"Đại án lập quỹ trái phép” năm nào bùng nổ ở Nông trường Sông Hậu đã khiến cho những ngày nghỉ hưu của chị Ba Sương đầy sóng gió... Tôi từng viết về những lần vượt lên trên đầu ngọn sóng dữ của chị. Trong 1 bài báo, tôi đã viết “Nhưng biết đâu, sẽ có một ngọn sóng khác - một ngọn sóng lành - đẩy đưa chị vào một nơi chốn bình yên. Mọi chuyện đều có thể phải không?”…

noi niem chi ba suong

“ Điều kỳ diệu từ cuộc sống cuối cùng cũng đến, chị được minh oan và trở về với đời thường …” Ảnh: L.T.N

Xuất phát từ sự quý mến chị, tôi thầm mong, chị sẽ vượt qua được như đã từng, nhưng khi số phận nghiệt ngã xô đẩy chị đối diện với bản án 8 năm tù, chút hy vọng vừa lóe lên trong tôi vụt tắt ngúm. Lần này, trong vòng vây nghiệt ngã của số phận, chị lại tiếp tục chịu đựng đắng cay chụp xuống, bất hạnh là điều đó lại diễn ra trên mảnh đất mà chị đã cống hiến hết một thời con gái… Dư luận xã hội trong nước rộ lên phản biện, bênh vực chị. Rồi cơ quan chức năng trung ương vào cuộc, những gút mắc và cái gọi là “tội trạng” trước đó dần được làm rõ… Điều kỳ diệu từ cuộc sống cuối cùng cũng đến, chị được minh oan và trở về với đời thường …

Sau lần đại nạn đó, lâu lắm, tôi mới gặp lại chị, như hồi nào, chị vẫn tất bật, miệng liền tay, tay liền miệng, giọng nói vẫn sang sảng, duy chỉ có dáng vóc gầy hơn xưa, lưng đã còng xuống theo tuổi tác. Hỏi ra, chị đã ngấp nghé bước đến hàng bảy mươi rồi…

U70 khởi nghiệp

Tại sao đến mức tuổi này rồi chị vẫn bươn chải, chị muốn kiếm thật nhiều tiền như khi còn là giám đốc 1 doanh nghiệp lớn…?

- Tôi từng được truyền thông gọi là giám đốc 3 không: Không chồng, không con, không nhà…. Về hưu rồi tôi vẫn vậy: Vẫn một thân một mình rày đây, mai đó. Bây giờ thì đi nhiều hơn xưa, bởi tất cả phải làm lại từ đầu, khi không còn cái mác quốc doanh. Làm giàu ư? Nhiều người cũng hỏi tôi như vậy, tôi cũng tự hỏi mình: Gần đất xa trời rồi, bây giờ mình đi kiếm tiền? Để làm gì? Có những ngày tôi phải ngồi trên xe khách xuyên cả ngày đêm đi nắm thị trường và tìm nguồn hàng về cung ứng cho 2 xưởng chế biến nông sản của tôi ở Đồng Nai và Hậu Giang, những lần như vậy, tôi phải trùm nilon, co mình nằm ngủ trước hiên nhà của nơi mà tôi tá túc vì khi đó trời chưa sáng, sợ kêu cửa làm phiền gia chủ, còn chuyện ngồi trên xe khách gặm bánh mỳ, hay lót dạ bằng nắm xôi mua ở bến xe là chuyện thường ngày…

Thật sự tuổi tôi đã bước sang hàng bảy mươi, nhưng sức tôi chưa tàn lụi đến mức lẫn lộn để tự đày đọa thân xác của mình cho điều gì đó không rõ mục đích. Vậy đó, nhưng cũng bị điều tiếng khi có lần tôi hiện diện ở 1 đơn vị kinh doanh của nông trường. “Bà Ba Sương bây giờ nghèo khổ lắm, phải quay lại, chen vào chỗ cũ để kiếm ăn”… Tôi không chú ý lời ong tiếng ve bởi đó không phải sự thật. Khi tôi nghỉ hưu, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài mời làm tư vấn kinh doanh, chế biến gạo và nông sản với mức lương rất hậu hĩnh, trọng thị, nhưng tôi không chấp nhận, mặc dù hiện trong đời sống riêng phải xoay xở rất chật vật với đồng lương hưu còm cõi…

Có lẽ đến suốt đời tôi luôn chịu đựng sự cực nhọc vì không nghĩ đơn giản muốn có phải giành giật để kiếm ăn như miệng đời gán ghép. Tôi đã trả lời dứt khoát với chủ các doanh nghiệp ấy rằng: Bề dầy nghề nghiệp, năng lực tôi có được là quá trình lặn lội hai sương một nắng với nông dân, là sự tích lũy từ đất đai quê nhà, bây giờ chẳng thể vì miếng cơm, manh áo của riêng mình mà mang bán… Tôi không trách và cũng chẳng chú ý lời ong tiếng ve bởi đó là miệng đời, người ta đâu có trong hoàn cảnh của mình, làm sao hiểu được. Chính là tôi đang còn mắc nợ…

Nặng nợ

Chị nợ ai? Có nhiều tiền không?

