Vaccine Covid-19 giờ trở thành một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nước trên thế giới.
Theo kết quả được công bố trên Tạp chí Y khoa The Lancet, vaccine thử nghiệm AZD1222 do tập đoàn AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) và trường Đại học Oxford (Anh) phối hợp bào chế cho kết quả an toàn và tạo ra kháng thể ở người trong giai đoạn đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng. Cụ thể, vaccine AZD1222 không gây tác dụng phụ nghiêm trọng, tạo ra kháng thể mạnh và các phản ứng miễn dịch của tế bào T. Cuộc thử nghiệm này được tiến hành ở hơn 1.000 người trưởng thành tại Anh.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc thông báo vaccine Ad5-nCOV do công ty sản xuất vaccine CanSino Biologics và đơn vị nghiên cứu thuộc quân đội nước này hợp tác bào chế cũng chứng tỏ an toàn và tạo ra kháng thể ở đa số những người được tiêm một mũi. Kết quả được công bố sau khi các nhà nghiên cứu tiến hành giai đoạn hai cuộc thử nghiệm vaccine ở hơn 500 người tại Trung Quốc.
Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức và công ty dược phẩm lớn Pfizer của Mỹ công bố thêm thông tin về cuộc thử nghiệm giai đoạn đầu một loại vaccine Covid-19 cho thấy vaccine này an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch ở người.
Theo thống kê của WHO, tính tới ngày 29/7, có 142 vaccine ở giai đoạn tiền lâm sàng, 17 vaccine trong giai đoạn thử nghiệm 1, 13 vaccine giai đoạn 2, và 5 vaccine trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Chưa có vaccine COVID-19 nào được chấp thuận.
Trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng, các nhà nghiên cứu tiêm vaccine cho động vật để xem liệu nó có kích hoạt phản ứng miễn dịch hay không.
Trong giai đoạn 1, một nhóm nhỏ người được tiêm vaccine để xác định nó có an toàn không và xác định phản ứng miễn dịch mà nó gây ra. Trong giai đoạn 2, vaccine được tiêm cho hàng trăm người để tìm hiểu thêm về sự an toàn và liều lượng chính xác của nó. Trong giai đoạn 3, cũng là giai đoạn cuối cùng, vaccine được tiêm cho hàng nghìn người để xác nhận sự an toàn cũng như hiệu quả của nó.
Hiện tại, mới chỉ có 5 loại vaccine bước vào giai đoạn 3.
Những tín hiệu tích cực về việc sản xuất vaccine Covid-19 đã "châm ngòi" cho cuộc chiến sản xuất và sở hữu vaccine của nhiều quốc gia trên thế giới. Thực tế là đang có rất nhiều quốc gia ký đơn đặt hàng trước với các nhà công nghiệp dược phẩm. Mục đích là để đón đầu khi các nghiên cứu vaccine cho ra sản phẩm có hiệu quả để người dân sử dụng.
Mỹ đã chi cho các phòng thí nghiệm tới 3,5 tỷ Euro. Công ty Novavax được nhận 1,4 tỷ Euro với cam kết vaccine phải được cung cấp cho thị trường Mỹ. Trong khi đó, châu Âu cũng không phải là ngoại lệ. Pháp, Đức, Italy và Hà Lan đã đặt trước với công ty Astra Zeneca để có 300 triệu liều. Công ty này cũng đã nhận của Mỹ 1 tỷ Euro với cam kết cung cấp 300 triệu liều.
Đầu tháng 8, vaccine phòng Covid-19 do Viện Pasteur của Pháp nghiên cứu sẽ lần đầu được thử nhiệm lâm sàng trên người.
Chưa biết kết quả ra sao nhưng cách đây vài tuần, một trong những công ty bào chế dược phẩm lớn nhất thế giới của Mỹ là Merck-MSD đã mua bản quyền của vaccine này. Chỉ có Merck mới có năng lực tài chính để tiến hành hoàn chỉnh các thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng và sản xuất hàng triệu triệu liều.
Cuộc đua tìm kiếm vaccine phòng ngừa Covid-19 ngày trở nên cấp bách hơn sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, virus SARS-CoV-2 có thể sẽ không bao giờ biến mất và sẽ tồn tại mãi mãi giống như virus HIV.
Hiện có hơn 100 loại vaccine đang được nghiên cứu, bao gồm nhiều loại đang được thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận thấy những khó khăn trong việc tìm kiếm một loại vaccine có hiệu quả với virus SARS-CoV-2.
Nhiều chuyên gia hàng đầu nước Mỹ rằng chỉ một loại vaccine không đủ để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Nghiên cứu này nhấn mạnh, do nhu cầu của từng nước và sự khác biệt của chủng virus có thể sẽ đòi hỏi nhiều hơn một loại vaccine hiệu quả, và do đó cần đến sự phối hợp trong một chiến lược toàn cầu.
PV (th)
Ngày đăng: 09:59 | 31/07/2020
/ Nghề nghiệp và cuộc sống