12 trận động đất liên tiếp trong 2 ngày ở Sơn La là sự việc cần được nghiên cứu và theo dõi kỹ lưỡng.
Tính từ 12 giờ trưa ngày 27/7 đến 13 giờ chiều ngày 28/7, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu ghi nhận được 12 trận động đất ở các cường độ khác nhau, cao nhất là trận động đất đầu tiên có độ lớn 5,3.
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh giải thích: “Sau khi có trận động đất trưa hôm qua có độ lớn 5,3 thì thông thường có thể có địa chấn, dư chấn gây ra những trận động đất tiếp theo. Điều này cũng là chuyện bình thường. Ở cường độ này, khu vực mặt đất ở vị trí chấn tiêu có thể có rung động nền lên tới cấp 8 - 9. Rung động của động đất có thể lan truyền đi xa, theo đó nhiều khu vực ở Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hòa Bình... cũng cảm nhận được rung lắc khi người dân ở trên các tòa nhà cao tầng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để tìm hiểu xem hoạt động động đất ở khu vực đó nó sẽ diễn tiến theo chiều hướng nào. Tuy nhiên, hiện tượng dư chấn có thể xảy ra kéo dài có khi cả tháng, hoặc vài tháng”, ông Nguyễn Xuân Anh nói.
Nói thêm về việc động đất ở huyện Mộc Châu nhưng nhiều nhà cao tầng ở Hà Nội rung lắc, ông Xuân Anh cho biết mức độ cảm nhận độ rung lắc hay còn gọi là rung động nền phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền đất, khoảng cách đến tâm chấn và chất lượng công trình... Để đánh giá các rung động nền này cần phải có thiết bị đo đạc.
"Công trình nào ở nền đất cứng không có cộng hưởng rung chấn từ động đất thì người dân ít cảm nhận được rung lắc. Công trình ở khu vực có nền đất yếu hơn thì có cộng hưởng rung chấn từ động đất nên cảm nhận sự rung lắc sẽ rõ hơn.
Người dân ở các tầng trên cao cảm nhận về động đất rõ hơn so người ở dưới tầng thấp hoặc mặt đất. Bên cạnh đó, người càng ở gần tâm chấn thì cảm nhận về động đất càng rõ hơn so với người ở cách xa tâm chấn" - ông Xuân Anh nói
TS Nguyễn Xuân Anh cũng khuyến cáo người dân sống ở khu vực xảy ra động đất nên rà soát nhà cửa. Những nhà cửa kháng chấn kém thì phải gia cố lại, việc đi lại cũng cần cẩn thận tránh đá lăn, đất lở.
Ngày 27/7 Viện Vật lý địa cầu cử đoàn chuyên gia đến Sơn La khảo sát, nghiên cứu tình hình động đất ở Sơn La. Đoàn chuyên gia sẽ lưu lại khoảng 10 ngày để đánh giá kỹ hơn hoạt động động đất.
Giải thích thêm về hiện tượng này, TS Nguyễn Xuân Anh phân tích: "Chúng ta có thể hình dung như dưới lòng đất có một ví trị bị sụt lún lớn sẽ tác động đến các vị trí xung quanh, kéo theo chuỗi các sụt lún khác, cứ như vậy tạo ra nhiều dư chấn khác nhau.
Thực tế ngoài 12 trận động đất đã thông báo, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) còn ghi nhận thêm nhiều chấn động khác cường độ nhỏ khác".
Cũng có cùng quan điểm này, PGS.TS Cao Đình Triều, viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng (Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho hay, các trận động đất xảy ra trong hai ngày qua nằm trong đứt gãy sông Đà. Khu vực này được dự báo là vùng có nguy cơ xảy ra động đất và có thể xảy ra động đất mạnh hơn.
Lý giải về việc liên tiếp xảy ra các trận động đất sau đó, ông Triều cho biết thông thường một đợt động đất xảy ra nhiều trận, trận mạnh nhất là chủ chấn, sau trận chủ chấn sẽ có những trận dư chấn, dư chấn thường nhỏ hơn chủ chấn và suy giảm dần.
"Trận động đất có độ lớn trên 5,0 thì sau khi xảy ra sẽ có rất nhiều dư chấn, có thể lên tới hàng trăm, tuy nhiên những trận dư chấn mà ghi nhận được sẽ còn một vài trận nữa trong thời gian tới. Các dư chấn này thường nhỏ chủ chấn hơn nên không gây ảnh hưởng nhiều" - ông Triều thông tin thêm.
PV (th)
Động đất liên tiếp ở Sơn La |
12 giờ trưa 28.7: Xảy ra trận động đất thứ 7 tại Mộc Châu, Sơn La |
Sáng nay, tiếp tục xảy ra 2 trận động đất tại Mộc Châu, Sơn La |
Ngày đăng: 09:46 | 29/07/2020
/ Nghề nghiệp và cuộc sống