Nhật Bản rất kỳ vọng vào Olympic nên dù nó bị hoãn hay hủy đều là thảm họa kinh tế với quốc gia vốn đang trên bờ vực suy thoái này.
Fujita – Giám đốc một hãng bán buôn đồ da tại Tokyo đang cố tính toán nên đặt hàng bao nhiêu chiếc móc khóa cho Olympic. Cũng như hàng trăm doanh nhân khác tại Nhật Bản, ông đang mắc kẹt trong cuộc chơi suy đoán "tổ chức hay không tổ chức" khi Olympic Tokyo có nguy cơ bị hoãn, thậm chí hủy bỏ tháng 7 này vì Covid-19.
Ngày càng nhiều vận động viên, chuyên gia và người dân Nhật Bản cho rằng Thế vận hội sẽ không thể tổ chức. Canada hôm qua (22/3) trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố sẽ không cử vận động viên sang Nhật Bản vì lo ngại đại dịch. Australia hôm nay cũng ra quyết định tương tự.
Dù vậy, cả Nhật Bản và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đều thể hiện quyết tâm tổ chức sự kiện này. Sau cuộc họp với các lãnh đạo G7 tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông vẫn muốn tổ chức Olympic để chứng minh "loài người có thể chiến thắng đại dịch". IOC hôm nay cũng khẳng định đang cân nhắc việc hoãn Thế vận hội và sẽ không hủy bỏ.
Sự thiếu chắc chắn này đang khiến cả một hệ thống liên quan đến Thế vận hội mắc kẹt. Từ các doanh nghiệp lớn như Coca-Cola, Toyota, Samsung, Google – những nhà tài trợ cho sự kiện, đến các doanh nghệp nhỏ như khách sạn, nhà nghỉ, công ty bảo vệ và hãng lữ hành đều phải chuẩn bị cho cả 2 kịch bản. Fujita cũng vậy. "Nếu Olympic bị hủy, chúng tôi sẽ phải bỏ phí sản phẩm. Vì thế, chúng tôi rất muốn trong tháng này được thông báo Thế vận hội có tổ chức hay không", ông cho biết trên NYT.
Người dân chụp ảnh với biểu tượng Olympic tại Tokyo. Ảnh: AP |
Nhật Bản rất kỳ vọng vào sự kiện này. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vốn đã bị giáng đòn mạnh quý cuối năm ngoái, với GDP giảm 7,1% do tăng thuế tiêu dùng và lũ lụt. Sau đó, dịch bệnh lại bùng phát khiến du lịch và xuất khẩu của nước này sụt giảm đáng kể.
"Olympic là tia sáng cuối cùng của Nhật Bản hiện tại", Waqas Adenwala – nhà phân tích tại Economist Intelligence Unit cho biết trên CNBC, "Olympic là kịch bản duy nhất giúp họ có khách du lịch, có tiêu dùng. Nó không thể bù đắp tất cả, nhưng méo mó có hơn không".
Hủy bỏ Thế vận hội sẽ là thảm họa về kinh tế với quốc gia vốn đang trên bờ vực suy thoái này. Jun Saito – nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản cho biết nước này đã đổ 32 – 41 tỷ USD vào xây dựng các địa điểm thi đấu và bổ sung nơi lưu trú cho các khách sạn. "Gánh nặng tài chính với các công ty đã đổ tiền và kỳ vọng vào Thế vận hội là rất lớn", Saito cho biết.
Kịch bản hủy bỏ sẽ khiến Nhật Bản mất hàng tỷ USD doanh thu từ vận động viên, quan chức và người hâm mộ. GDP Nhật Bản vì thế có thể giảm 4 quý liên tục - dài nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. "Tôi cho rằng gần như chắc chắn nền kinh tế sẽ tăng trưởng âm trong quý I và II. Câu hỏi chỉ là liệu việc này có tiếp tục trong quý III hay không mà thôi", Takahide Kiuchi – nhà kinh tế tại Nomura nhận định trên Bloomberg.
Rất nhiều sự kiện tại Olympic đã bị hủy bỏ hoặc chuyển địa điểm. Một số vận động viên không thể tập luyện vì lệnh phong tỏa trong nước. Đây là thách thức IOC đã thừa nhận tuần trước.
Nhiều chuyên gia cho rằng IOC và Nhật Bản nên nhìn vào thực tế và tuyên bố hoãn hoặc hủy sự kiện. "Họ cần cho thấy mình cân nhắc việc này nghiêm túc và sẵn sàng hy sinh", Nancy Snow – Giảng viên tại Đại học Quốc tế học Kyoto cho biết.
Nhật Bản có thể lấy lý do là họ có số ca nhiễm (gần 900 người) và tử vong (gần 30 người) thấp so với nhiều nước khác. Tuy nhiên, họ cũng có tỷ lệ xét nghiệm khá thấp. Tháng trước, nước này chỉ xét nghiệm 32.125 lần, bằng Hàn Quốc trong 3 ngày đỉnh dịch.
Nhiều nhà phân tích lo ngại Nhật Bản còn hàng nghìn ca nhiễm chưa được phát hiện. Bên cạnh đó, cách xử lý của Nhật Bản với du thuyền Diamond Princess cũng làm tổn hại danh tiếng của nước này trong việc kìm hãm đại dịch. Một khảo sát tuần trước của Kyodo News cho thấy gần 70% người Nhật cho rằng Olympic không thể tổ chức đúng lịch.
Dù vậy, kể cả không hủy bỏ, WSJ cho rằng việc hoãn Olympic cũng sẽ khiến giới chức nước này đau đầu. Rất nhiều cơ sở vật chất dành cho Olympic thuộc sở hữu tư nhân và sẽ phải đặt chỗ lại, hoặc tìm nơi thay thế. Theo kế hoạch, làng vận động viên cũng sẽ được bán đi sau Thế vận hội. Các nhân viên chính phủ đang tạm thời phục vụ Thế vận hội cũng sẽ phải tiếp tục làm công việc này.
Ngay cả bây giờ, tin tức về khả năng Olympic bị hủy bỏ cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp nước này thiệt hại nặng. "Tình hình hiện tại là một mớ hỗn loạn", Toru Suzuki – Chủ nhà nghỉ Fukuyoshi Ryokan tại Ueno cho biết. Nhà nghỉ của ông không nhận được một lượt đặt phòng nào cho đợt Olympic. Trước đó, việc kinh doanh của họ đã sụt giảm 70–80% do khách du lịch hủy phòng vì đại dịch.
Còn với nhiều người khác, kỳ vọng thu lợi nhuận lớn giờ đã biến thành nỗi lo sợ cho tương lai. Tsuyoshi và Izumi Fukase đã xây một căn nhà mới ở đảo Enoshima - nơi thi đấu các môn đua thuyền của Olympic, với hy vọng cho vận động viên và người hâm mộ đến thuê phòng.
"Nếu giải đấu bị hoãn hoặc hủy, chúng tôi sẽ thiệt hại rất lớn", Fukase nói. Cả hai không biết sẽ xoay xở thế nào để trả nợ tiền vay mua nhà.
Hà Thu
Ngày đăng: 10:51 | 24/03/2020
/ vnexpress.net