Hành động “cạn tình” của Mỹ có thể khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ phương Tây, nhưng điều này có vẻ sẽ không diễn ra một cách dễ dàng.
Căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến Ankara "dứt tình" với NATO.
Phương Tây không còn giữ được Thổ Nhĩ Kỳ?
Lira, đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm gần 40% giá trị so với đồng đô la Mỹ trong năm nay. Quan hệ giữa hai nước cũng rơi xuống mức thấp nhất vào hôm 10/8 vừa qua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định tăng gấp đôi thuế quan đối với thép và nhôm Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối việc nước này từ chối thả mục sư Andrew Brunson – người đang bị chính quyền Ankara quản thúc vì cáo buộc khủng bố.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ngay lập tức có những phản ứng đáp trả lại Mỹ, chỉ trích Washington đang có một âm mưu toàn cầu nhằm phá hủy những thành tựu kinh tế và chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ - không giống như một số quốc gia gặp phải tình trạng tương tự gần đây - dường như sẽ không tìm kiếm sự giúp đỡ từ Quỹ tiền tệ quốc tế để ngăn chặn nguy cơ sụp đổ tài chính, cũng như cố gắng nhún nhường để tìm cách cải thiện quan hệ với Washington.
Trên thực tế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, ông sẵn sàng đáp trả gấp đôi những thách thức đối với Mỹ, bất chấp điều đó có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu, theo Fadi Hakura, một chuyên gia từ viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia, có trụ sở tại London bình luận.
Như một giọt nước làm tràn ly, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn xem Mỹ như một đối tác đáng tin cậy và đồng minh chiến lược. Dù bất cứ nhà lãnh đạo nào sau này lên nắm quyền, một Thổ Nhĩ Kỳ bị thương bởi người đồng minh Mỹ sẽ rất có thể tìm cách rời bỏ phương Tây và chuyển hướng sang Nga và Iran, cũng như các đối tác châu Á khác.
Đòn đánh của chính quyền Trump sẽ làm cho Thổ Nhĩ Kỳ ít hòa hợp với các mục tiêu của Mỹ và châu Âu ở Trung Đông, đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách khẳng định một chính sách an ninh và quốc phòng độc lập hơn.
Trong trường hợp cực đoan, nước này thậm chí có thể quyết định rút khỏi NATO và chấm dứt các hợp tác kinh tế với Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Erdogan không dám rời NATO?
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên tiếng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tham dự một cuộc họp với nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, Sergei Lavrov, ở Ankara hôm 14/8, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu của Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối gay gắt các biện pháp trừng phạt của phương Tây. "Thời đại mà chúng tôi bị người khác bắt nạt phải kết thúc", ông Cavusoglu nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lavrov nhấn mạnh rằng phương Tây đang sử dụng các biện pháp “trừng phạt, đe dọa, tống tiền".
Trước viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ sát cánh với phương Tây, Nga đang được coi là ứng viên hàng đầu để Ankara lựa chọn như một đồng minh mới.
Quan hệ gần gũi hơn với Nga có thể giúp Tổng thống Erdogan bớt phụ thuộc vào Washington và thay đổi hoàn toàn định hướng của đất nước sau Thế chiến II, khi Thổ Nhĩ Kỳ đã coi NATO như một lực lượng quân sự bảo vệ mình.
"Chúng tôi đang tìm kiếm các đồng minh mới", ông Erdogan nói với những người ủng hộ mình hôm 12/8.
Sự hợp tác thương mại và hợp tác quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là một sự kiện đáng chú ý, theo tờ WSJ. Bởi hai năm trước, căng thẳng chưa từng có đã nổ ra khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ của Nga ở Syria và đại sứ Nga bị bắn chết bởi một sĩ quan cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ.
Gần đây, Moscow đã dần lấy lại quan hệ nồng ấm với người hàng xóm phía Nam bằng các hợp đồng năng lượng, hạt nhân và vũ khí phòng thủ tiên tiến S-400.
Tuy nhiên, bất chấp những quan ngại cho rằng hành động “cạn tình” của Mỹ sẽ khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ phương Tây, một số nhà phân tích lại tỏ ra lạc quan hơn khi nghĩ rằng, ông Erdogan sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Liên minh châu Âu và vẫn cam kết với NATO.
"Bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là một vấn đề song phương và sẽ luôn như vậy”, Unal Cevikoz – cựu đại sứ tại Nga cho biết. "Ông Erdogan sẽ không dám rời NATO”.
Ngay tại lúc này ở Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã cảnh báo về những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra và thúc giục hai bên tránh gây căng thẳng.
Myron Brilliant, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ cho biết: “Những hành động làm tăng những rủi ro căng thẳng này sẽ lan rộng những thách thức đến các thị trường mới nổi khác, bao gồm các ngân hàng ở châu Âu, và cuối cùng ảnh hưởng cả nền kinh tế Mỹ”.
Phương Tây vẫn đang hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ sẽ cùng có những động thái giảm bớt căng thẳng vì lợi ích lâu dài, trong khi các nhà quan sát ủng hộ Nga tin rằng ngày Ankara ngoảnh mặt với phương Tây không còn xa.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng thuế gấp đôi với nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ
Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay tuyên bố tăng thuế với ôtô, rượu và thuốc lá Mỹ trong bối cảnh căng thẳng giữa Ankara và Washington ... |
Mỹ có thể gây thêm áp lực nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thả mục sư
Một quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ gia tăng sức ép kinh tế lên Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này từ chối thả mục ... |
Ngày đăng: 08:43 | 16/08/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn