Cách đây chừng hai thập kỷ, nghỉ Tết, học sinh trường nào cũng ôm về cả đống bài tập. Sách giáo khoa thì phần nào có bài phần ấy rồi, đã làm nhẵn cả, nên thày cô lấy sách tham khảo giao thêm. 

 

Toán thì toàn bài khó, văn thì dăm bảy bài trần thuật, miêu tả, toàn kiểu "Hãy tả sự đầm ấm sum vầy của Tết cổ truyền" hoặc "Mùa xuân là mùa của hy vọng, hãy viết 1 bài văn nói về sự hy vọng vào mùa xuân". Nhìn qua đã thấy ngao ngán.

Khi ấy, sẽ có 2 lựa chọn. Một là ngay ngày nghỉ đầu tiên, ngồi vào bàn mà làm cắm cúi đống bài ấy. Đứa nào chăm và giỏi, thì cũng mất 1 ngày (mà hồi xưa nghỉ Tết ngắn lắm, học sinh nghỉ toàn 5 ngày, năm nào nhiều thì 7 ngày là cùng, không như bây giờ có trường cho nghỉ hẳn 12 ngày nửa tháng).

Hai là, cứ chơi đã, mùng 5 đi học thì mùng 4 làm cũng chưa muộn. Ngày ấy, vẫn còn bao nhiêu thứ hay ho những ngày áp Tết. Nào pháo tép mơ, tép 7 màu, pháo thăng thiên, pháo dây, lại còn cả súng bắn pháo. Nào cờ cá ngựa, bầu cua cá. Nào là sang Bình Đà mua pháo, thậm chí mua thuốc pháo về tự cuốn. Nào cá chọi, ném lon, ném ảnh, truyện tranh, phim chưởng, điện tử 4 nút...

Cho nên, học trò 9/10 đứa là chọn phương án 2: Chơi đã.

Kết quả là đến mùng 4, khi mà pháo vẫn còn nổ đì đùng, khách vẫn đến nhà chúc Tết và mừng tuổi, thì bố mẹ đã bắt ngồi vào bàn mà làm bài tập. Thế là hết Tết. Nước mắt ngắn dài, tiếc ngẩn tiếc ngơ.

Người ta cứ nói trẻ con bây giờ ko hào hứng Tết như xưa. Có thể. Bởi vì hồi xưa, mấy khi trẻ con được nghỉ, được chơi, được ăn, được diện, được quan tâm đâu. Quanh năm lấm lem, tự loay hoay với đất cát, với vỉa hè, và với nhau. Nên Tết là cái gì đó xa xỉ lắm, đẹp đẽ và vui vẻ lắm.

Bây giờ trẻ con có nhiều điều kiện hơn. Nên nếu bảo Tết đến được ăn ngon, mặc đẹp, có tiền mừng tuổi, cơ bản bọn trẻ cũng thấy bình thường.

Nhưng trẻ con thời nào thì cũng thích được quan tâm. Lũ trẻ ở đô thị bây giờ bị ngắt khỏi mạch sống, lùa vào những chung cư, học những trường tư thục như gà công nghiệp. Chúng nó ngơ ngơ, không biết bạn bè hội hè là gì. Càng chẳng biết làm gì với Tết.

Cuối năm, ai đi qua gầm cầu vượt Ngã Tư Sở ở Hà Nội, sẽ thấy một đám trẻ chơi đá bóng. Để ngăn người bán hàng rong, người vô gia cư tụ tập, một hàng rào B40 chắc chắn đã được dựng lên quây kín gầm cầu. Bọn trẻ nhỏ người, trèo qua khe hẹp vào được. Giữa bụi bặm và còi xe tứ bề, quả bóng bay qua bay lại trong không gian chật hẹp của cái gầm cầu. Chật hẹp nhưng an toàn, một khoảng trống của riêng chúng, ko ai ngăn cản xua đuổi. Một sân chơi đúng nghĩa, và vô danh.

Tết, sau khi lo lắng quà cáp tứ bề, dọn dẹp như lau như li ba tầng gác, người lớn bắt đầu bắt trẻ con phải thấy Tết thật là thú vị.

Người lớn dí cho chúng mớ lá dong, gạo nếp đậu xanh thịt lợn, rồi bảo chúng gói bánh chưng (đến bánh chưng cũng đã có người chế ra máy gói, mỗi mẻ cả nghìn cái rồi, ai hơi đâu mà gói).

Người lớn bảo chúng hoa đào đẹp, hoa mai đẹp, hoa thủy tiên đẹp, quất cảnh đẹp. Còn không nói vì sao đẹp, thế nào là đẹp, ở đâu thì đẹp (nói sao được, những cái đó chính người lớn chưa chắc đã biết).

Chuẩn bị Tết, cái thú tích cóp lựa chọn bán mua sành sỏi kinh nghiệm, giờ chỉ cần vài giờ ghé siêu thị hay thậm chí giản tiện hơn là bấm điện thoại có người mang đến tận nhà.

Người lớn bảo trẻ con rằng Tết hay lắm. Không thấy à? Chúng bảo Vâng. Cái vâng ngơ ngác. Cả một quá trình bị giản lược đến mức tối đa, làm gì còn biết mà thích.

Chơi không có chỗ chơi, thưởng thức không biết đường thưởng thức, Tết với trẻ con bây giờ thành nhạt. Cận Tết, có đồng nghiệp đưa con lên công ty vì trường đã cho nghỉ mà bố mẹ vẫn còn làm. Hỏi cháu nghỉ Tết thích không, đứa nhỏ bảo không, cháu đi học vui hơn.

Nên tôi cám ơn cô giáo của con tôi lắm, khi cô giao bài tập cho lớp thế này: "Cô kính gửi bố mẹ dặn dò bài tập Tết:

1. Các con ngoan ngoãn, nghe lời ông bà, bố mẹ.

2. Giúp đỡ ông bà, bố mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón Tết.

3. Ngày đầu năm đi học báo cáo kết quả cho cô giáo..."

Cô muốn bọn trẻ có nhiều thời gian để học hỏi, tìm hiểu về Tết. Phần còn lại thì thuộc về chúng tôi, những phụ huynh. Ngoan ngoãn nghe lời là việc của con trẻ, nhưng lời gì là trách nhiệm của phụ huynh.

Giúp đỡ người lớn dọn dẹp trang trí nhà cửa đón Tết là đứa bé ngoan, nhưng câu chuyện về Tết, về những lớp nghĩa ẩn sau cái ăn cái mặc cái chơi, lại là trách nhiệm của người lớn.

Nào, cùng làm bài tập Tết của cô. Khó thật.

Gia Hiền

Ngày mùng 4 Tết chỉ còn gần 300 người Trung Quốc nhập cảnh qua Móng Cái
Mùng 4 Tết: Rau xanh, thủy hải sản tại Hà Nội tăng giá mạnh
470 người chết vì tai nạn giao thông trong 5 ngày Tết Nguyên đán
3 quán cà phê "sống ảo" dịp Tết ở Sài Gòn

 

Ngày đăng: 10:54 | 29/01/2020

/ vnexpress.net