Thống đốc Ngân hàng khẳng định, chúng ta có thể thực hiện giữ ổn định lãi suất và giảm được lãi suất cho vay thời gian tới.

Tại phiên chất vấn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chiều nay, nhiều ĐB quan tâm đặc biệt về lãi suất cho vay.

Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Quảng Bình Trần Công Thuật đặt câu hỏi: “Thống đốc sẽ làm gì để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, đảm bảo thanh khoản, nâng cao chất lượng tín dụng và đảm bảo an toàn nợ công?”.

ĐB Trần Công Thuật

Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Dân tộc của QH Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng hiện lãi suất cho vay thương mại, các dự án đầu tư tới 11,5%, dẫn tới tăng giá thành.

Riêng với các dự án BOT giao thông, việc tăng giá thành làm tăng thời gian thu hồi vốn, tăng mức phí DN phải trả còn việc tăng giá thành trong nhà ở khiến người dân khó tiếp cận hơn do thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, lãi suất cao, dòng tín dụng theo nguyên tắc thị trường có xu hướng đổ vào lĩnh vực đầu tư như BOT, BĐS. Đây là nơi có các dự án lớn hàng ngàn, chục ngàn tỷ đồng, thời gian vay dài hạn, điều này dẫn tới các lĩnh vực đầu tư khác như nông nghiệp, dịch vụ, DN vừa và nhỏ - là khu vực tạo ra nhiều việc làm và sản phẩm lại khó tiếp cận nguồn vốn vay.

“Xin thống đốc cho biết, quan điểm và giải pháp chính sách của ngân hàng để giải quyết vấn đề trên?”, ĐB Thành chất vấn.

Lãi suất cho vay đã giảm mạnh

Thống đốc cho biết, lãi suất VN phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan điểm xuyên suốt của Chính phủ và NHNN là kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, giữ lạm phát ở mức thấp để giảm lãi suất cho vay.

Ngoài ra trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN phối hợp thực hiện điều tiết các công cụ chính sách trên thị trường, giữ ổn định thanh khoản, qua đó giữ ổn định lãi suất, giảm lãi suất cho vay.

Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tiết giảm chi phí, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, góp phần giảm bớt tài sản không sinh lời, qua đó trực tiếp giảm lãi suất cho vay.

“Mục tiêu giảm lãi suất luôn luôn là một trong những mục tiêu hướng tới tương lai. Chúng tôi cho rằng với những điều hành vĩ mô của các bộ ngành cũng như điều hành tiền tệ của NHNN, chúng ta có thể thực hiện giữ ổn định được lãi suất và giảm được lãi suất cho vay trong thời gian tới”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.

Thống đốc cho biết thêm, trong giai đoạn 2011-2016, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, trong đó lãi suất huy động giảm 7-10%, cho vay giảm 10-11%.

Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời chất vấn. Ảnh: Hoàng Anh

Hiện tại lãi suất cho vay trung, dài hạn chỉ khoảng 8%, các lĩnh vực khác 9%, riêng một số ngành rủi ro cao, kỳ hạn dài có thể cao hơn nhưng mặt bằng bình quân chung là 9-10%.

Riêng với các dự án BOT, ông Hưng cho biết tỉ lệ cho vay đã thấp hơn trước, tỷ trọng tín dụng cho vay chỉ chiếm 1,5% tổng dư nợ tín dụng. Tương tự, tỉ trọng cho vay trong lĩnh vực bất động sản cũng giảm, 10 tháng đầu năm chỉ chiếm 6,5%, trong khi năm ngoái là 10%.

“NHNN sẽ kiểm soát chặt rủi ro các lĩnh vực này. Tuy nhiên nhu cầu vốn rất lớn nên hệ thống NH vẫn sẽ cho vay nếu các nhà đầu tư có năng lực thực sự", Thống đốc khẳng định.

