Tuyên bố nêu trên của Thủ tướng Slovenia Janez Jansa được đưa ra ngày 25/3, phản bác lại việc Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các quốc gia không thân thiện phải thanh toán hợp đồng nhập khẩu năng lượng từ Moscow bằng đồng ruble.
"Tôi không nghĩ người dân châu Âu thực sự biết đồng ruble trông như thế nào. Sẽ không có chuyện thanh toán bằng loại tiền này", Thủ tướng Janez Jansa nhấn mạnh.
Nhiều lãnh đạo châu Âu khác cũng đồng quan điểm với ông Janez Jansa cho rằng, điều kiện mà ông Putin đưa ra sẽ thay đổi cơ bản các hợp đồng mua bán trước đó đã ký giữa các nước và Nga, khiến hợp đồng bị vô hiệu.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ, điều khoản về đồng tiền thanh toán đã được định rõ trong mỗi hợp đồng, không bên nào có quyền được thay đổi khi không có sự thống nhất với bên còn lại.
Từng là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Thủ tướng Italia Mario Draghi khẳng định, nếu Nga quyết theo đuổi kế hoạch thanh toán bằng ruble, EU sẽ xem đây là hành vi vi phạm hợp đồng hiện thời.
Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nêu quan điểm như sau: "Trong mọi trường hợp, nếu một yếu tố nào đó của hợp đồng bị thay đổi, chúng ta có thể đề cập đến một loạt vấn đề khác, thậm chí là về giá cả".
Hiện Tổng thống Putin đã đặt thời hạn 1 tuần cho Ngân hàng Trung ương Nga và các quan chức chính phủ tìm ra cách chuyển thanh toán sang đồng tiền ruble. Công ty khí đốt nhà nước Gazprom cũng được lệnh sửa đổi các hợp đồng để phù hợp với động thái này.
Giới chuyên gia đánh giá, việc Tổng thống Putin yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" phải thanh toán các hợp đồng năng lượng bằng đồng tiền ruble là để đáp trả các áp lệnh của phương Tây và nhằm tăng sức mạnh cho đồng tiền này.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đồng ruble đã giảm giá mạnh tới 85% so với đồng USD. Sau đó, đồng tiền này tăng trở lại và tăng vọt trong thời gian ngắn sau thông báo trên của Tổng thống Putin.
Phó chủ tịch cấp cao Claudio Galimberti của Rystad Energy cho rằng, việc nhiều quốc gia dần chuyển đổi cách thức thanh toán từ đồng euro và USD sang các đồng tiền như ruble hay nhân dân tệ... sẽ phần nào tác động tới chi phí vay cũng như ngành tài chính EU và Mỹ
Phía Rystad Energy còn cho biết, gần như tất cả các hợp đồng mua khí đốt của Nga được tính bằng đồng euro hoặc USD. Nếu Nga được trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble, nước này có thể tránh được một số lệnh trừng phạt tài chính.
Tuy nhiên, động thái này cũng có thể phản tác dụng, bởi các bên mua chắc chắn phải xem xét lại những khía cạnh khác trong hợp đồng, qua đó đẩy nhanh quá trình họ từ bỏ hoàn toàn khí đốt Nga.
Được biết, danh sách các nước "không thân thiện" với Nga gồm các quốc gia đã áp đặt cấm vận, trong đó có Mỹ, các thành viên EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.
Linh Đan
Đức cam kết từ bỏ hoàn hoàn khí đốt Nga vào năm 2024 |
Mỹ - EU chuẩn bị ký thỏa thuận khí đốt tự nhiên hóa lỏng? |
Tổng thống Putin: Các nước "không thân thiện" phải mua khí đốt bằng đồng rúp |
Ngày đăng: 23:08 | 25/03/2022
/ cand.com.vn