Ông Han Zicheng luôn lo sợ phải chết mà không ai hay biết nên đã đăng tin tìm người nhận nuôi mình để không phải sống trong cảnh cô độc.
Ông Han Zicheng hồi tháng một đạp xe đi mua đồ ăn tại khu chợ gần nhà ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Washington Post.
Vào một ngày lạnh giá tháng 12/2017, ông Han Zicheng, 85 tuổi, gom lại một đống giấy trắng và lần lượt viết lên từng tờ giấy dòng thông báo bằng mực xanh: "Tìm người nhận nuôi tôi", theo Washington Post.
"Ông lão cô độc ngoài 80 tuổi. Cơ thể khỏe mạnh. Có thể mua sắm, nấu nướng và tự chăm sóc bản thân. Không mắc bệnh mãn tính. Tôi nghỉ hưu từ một viện nghiên cứu khoa học ở Thiên Tân với mức lương hưu 6.000 nhân dân tệ (950 USD)/tháng", thông báo mô tả chi tiết. "Tôi không tới trại dưỡng lão. Mong muốn của tôi là một người hay gia đình tốt bụng nào đó sẽ nhận nuôi tôi, chăm sóc tôi qua quãng thời gian tuổi già và chôn tôi khi tôi chết".
Han sau đấy dán tờ thông báo tại trạm xe buýt gần khu dân cư đông đúc nơi ông sống và về nhà chờ đợi. Han là một trong hàng triệu người Trung Quốc đang phải sống cảnh cô đơn khi về già. Vợ ông đã qua đời. Ông không thể liên lạc với con trai và hàng xóm thì bận rộn chăm sóc cho gia đình riêng của họ.
Mức sống ngày càng tăng cùng chính sách một con đã khiến dân số Trung Quốc suy giảm nhanh chóng. Hiện 15% dân số trên 60 tuổi. Đến năm 2040, tỷ lệ này sẽ là 25%, theo các cuộc thăm dò mới đây. Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang đe dọa tới kinh tế cũng như kết cấu gia đình Trung Quốc.
Năm 2013, chính phủ Trung Quốc ban hành luật bắt buộc con cái phải viếng thăm cha mẹ thường xuyên. Song thực tế, còn rất nhiều người già Trung Quốc hiện vẫn phải sống trong cảnh cô đơn, không con cái ở bên và không được bảo vệ.
Hồi tháng ba, ông Han qua đời. Con trai ông đã từ Canada trở về để lo hậu sự cho cha. Anh khẳng định cha mình không cô đơn. "Chuyện này có thể xảy ra ở bất cứ đâu", anh nói.
Người con trai không muốn kể về cuộc sống cá nhân của cha mình nhưng xác nhận rằng vào ngày 17/3, ông Han thấy không khỏe và đã gọi tới một số lạ trên điện thoại. Nỗi lo sợ lớn nhất của ông là phải chết mà không ai hay biết. Cuối cùng, ông cũng được chuyển tới bệnh viện và qua đời trên giường bệnh.
Vũ Hoàng
Trung Quốc: Khóa học catwalk dành cho người già
Vào đầu học kỳ mới, Đại học Harbin Elder đã chào đón sinh viên của mình với một khóa học mới về đào tạo người ... |
Hàng vạn ‘người già’ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam
Hàng vạn khách Trung Quốc, chủ yếu là người già ồ ạt nhập cảnh vào Việt Nam để du lịch, khiến Cửa khẩu quốc tế ... |
Người già Nhật phạm tội để vào tù: Cái giá việc hóa... rồng?
Thực trạng người già Nhật Bản cố tình phạm tội để được ở tù cho thấy mặt trái chính sách phát triển kinh tế, văn ... |
Ngày đăng: 15:49 | 03/05/2018
/ https://vnexpress.net