất lượng cao sản xuất an toàn sinh học kết hợp mô hình nuôi tôm sạch. Tất cả hướng đến chất lượng sản phẩm để nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Chính điều này là cơ hội để gạo ngon nhất thế giới được mở rộng diện tích lên đến 160.000ha ở mô hình lúa - tôm cho cả vùng ĐBSCL.

vinh danh nhom tac gia gao ngon nhat the gioi Gạo ST25 ngon nhất thế giới liên tục cháy hàng
vinh danh nhom tac gia gao ngon nhat the gioi Gạo Việt ngon nhưng giá "bèo": Do sử dụng nhiều hóa chất và không truy xuất nguồn gốc?
vinh danh nhom tac gia gao ngon nhat the gioi Sở hữu “gạo ngon nhất thế giới”, Việt Nam có quyết định được giá thế giới?

Ngày đăng: 14:44 | 25/11/2019

/ laodong.vn