Bà Thái Anh Văn bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo Đài Loan lần 2 với thông điệp cứng rắn: Không chấp nhận đề nghị "Một quốc gia, hai chế độ" của Trung Quốc.
"Quan hệ xuyên eo biển đã đạt đến một bước ngoặt lịch sử. Cả hai bên có nhiệm vụ tìm cách cùng tồn tại trong thời gian dài và ngăn chặn gia tăng đối kháng và khác biệt", lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu tại Đài Bắc hôm nay sau lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối của bà. "Tôi cũng hy vọng lãnh đạo bên kia eo biển sẽ đảm nhận cùng trách nhiệm và hợp tác với chúng tôi để sự phát triển lâu dài của mối quan hệ xuyên eo biển được ổn định".
Bà Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo Đài Loan nhiệm kỳ 2 ngày 20-5 - Ảnh: REUTERS |
Bà Thái Anh Văn tái đắc cử với tỷ lệ ủng hộ kỷ lục 61%, cao nhất kể từ khi bà nhậm chức tháng 5/2016.
"Tôi muốn nhắc lại các cụm từ \'hòa bình, ngang hàng, dân chủ và đối thoại\'. Chúng tôi sẽ không chấp nhận giới chức Bắc Kinh sử dụng \'một quốc gia, hai chế độ\' để hạ cấp Đài Loan và làm suy yếu tình trạng qua eo biển. Chúng tôi kiên định theo nguyên tắc này", bà Thái nói thêm.
Bà cho biết sẽ nỗ lực hết sức để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan: “Chúng tôi sẽ tiếp tục những nỗ lực này và sẵn sàng tham gia đối thoại với Trung Quốc và đóng góp cụ thể hơn cho an ninh khu vực” - bà Thái nói.
Trong bài phát biểu, bà Thái Anh Văn cũng nhấn mạnh Đài Loan sẽ tiếp tục mọi nỗ lực nhằm tham gia vào các tổ chức quốc tế và tăng cường mối quan hệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, theo Reuters.
Đầu tuần này, Đài Loan đã quyết định không tham gia vào Hội nghị Y tế Thế giới (WHA) tại TP Geneva (Thụy Sỹ) với tư cách là quan sát viên. Đài Loan nói rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã "nhún nhường" trước sức ép của Trung Quốc mà không mời lãnh thổ này.
Về vấn đề kinh tế, bà Thái cho biết: “Chúng ta cần tiếp tục hành động sớm để cứu trợ và phục hồi kinh tế, và làm bất cứ điều gì cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định”.
Trung Quốc sử dụng mô hình "Một quốc gia, hai chế độ" để "đảm bảo quyền tự trị cao" cho Hong Kong sau khi thành phố được Anh trao trả năm 1997. Tuy nhiên, tất cả chính đảng ở Đài Loan từ chối công nhận mô hình này.
Từ khi bà Thái đắc cử, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng. Trong nhiệm kỳ đầu của bà, Trung Quốc thuyết phục 7 đồng minh của Đài Loan cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo và thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Đài Loan hiện được 15 nước công nhận, chủ yếu là các nước nhỏ ở Mỹ Latinh và Thái Bình Dương.
Trong nhiệm kỳ đầu, bà Thái thực hiện cuộc điện đàm chưa từng có tiền lệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 12/2016, khi ông chưa nhậm chức, và đạt thỏa thuận mua chiến đấu cơ Mỹ lần đầu tiên trong ba thập kỷ. Việc ủng hộ biểu tình Hong Kong cũng giúp bà củng cố quan điểm hoài nghi Trung Quốc và tái đắc cử.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 19/5 ra tuyên bố chúc mừng bà Thái nhậm chức nhiệm kỳ hai, nói rằng Mỹ "từ lâu đã coi Đài Loan là một lực lượng tốt cho thế giới và là một đối tác đáng tin cậy" và hai bên "có tầm nhìn chung cho khu vực, bao gồm luật pháp, minh bạch, thịnh vượng và an ninh cho tất cả mọi người".
Theo cơ quan ngoại giao Đài Loan, đây là lần đầu tiên một ngoại trưởng Mỹ gửi thông điệp chúc mừng một sự kiện như vậy của Đài Loan.
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu trả lời phỏng vấn ở Đài Bắc năm ngoái. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc tuyên bố kiên định mô hình "Một quốc gia, hai chế độ" và không bao giờ tha thứ cho các "phần tử ly khai" ở Đài Loan.
Mã Hiểu Quang, phát ngôn viên Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đại lục, hôm nay nói rằng mô hình "Một quốc gia, hai chế độ" là nguyên lý trung tâm trong chính sách Đài Loan của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trung Quốc sẽ kiên định mô hình này.
"Thống nhất là điều không thể tránh khỏi trong lịch sử phát triển vĩ đại của đất nước Trung Quốc", ông Mã nói. "Chúng tôi có ý chí kiên cường, tràn đầy tự tin và năng lực sung mãn để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bất kỳ phần tử hoạt động ly khai hay các lực lượng bên ngoài can thiệp vào chính trị nội bộ của Trung Quốc".
"Độc lập Đài Loan" đi ngược lại trào lưu thời đại và là con đường không dẫn tới đâu, ông Mã cho hay. "Chúng tôi duy trì phương châm cơ bản là \'thống nhất hòa bình và một quốc gia, hai chế độ\'. Chúng tôi sẵn sàng tạo không gian rộng lớn cho thống nhất hòa bình nhưng chắc chắn không chừa khoảng trống nào cho các hoạt động ly khai \'độc lập Đài Loan\' dưới mọi hình thức".
Tuyên bố của Mã Hiểu Quang được đưa ra sau bài phát biểu tái nhậm chức cứng rắn của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Bà Thái nói rằng Đài Loan sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc nhưng không chấp nhận giới chức Bắc Kinh sử dụng mô hình "Một quốc gia, hai chế độ" để hạ cấp Đài Loan và làm suy yếu tình trạng qua eo biển.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải dùng vũ lực. Quan hệ hai bờ eo biển trở nên căng thẳng từ khi bà Thái, người từ chối công nhận chính sách "Một Trung Quốc" đắc cử năm 2016.
Trong nhiệm kỳ đầu, bà Thái Anh Văn nhiều lần tuyên bố không chấp nhận mô hình "Một quốc gia, hai chế độ" và Đài Loan "là một quốc gia độc lập". Bên cạnh đó, sự gần gũi ngày càng tăng giữa hòn đảo và Mỹ cũng khiến Trung Quốc tức giận. Trung Quốc thuyết phục 7 đồng minh của Đài Loan cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo và thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Đài Loan hiện được 15 nước công nhận, chủ yếu là các nước nhỏ ở Mỹ Latinh và Thái Bình Dương.
Phóng viên (t/h)
Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống
Lãnh đạo Đài Loan tái đắc cử |
Người giàu nhất Đài Loan ra tranh cử, thách thức bà Thái Anh Văn |
Mỹ cho phép Đài Loan mua công nghệ tàu ngầm |
Trung Quốc điều tàu sân bay “dằn mặt” Đài Loan |
Ngày đăng: 14:57 | 20/05/2020
/