Năm 2011, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans) là đơn vị khốn khó nhất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vì nợ nần chồng chất, nhiều tàu vận chuyển hàng lỏng phải nằm bờ vì không cạnh tranh nổi với tàu nước ngoài; đã có cán bộ, công nhân viên tìm đường rời "con tàu sắp đắm"… Giai đoạn 2010 - 2011, PV Trans có 16 đơn vị thì 7 thua lỗ, 3 phá sản. Nhưng như có phép màu, từ năm 2012, PV Trans từng bước thoát hiểm ngoạn mục và có mức tăng trưởng đều đặn trên 18% từ năm 2012 - 2019. Điều gì đã làm nên kỳ tích này?
Quyết định táo bạo để tăng trưởng ngoạn mục
Vào cuối năm 2011, trước ngưỡng cửa phá sản, Tổng Giám đốc Phạm Việt Anh (khi đó mới được bổ nhiệm) đã có một quyết định táo bạo thậm chí đến mức liều lĩnh, mạo hiểm, đó là đưa tàu chở dầu của đơn vị sang những thị trường mà không ai muốn ở khu vực Trung Đông… Tuy nhiên, vùng biển ở khu vực sừng Nam Phi và vùng biển Madagascar này lại đang bị cướp biển hoành hành, nhiều hãng tàu lớn không dám chạy. Và PV Trans đã nhận vận chuyển với giá cước cao gấp rưỡi.
Có thể nói Phạm Việt Anh đã đánh cược cả sinh mệnh chính trị của mình vào quyết định đó, dù khi xây dựng kịch bản đưa tàu sang Trung Đông, lãnh đạo PV Trans đã lường hết những rủi ro và phương án đề phòng cẩn thận. Mỗi chuyến tàu của PV Trans đi qua khu vực cướp biển lộng hành phải có dây tháp gai chằng quanh lan can, phải thuê lính của một số công ty bảo vệ tư nhân, và mỗi thuyền viên trên tàu thực sự là những chiến binh. Bên cạnh đó, PV Trans cũng đã liên kết được việc bảo vệ với các đội tàu chống cướp biển của Mỹ, Pháp, Italy ở khu vực này. Ở cách xa hàng nghìn km, nhưng lãnh đạo PV Trans luôn biết được tàu của mình đang hoạt động thế nào và xung quanh có những tàu chiến của nước nào. Thậm chí, các anh còn có thể liên lạc trực tiếp với chỉ huy những tàu chiến đó, để có thể xin hỗ trợ kịp thời.
Mỗi lần tàu đi qua khu vực có cướp biển, lãnh đạo PV Trans ăn không ngon, ngủ không yên… Cũng đã xảy ra vài lần tàu PV Trans bị cướp biển đuổi nhưng trước sự cảnh giác cao độ và sự chuẩn bị đối phó kỹ lưỡng, có bài bản, bọn chúng phải bỏ chạy.
Chính nhờ sự chuyển hướng này mà hiệu quả kinh doanh của PV Trans đã tăng trưởng ngoạn mục ngay trong năm 2012 và bốn năm liền tiếp theo.
Có doanh thu, trả hết nợ và có tích lũy… Năm 2015, giá dầu thế giới giảm thê thảm. Nhiều hãng tàu phải bán tàu để cứu phá sản. Chớp cơ hội này, PV Trans đã nâng cấp đội tàu của mình bằng việc mua những con tàu mới hơn, hiện đại hơn, và dĩ nhiên là "giá rẻ bất ngờ". Nhờ vậy mà nếu năm 2016, PVTrans mới chỉ có 6/17 tàu hoạt động tuyến quốc tế thì đến năm 2019 đã là 22/31 tàu, chiếm 70% đội tàu của PVTrans đang thường xuyên hoạt động, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Vetting, Oil Major tại các thị trường lớn như Mỹ, Australia, châu Âu, mang đến không chỉ nguồn thu ngoại tệ mà còn khẳng định thương hiệu PV Trans trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, PV Trans cũng tiến hành tái cơ cấu bộ máy quản lý một cách quyết liệt. Việc đầu tiên là chia nhỏ các đơn vị tàu, gắn trách nhiệm cho giám đốc các công ty thành viên nhằm phân tán rủi ro, loại bỏ lề thói cũ, gắn trách nhiệm đến cùng cho một cá nhân cụ thể chứ không còn là kiểu “tập thể chịu trách nhiệm” như trước. PV Tran cũng tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ, minh bạch về tài chính.
Đồng lòng vượt qua đợt "sóng dữ"
PV Trans đã hoàn thành xuất sắc và về đích trước 2 năm các mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm được Tập đoàn giao đối với giai đoạn 2016 - 2020. Có thể nói, đây là giai đoạn bản lề đánh dấu bước phát triển mới của PV Trans, thể hiện ở tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 35.324 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch, duy trì tăng trưởng liên tục với tổng lợi nhuận tăng bình quân 18%/năm.
Năm 2019, PV Trans đạt mức cao kỷ lục về các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh kể từ khi thành lập cách đây 17 năm với lợi nhuận trước thuế đạt 1.012 tỷ đồng, lần đầu tiên lọt vào TOP các doanh nghiệp lợi nhuận nghìn tỷ đồng, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tín nhiệm cao.
Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, xác định thị trường quốc tế là thị trường mục tiêu phát triển lâu dài, bên cạnh việc giữ vững thị phần trong nước, PV Trans đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường, phát triển mạnh mẽ ra thị trường quốc tế.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, đội tàu của PV Trans được đầu tư phát triển theo hướng trẻ hóa với chi phí đầu tư hợp lý, bảo đảm chất lượng và hiệu quả khai thác, bảo đảm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nhiên liệu. Cụ thể PV Trans đã đầu tư 14 tàu các loại với tổng vốn 163 triệu USD so với kế hoạch 5 năm là 28 tàu và tổng mức đầu tư 262 triệu USD. Việc đầu tư tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2017 - 2019 là giai đoạn giá tàu ở mức hợp lý.
Ngay trong những ngày này, khi mà cơn bão dịch Covid-19 đang hoành hành, thì trên nhiều đại dương, những con tàu của PV Trans vẫn hiện diện. Nhiều thuyền trưởng và thuyền viên cả năm nay chưa được về nhà. Có những con tàu cả trăm nghìn tấn đang phải neo ở một vùng cảng xa xôi, anh em chỉ còn biết loanh quanh trong các ca bin sắt thép chật hẹp trong hàng tháng liền. Họ không được lên bờ, liên lạc về nhà chủ yếu qua internet, hoặc may mắn lắm là có điện thoại vệ tinh…
Đội ngũ thuyền viên và lãnh đạo PV Trans đã thực sự "đồng cam cộng khổ" để vượt qua đợt "sóng dữ" này. Đó cũng chính là nét đẹp văn hóa của PV Trans.
Vân Như
Ngày đăng: 11:36 | 27/05/2020
/ daibieunhandan.vn