Tỷ lệ thất nghiệp thuộc nhóm có trình độ đại học đang tăng theo từng năm, xu hướng này có thể cao hơn khi tư duy lựa chọn ngành nghề chưa được thay đổi.
Dư thừa đại học, thiếu hụt công nhân
Tỷ lệ thất nghiệp trong lực lượng lao động của Việt Nam ngày càng tăng. Theo thống kê, quý II/2017 cả nước có 1,08 triệu lao động thất nghiệp, giảm khoảng 20.100 người so với quý I/2017 và 7.100 người so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, chỉ số thất nghiệp thuộc nhóm thanh niên tăng mạnh so với quý I/2017. Đặc biệt, chỉ số này tăng cao đối với nhóm có trình độ đại học trở lên, khoảng 183.000 người chưa có việc làm, tăng 44.200 người so với quý I/2017, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 3,63%.
Trong khi đó, các doanh nghiệp “đỏ mắt” vẫn không tìm đủ nhân viên cần thiết cho sản xuất, phát triển; nhiều công ty than lao động vào làm được “dăm bữa, nửa tháng” lại đòi nghỉ, thậm chí được vài hôm rồi tự ý nghỉ không thông báo trước khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Cụ thể, nhiều Cty tại Khu công nghiệp Sông Công (Thái Nguyên), Bắc Thăng Long (Hà Nội), Quang Minh (Vĩnh Phúc)… tuyển dụng các vị trí nhân sự cho sản xuất, lắp ráp, lương từ 4 – 8 triệu/tháng nhưng tin tuyển dụng đăng cả tháng mà số đơn nhận được không như mong đợi.
Vấn nạn này có nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều bậc cha mẹ có tư duy cho con cái “học ra là để làm quan”; “học để đổi đời”, “học để vào Nhà nước”. Khảo sát một vài trường hợp có con theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, phần đông cho biết học ngành này mong con ra trường sẽ làm “giám đốc”. Suy nghĩ này đã ảnh hưởng tới định hướng sau này của con cái.
Một chuyên gia cho hay: Không phủ nhận nhiều sinh viên ngồi trên ghế nhà trường đã có thể nhận lương tháng 1.000 USD, nhưng đây chỉ là thiểu số. Việc định hướng của phụ huynh cần xem xét tới điều kiện gia đình, năng lực của con cái cũng như xu thế của thời đại. Không thể cứ học ra để làm quan, làm giám đốc. “Lấy đâu ra lắm quan với giám đốc như vậy, “chân ướt, chân ráo” cầm tấm bằng cử nhân đi xin việc mà đòi ứng tuyển vào vị trí lương cao, yêu cầu kinh nghiệm thì bao giờ cho khỏi thất nghiệp”, vị này cho hay.
Hiểu đúng mình, chọn đúng nghề
Năm 1942, Joseph Schumpeter – người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Sự hủy diệt mang tính sáng tạo” (Creative Destruction) để mô tả quá trình biến đổi công nghiệp, liên tục cách mạng hóa cơ cấu nền kinh tế từ bên trong, tạo ra cái mới tiến bộ để phá hủy cái cũ lạc hậu. Nền công nghiệp 4.0 hiện nay chính là một trong những sáng tạo khi tiến hành số công nghệ hóa nền kinh tế, lấy nền tảng khoa học – công nghệ để phát triển kinh tế, xu hướng tạo các dịch vụ/sản phẩm mới tiện lợi, giá thành rẻ hơn và mang sức cạnh tranh cao hơn.
Việc này tất yếu sẽ làm mất đi một số công việc nhưng theo cách tự nhiên sẽ dần đẩy con người sang các ngành nghề mới. Trong xã hội này, các công việc như: Bán hàng, tư vấn, giải trí… sẽ phát triển, ngược lại, sản xuất, lắp ráp sẽ được tự động hóa, chức vụ quản lý khi đó kinh nghiệm là chưa đủ mà còn là sự thích nghi công nghệ trong xử lý công việc.
Thực tế, chọn trường, chọn nghề thường là câu hỏi khó cho học sinh, sinh viên. Với những người được định hướng một cách rõ ràng, gia đình có điều kiện, việc chọn nghề chỉ là yếu tố cố gắng, còn nếu không sẽ dẫn tới câu chuyện làm trái nghề, lãng phí tiền bạc, thời gian ngồi trên giảng đường đại học. Xu hướng cử nhân quay lại học trung cấp để dễ xin việc không còn quá xa lạ. Vì vậy, trước khi chọn nghề cần thiết xem xét sở trường, tìm hiểu đầu ra, khó khăn trong công việc để đưa ra quyết định sáng suốt, trau dồi kỹ năng ở nhiều lĩnh vực để giảm thiểu mức độ thất nghiệp của bản thân xuống thấp nhất.
Ngoài ra, sinh viên mới ra trường cũng đóng góp vào “nhóm ảo tưởng” khi lý thuyết thuộc từng chương nhưng vận dụng lại chỉ một mẩu. Đó cũng là nguyên nhân các doanh nghiệp sau khi “đỏ mắt” tuyển dụng vẫn miễn cưỡng chấp nhận để đào tạo lại từ đầu. |
(http://baophapluat.vn/chinh-sach/that-nghiep-do-ky-vong-hoc-ra-de-lam-giam-doc-355095.html)
Du học rồi thất nghiệp, lương bèo: Góc tối của du học
Tiếng Anh không thực sự đủ để đi du học là một nguyên nhân chết người dẫn đến việc không hàm thụ được triệt để ... |
Du học rồi thất nghiệp, lương bèo: Lời thật nhà tuyển dụng
Các du học sinh thường đòi hỏi nhà tuyển dụng trả lương cao hơn mặt bằng chung dù mới ra trường và kinh nghiệm chưa ... |
Bỏ tiền tỷ đi du học, về nước làm "lương ba cọc ba đồng"
Mức lương của giảng viên đại học cũng như các chế độ, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng nên chưa hấp dẫn được nhân ... |
Ngày đăng: 10:13 | 19/09/2017
/ Theo Bích Phương/Báo Pháp luật Việt Nam