Tại phiên thảo luận của Quốc hội (QH) ở hội trường ngày 14-11 xung quanh các báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ QH, nêu nhiều thông tin khá bất ngờ.

Theo đó, "số liệu báo cáo cho thấy chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ chỉ đạt tỉ lệ bình quân 48% so với quy định"; và "phụ lục về kết quả tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND cấp tỉnh cho thấy nhiều tỉnh hoàn toàn trắng về số liệu như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Định, Cần Thơ, Cao Bằng… Có những tỉnh tỉ lệ tiếp dân của chủ tịch so với quy định là 0% như: Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên".

0% tức là hoàn toàn không tiếp dân lần nào. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 5, điều 12, Luật Tiếp công dân, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày/tháng.

Bấy nhiêu cũng đã đủ để hình dung bức tranh toàn cảnh về tình hình tiếp dân của quan chức xứ ta. Người dân đã không được tôn trọng đúng mức, Luật Tiếp công dân (có hiệu lực từ ngày 1-7-2014) đã không được thực thi nghiêm túc.

Một ngày sau khi bị "bêu tên", Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã lên tiếng, tỏ vẻ "bất ngờ" và cho biết đang liên hệ với Ban Dân nguyện để làm rõ. Các tỉnh khác im lặng.

Có nói gì đi nữa cũng không bằng làm, tức là hành động vì dân nhiều hơn, thực tâm hơn. Thông tin giám sát của các cơ quan thuộc QH hay kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đều cốt là để các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện tiếp công dân và giải quyết vấn đề của công dân đúng luật định. Năm ngoái, Thanh tra Chính phủ kết luận lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và nhiều sở - ngành, huyện của tỉnh này không tiếp dân đầy đủ theo quy định. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam có "nói lại" song điều quan trọng nhất qua chuyện ấy là tỉnh ý thức cao hơn công tác tiếp dân và người dân cũng được lợi hơn.

Đó là chỉ mới nói về số lần tiếp công dân mà thôi, chưa bàn về chất lượng. Tại phiên thảo luận ở QH hôm 14-11, rất tiếc là Trưởng Ban Dân nguyện không nêu đánh giá chất lượng tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp tỉnh như thế nào để công luận biết rõ. Có thể trường hợp tiếp dân chỉ trong 9 phút của chủ tịch tỉnh nọ mà đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng nêu là cá biệt nhưng về tổng thể có thể nói rằng một khi việc tiếp công dân mà còn chây lười như vậy thì chất lượng giải quyết vấn đề của công dân nhìn chung chưa thể cao được. Thực tế cho thấy ở nhiều nơi, công tác tiếp dân được tiến hành khá hình thức, làm cho có, dù rằng rất nhiều trường hợp người dân bức xúc kéo dài hàng chục năm.

Nhiệm vụ của cán bộ là phục vụ nhân dân. Người dân có gì mà sợ, sao không chịu tiếp?! Để khép lại bài viết, xin mượn lời đại biểu QH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) phát biểu hôm 14-11 khi trao đổi với báo chí bên hành lang QH về việc một số chủ tịch UBND các cấp viện lý do bận quá nên không sắp xếp được lịch tiếp công dân: "Nếu không làm được thì nên nghỉ. Pháp luật quy định như vậy mà không làm, tránh né thì không nên làm chủ tịch nữa!".

An Quý

so dan hay sao ma khong tiep Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh bất ngờ vì được xếp vào nhóm "lười" tiếp dân
so dan hay sao ma khong tiep Chủ tịch tỉnh tiếp dân đủ ngày: Bận cũng phải sắp xếp
so dan hay sao ma khong tiep Vẫn còn vị Chủ tịch tỉnh tiếp dân được 9 phút rồi... đi nhậu
so dan hay sao ma khong tiep Đại biểu Quốc hội: "Lãnh đạo không chịu tiếp dân thì nên rời ghế"

Ngày đăng: 16:00 | 16/11/2018

/ https://nld.com.vn