- Không phải là nợ tiền mà là nợ lời hứa. Trước khi cha tôi (ông Năm Hoằng, người có công khai mở và dựng nên 1 nông trường sông Hậu lừng lẫy-PV) lâm chung, tôi có hứa sẽ cố gắng phát huy truyền thống anh hùng của nông trường. Và rồi tai họa ập xuống, búa rìu dư luận trùm xuống nông trường và cha con Năm Hoằng… Đó là món nợ rất lớn về danh dự với cha khiến tôi bị ám ảnh và ray rứt thời gian dài. May nhờ mấy chú cán bộ lão thành, mấy anh lãnh đạo đương chức ở trung ương ra tay minh oan cho (Mặc dù đến bây giờ, tôi vẫn chưa có được lời cảm ơn trực tiếp, nhưng tự trong đáy lòng của mình, tôi luôn mãi khắc ghi). Xem như món nợ danh dự với cha tôi đã trả xong, nhưng vẫn còn một món nợ xây 1 ngôi nhà đàng hoàng để lập bàn thờ cha. Do phải ở tá túc, dời chuyển nhiều nơi, nhiều lần… tôi phải gởi nhờ bàn thờ của cha tôi ở văn phòng nông trường cũ nên đi đâu tôi cũng mang di ảnh của ông theo, như hồi cuối năm nay, đến ngày tảo mộ, bị kẹt lại ở Gia Kiệm không về được, tôi liền lập bàn thờ dã chiến tại chỗ, thắp mấy cây nhang để cúng vái cha.

Tôi tin tương lai thu nhập của 2 xưởng chế biến sẽ hé mở cho tôi cơ hội trả món nợ lập bàn thờ cha. Còn món nợ hứa sát cánh cùng nông dân biến đất đai này thành vàng thành bạc thì phải có vốn đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất công nghiệp. Bấy giờ tôi giống như cá bị mắc cạn, có bạn bè nói với tôi: “Không có vốn thì đừng hòng. Chỉ mấy triệu đồng lương hưu hàng tháng thì làm được gì. Thật viển vông… ”. Nói vậy chứ họ vẫn giúp đỡ cho vay tiền không lãi, nhưng chỉ giải quyết được phần nào cho 1 quy trình nhỏ lẻ… Không được nguồn vốn tín dụng, không thể nghĩ đến đầu tư quy mô. Lại lặn lội gõ cửa hết ngân hàng này đến ngân hàng khác, nơi nào cũng không xong vì vấp phải hạng tuổi (U70) rất khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Khó đến như vậy mà tôi vẫn vượt qua được.

Mong những điều kỳ diệu

Chị Ba Sương nói tiếp: Điều kỳ diệu ùa đến, quý nhân xuất hiện, 1 người bạn thành thạo chuyện làm ăn với Trung Quốc đã giúp tôi tiếp cận với thị trường nơi này. Sau khi chào hàng, đưa sản phẩm ra chợ… rồi nghe ngóng, thăm dò, đôi ba lần điều chỉnh…, đến khi nông sản chế biến nhãn hiệu Cô Ba Sương Việt Nam được người tiêu dùng bản địa chấp nhận thì thương nhân tìm đến. Bây giờ tôi nhận được nhiều hợp đồng gia công nông sản sạch dài hạn rồi tiến tới bao tiêu sản phẩm. Giảm được áp lực về vốn và đầu ra sản phẩm.

Khi sản xuất được mở rộng, tôi có điều kiện tiếp nhận thêm nhiều bà con nông dân tại chỗ tham gia dây chuyền sản xuất, những bà con đó đa phần lớn tuổi, không còn đủ sức lo việc đồng áng, nhưng có thế mạnh khác là kinh nghiệm và khéo tay. Lao động ở xưởng Ba Sương, các chị phát huy được khả năng của mình, có thu nhập đủ nuôi sống bản thân từ công việc vừa sức. Hiện nay, chưa có vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất theo quy chuẩn 4.0 gì đó mà gần đây thường nghe đề cập đến, nhưng tôi vẫn cố gắng thực hiện được những điều mình tâm niệm, dù là chưa có gì lớn lao và vẫn ở diện hẹp, nhưng làm được chút gì đó cho nông dân còn hơn không làm gì. Một điều kỳ diệu khác lại đến, sản phẩm chế biến Cô Ba Sương vừa tiếp cận được thị trường Mỹ, tôi đang xúc tiến lập các thủ tục vệ sinh an toàn thực phẩm để được xuất khẩu với số lượng lớn…

Chị hay đề cập đến điều kỳ diệu, hình như chị có hơi nhiều điều kỳ diệu, chị có biết vì sao không?

- Đó chẳng qua là sự may mắn . Nhưng may mắn lại xuất hiện rất đúng lúc và kịp thời nên gọi là điều kỳ diệu. Tôi nghĩ đơn giản: Cứ sống chân thành và tử tế với người xung quanh, thì sẽ có ngày được phúc đáp. Lâu nay tôi vẫn sống như vậy…

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này và chúc chị năm mới nhiều sức khỏe để thực hiện trọn vẹn 2 lời hứa còn lại với cha mình và bà con nông dân. Chúc chị gặp được nhiều điều kỳ diệu trong bước đường lập nghiệp.

noi niem chi ba suong Ngày Valentine: Nỗi niềm của những người độc thân "kỳ quặc"

Ngày Lễ tình nhân khiến nhiều người xốn xang khi vẫn còn cô đơn. Nhưng dự báo năm 2020, một nửa nhân loại không kết ...

noi niem chi ba suong Người bán hoa nghẹn lòng chiều 30 Tết: Hãy mua hoa sớm hơn

Những khuôn mặt khắc khổ dãi dầu, những bàn tay chai sạn, những giọt nước mắt của những người bán hoa dịp cuối năm, than ...

noi niem chi ba suong Tâm thư gửi bà Xuân – nghi phạm hại chết cháu nội 20 ngày tuổi

Báo Người Đưa Tin nhận được bức tâm thư của độc giả thông qua Báo gửi đến bà Xuân – người hại chết cháu nội, ...

Ngày đăng: 10:48 | 05/03/2018

/ https://laodong.vn