Công nhân, viên chức được ưu tiên phí ATM

ĐB Lâm Công Thành cũng chất vấn Thống đốc NHNN về sự bất hợp lý của các loại phí để duy trì thẻ ATM.

“Người dùng thẻ phải trả nhiều loại phí cả cho đầu tư vận hành và thanh toán giao dịch. Ngay cùng hệ thống ngân hàng, nếu khác điểm giao dịch cũng phải trả chi phí mà chưa có sự liên thông. Mức trả phí khá cao so với thu nhập người dân, lãi và mức phạt chậm trả cũng rất cao”, ĐB nêu.

ĐB tỉnh Lạng Sơn chỉ ra thực tế, hiện nhiều nơi không đảm bảo được dịch vụ, ví dụ 1 trường ĐH tại TP.HCM theo phản ánh có 25.000 sinh viên nhưng chỉ có 6 cây ATM, các huyện miền núi vài trăm km2 mới có 1-2 cây ATM, gây khó khăn cho người dân.

“Tình trạng trên có sự bất bình đẳng giữa bên cung cấp dịch vụ và người sử dụng. NHNN có chủ trương cải thiện tình hình trên không? Giải pháp nào để đảm bảo quyền lợi và khuyến khích người dân sử dụng thẻ ATM?”, ĐB đặt câu hỏi.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thực tế mức phí ATM áp dụng từ 2012 đến nay vẫn duy trì tối đa là 3.000 đồng/giao dịch.

Vừa qua NHNN cũng đã lắng nghe ý kiến DN và người dân về vấn đề này và đã yêu cầu các NH thương mại báo cáo đầy đủ.

“Chúng tôi đã có quy định, đối với một số đối tượng đặc biệt như công nhân, người lao động, viên chức phải tính mức phí hợp lý hơn”, Thống đốc nhấn mạnh.

Dự án BOT khả thi mới cho vay

Giơ biển tranh luận, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết ngày 24/11 tới, QH sẽ bấm nút thông qua dự án đường cao tốc Bắc-Nam, trong đó phải vay của ngân hàng trên 55.000 tỷ.

“Yếu tố tắc nghẽn là không cho vay khi khoản vay vượt quá 15% vốn của ngân hàng. BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đang vướng vấn đề này, vậy quan điểm của Thống đốc như thế nào để ĐB yên tâm bấm nút?”, ông Ngân đặt câu hỏi.

Thống đốc khẳng định: “Không phải NH không cho vay mà yêu cầu tăng cường thẩm định tài chính để đảm bảo tính khả thi và xem xét năng lực tài chính của chủ đầu tư có đủ năng lực thực sự hay không. Nếu dự án khả thi mới cho vay”.

Do đó NHNN đã chỉ đạo các NH phải quản lý chặt vốn của chủ đầu tư. Vẫn cho vay nhưng phải an toàn. Sắp tới ngành sẽ làm việc với Bộ GTVT những tuyến đường khả thi về tài chính thì NH sẽ tiếp tục cho vay nhưng phải quản trị rủi ro kỳ hạn.

Thống đốc: \'Lượng lớn vàng, đôla trong dân đã chuyển hóa vào nền kinh tế\'

Thống đốc cho rằng nguồn vốn đã không còn đổ vào các tài sản tài chính nhờ sự điều hành ổn định kinh tế vĩ ...

10.000 tỷ đồng vay ưu đãi cho DN công nghiệp TP.HCM

Đẩy mạnh Chương trình cho vay đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP.HCM ...

NHNN bơm ròng sau 5 tuần hút ròng, lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại

Sau nhiều tuần giảm liên tục, lãi suất liên ngân hàng tuần qua đã tăng trở lại cho dù NHNN cũng đã bơm ròng trở ...

(http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/thong-doc-ngan-hang-lai-suat-cho-vay-se-tiep-tuc-giam-411399.html)

Ngày đăng: 21:48 | 16/11/2017

/ Theo Thuý Hạnh/VietNamnet.vn