Liên quan tới việc Pakistan phát hiện gần 270 phi công sử dụng giấy phép do Nhà chức trách hàng không cấp không đúng chất lượng và cách thức (có thể là giấy phép giả), Cục Hàng không Việt Nam đã tiến hành rà soát 1.223 phi công nước ngoài và phát hiện được 27 phi công Pakistan làm việc tại các hãng hàng không Việt. Do dịch bệnh và hết hạn hợp đồng, hiện 15 người đã về nước.
Bằng lái máy bay không là “thẻ bài”
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau quá trình rà soát 1.223 phi công nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, có tổng số có 27 phi công là người Pakistan được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép và năng định (quy định về chức năng nhiệm vụ của nhân viên hàng không) cho các Hãng hàng không của Việt Nam, gồm Vietnam Airlines: 6 trường hợp; Vietjet Air: 17 trường hợp; Jetstar Pacific: 4 trường hợp.
Trong 27 trường hợp này có 12 trường hợp đang bay khai thác cho các hãng hàng không Việt Nam và 15 trường hợp còn lại đã hết hạn hợp đồng hoặc do dịch bệnh đã về nước. Việc cấp giấy phép lái máy bay cho 27 phi công trên tuân thủ các Quy chế an toàn hàng không Việt Nam và quy định tại Phụ ước Công ước Chicago về Hàng không dân dụng.
Trong 12 trường hợp phi công người Pakistan, có 11 người lái là của hãng Hàng không Vietjet, 1 người lái là của hãng Hàng không Jetstar Pacific.
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) và hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) không có phi công mang quốc tịch Pakistan. Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, trong quá trình khai thác bay không có trường hợp người lái Pakistan nào liên quan đến vấn đề sự cố hay uy hiếp an toàn bay.
Chiều tối qua, 29.6, Vietjet cũng ra thông báo: Ngay khi có thông tin từ phía Pakistan, Vietjet đã chủ động rà soát, và không phân công làm nhiệm vụ với các phi công thuộc diện cần hãng kiểm tra, đánh giá. Hãng hàng không Vietjet khẳng định hiện không có phi công quốc tịch Pakistan hay được cấp chứng chỉ tại Pakistan đang làm nhiệm vụ bay.
Theo một số phi công cho biết, để đậu vào trường đào tạo phi công, ngoài sức khoẻ tốt, các phi công phải trải qua 3 vòng thi sơ tuyển là thi tiếng Anh với hai kỹ năng nghe và đọc; thứ hai là bài trắc nghiệm trên máy tính đánh giá sự thích ứng, tố chất, năng khiếu bay và tiềm năng phát triển trong nghề phi công. Cuối cùng, các ứng viên phải trải qua một cuộc phỏng vấn trực tiếp với hội đồng giám khảo. Sau khi đậu khâu tuyển đầu vào, các học viên được học lý thuyết và thực hành bay cả trong và ngoài nước với chi phí đào tạo cho tất cả các quá trình là hàng tỉ đồng.
Theo Cơ trưởng A350 - Phạm Thanh Sơn (Đoàn bay 919), bằng phi công không giống như các bằng khác là có thể được sử dụng vĩnh viễn cả đời, sau khi tốt nghiệp các khoá đào tạo bay, cứ 6 tháng/lần, đại diện Cục Hàng không sẽ kiểm tra và nếu không vượt qua được các lỗi cơ bản thì người đại diện sẽ không ký đóng dấu. Để kiểm soát, cứ 6 tháng các phi công phải kiểm tra một lần, trong đó phải thực hành trong buồng giả định với các tình huống gió giật, gió xoáy đổi chiều, mưa lốc táp vào mặt…
Quy trình đào tạo khắt khe
Nếu là phi công nước ngoài phải lựa chọn những phi công đến từ các quốc gia có nền hàng không phát triển, giàu kinh nghiệm thực tiễn, sở hữu đầy đủ bằng cấp chất lượng, có lịch sử làm việc đảm bảo tuyệt đối không xảy ra các sự cố uy hiếp hoặc làm mất an toàn khai thác.
Tiếp đến, quy trình cấp phép cho người lái nước ngoài phải tuân thủ theo Bộ quy chế An toàn hàng không Việt Nam. Quá trình kiểm tra hồ sơ và tổ chức kiểm tra, cấp giấy phép và năng định cho người lái nước ngoài được thực hiện theo đúng Quy chế An toàn hàng không Việt Nam và quy định về Hàng không dân dụng quốc tế.
Theo đó, khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cho người lái nước ngoài, Cục Hàng không Việt Nam tiến hành kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm kiểm tra thông tin tại các mẫu đơn đề nghị, kiểm tra các điều kiện về tuổi, sức khỏe, bằng cấp, tổng số giờ bay khai thác, số giờ bay trên loại, kinh nghiệm của người đề nghị cấp phép. Việc quan trọng nhất là liên hệ với nhà chức trách cấp giấy phép gốc của người lái nước ngoài để đảm bảo rằng giấy phép do người lái nước ngoài đề nghị công nhận đã được cấp bởi quốc gia thành viên ICAO và tuân thủ quy định tối thiểu về cấp giấy phép cho nhân viên hàng không…
Những người lái đạt kết quả sát hạch lý thuyết sẽ được tham gia sát hạch thực hành trên buồng lái mô phỏng được phê chuẩn do giáo viên kiểm tra bay được Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ủy quyền kiểm tra về kỹ năng bay.
Sau khi hoàn thiện sẽ được Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ra quyết định cấp giấy phép và năng định để được phép bay khai thác cho các nhà khai thác tại Việt Nam trên các máy bay đăng ký tại Việt Nam.
Tổng số phi công nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 1.223 người, trong đó, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) có 309 phi công (chiếm 25,7% trên tổng số 1.203 người lái); hãng hàng không Jetstar Pacific có 145 (chiếm 70,3% tổng số 206 người lái); hãng hàng không Vietjet có 622 (chiếm 75,6% trên tổng số 823 người lái) và hãng hàng không Tre Việt có 147 người lái (chiếm 58,6% trên tổng số 251 người lái).
Đặng Tiến
Quy trình tuyển dụng, cấp phép lái cho phi công tại Việt Nam thế nào?
Liên quan tới việc Pakistan phát hiện gần 270 phi công sử dụng giấy phép do Nhà chức trách hàng không cấp không đúng chất ... |
Vietjet không có phi công Pakistan đang làm nhiệm vụ
Hãng hàng không Vietjet hiện có 823 phi công, trong đó 413/431 cơ trưởng là những phi công dày dạn kinh nghiệm với trên 5.000 ... |
Thông tin trái chiều vụ phi công Pakistan gian lận bằng lái máy bay
Liên minh phi công Pakistan phủ nhận cáo buộc phi công Pakistan gian lận bằng lái máy bay. |
Ngày đăng: 08:06 | 30/06/2020
/ laodong.vn