Với hầu hết những người có tuổi đã ở lâu phố cũ, thì ký ức đẹp nhất về Hà Nội là đoạn thời gian phố phường thưa thưa xe máy và ngập tràn thanh thản xe đạp. 

pho thoi xa vang
Hà Nội những năm đầu thập kỷ 1980

Hồi ấy vỉa hè dịu dàng thanh sạch, những ngôi nhà mặt tiền phần lớn chưa thành cửa hàng, nền nã xám nâu màu của “Phái”, thanh bình ngái ngủ. Trên cái vỉa hè ấy, bọn trẻ con luôn vui chơi đông, những trò chơi bần bạch hoang dã, hồn nhiên vĩnh viễn không bao giờ có trên game online.

Kể cả tới hồi bao cấp, ở ngoại ô xa xa đâu không biết, chứ loanh quanh những phố của cả bốn quận nội thành, thì dù có những cơn mưa dữ dội dai dẳng thì cũng chỉ làm mấy đường cống thoát nước như trong hơn. Hiếm hoi lắm mới có chuyện ngập hay nước tràn qua bậc thềm nhà.

Những ngày lãng mạn cổ tích ấy hiện rất rõ qua văn chương ký sự giai đoạn sau “bảy nhăm”. Và không cần xa đến thế, nó luôn đậm nhạt có trong các tiểu thuyết khắc khổ viết về phố của những thập niên bắt đầu đổi mới. Tức là cũng chưa xa lắm. Để thấy hôm nay đây, Thủ đô yêu dấu của chúng ta đổi khác với tốc độ chóng mặt.

“Hà Nội mùa này phố cũng như sông”, câu hát chế đã xấp xỉ trở nên thành ngữ. Chưa bao giờ Hà Nội phải đối diện với nhiều ô nhiễm như hôm nay. Nó là hệ lụy từ tốc độ phát triển dân cư phi mã, một vấn nạn cho tất cả những đô thị trung tâm trên toàn thế giới, luôn làm các cấp quản lý nhăn nhó đau đầu.

Hạ tầng cơ sở dù đã có rất nhiều cố gắng cải thiện, nhưng vẫn rất khó theo kịp nhịp sống đương đại. Hiển nhiên thôi, vì bị câu thúc ở một nguyên lý lớn. Đó là nhu cầu của con người ta dường như vô hạn, trong khi năng lực của bất kỳ ai cũng hữu hạn. Tuy nhiên, cũng không thể lấy đấy để biện minh cho việc quy hoạch lộn xộn, đặc biệt xót xa dễ nhìn thấy nhất ở những khu đô thị mới đã và vừa được xây dựng.

Một con phố để người ta phải quyến luyến nhớ, thì hoàn toàn không phải sáng choang long lanh tối tân, mà phía sâu trong nó phải thăm thẳm đọng những thói quen văn hóa. Minh họa dễ thấy nhất là những quán cà phê. Phố cổ càng ngày càng vắng những quán mà ở đó nhạc cổ điển không lời được chọn lọc tinh tế mềm mại. Nó vừa đủ để làm cho khách, hoặc ngồi một mình hoặc đi với bạn, khi mông lung ngắm phố bỗng thấy lòng mình rộng hơn sâu hơn để bồi hồi sống chậm hơn.

Thanh bình của phố bây giờ chỉ còn đọng ở những con phố đi bộ quanh Bờ Hồ vào những ngày cuối tuần. Dòng xe máy ồn ào cuồn cuộn hình như được một cơn mưa chuyển mùa thanh tẩy. Thoang thoảng có mùi thơm của vài cái lá hơi ửng vàng trái mùa tiêu tao rụng. Phố vẫn thế mà lòng đường như hun hút dài ra. Gió trong mưa sạch. Không phải ngẫu nhiên mà đề án cấm xe máy đã được Hà Nội thông qua với tỉ lệ phiếu tán thành trên chín mươi mốt phần trăm.

Vỉa hè dọc một con phố nhỏ nào đó như lãng mạn hơn khi có hai mẹ con đi lễ chùa. Bà mẹ lưng còng nhưng dáng thẳng, áo dài quý tộc ngà trắng, với mái tóc bạc tuyền như cước, phảng phất mùi hương nhu. Người già mà thơm đều là những người ngoan đạo. Thằng con đã chớm trung niên, nó vận áo kẻ ca rô ô nhỏ màu sẫm của một nhà chuyên may sơ mi trên phố Tràng Tiền. Nó ngượng nghịu khoác tay mẹ, một thói quen đáng yêu của những thằng con giai phố cổ nhưng đã bị vô cảm đời thường dung tục làm tuyệt truyền.

Hình như giờ đây, chỉ có phố đi bộ mới trả lại cho phố phường những người Hà Nội thật. Phải chăng, chỉ khi tồn tại một không gian thật Hà Nội thì may ra mới còn người Hà Nội. Tiếng chuông chùa Quán Sứ buổi trưa rười rượi nắng, chầm chậm buông ra đến tận đây. Muốn nghe được những gì tinh tế hay thiêng liêng, cuộc đời bắt buộc phải thưa vắng.

Vài nhà Hà Nội học có tham gia quản lý văn hóa đô thị hay trèo lên ti vi nức nở rằng, tiếng rao đêm ở phố cổ đã bị mất, cho dù đám bán hàng rong được trang bị sành điệu toàn loa điện. Bọn họ vật vã không hiểu tại sao đêm Hà Nội bỗng thành nghễnh ngãng, để rồi rụng mất một nét văn hóa phi vật thể. Khó hiểu lắm ư. Với cuồn cuộn người từng phút từng giây mưu sinh quyết liệt lộn xộn như thế, đêm Hà Nội chưa điếc còn là may.

Phố vắng ở Hà Nội giờ đây chỉ còn là hoài niệm, một hoài niệm đẹp phảng phất như cổ tích. Nó hao hao giống như ký ức về một thời trong trắng bao cấp. Ở cái thời có nhiều ngây thơ đó, tuy hạ tầng đô thị thiếu thốn tiện nghi, đọng đầy những sự ấu trĩ, những cách nghĩ chủ quan duy ý chí, nhưng nó lại lưu giữ rất nhiều những nguyên bản khát khao cao cả trong veo của cả một đoạn lịch sử.

Nó hào hùng lãng mạn, đáng tự hào và đáng nhớ. Có phải vậy chăng mà khi Ủy ban nhân dân thành phố quyết định phố nhỏ 19 tháng 12 thành phố sách thì đã nhận được không biết bao nhiêu nồng nhiệt ủng hộ. Giữa sầm uất bộn bề phố xá, một không gian yên tĩnh với thanh thản cây xanh tỏa bóng lên từng trang sách luôn sẽ là chỗ đáng để đến.

Nó nao nao gợi nhớ về một thuở chưa xa, lúc Hà Nội vẫn còn những bình yên phố vắng.

pho thoi xa vang Độc đáo đặc sản café trứng Hà Nội

Dạo quanh Hà Nội qua con phố Nguyễn Hữu Huân, với những người yêu café không ai là không biết đến Café Giảng, một không ...

pho thoi xa vang Nhộn nhịp chợ Đồng Xuân

Nếu nói một cái chợ lớn và nổi tiếng nhất Hà Nội thì có lẽ không chợ nào vượt được Đồng Xuân. Ngày thơ bé ...

http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/pho-thoi-xa-vang/744862.antd

Ngày đăng: 09:08 | 21/10/2017

/ Nhà văn Nguyễn Việt Hà/An ninh Thủ đô